Chủ tịch EuroCham Việt Nam Alain Cany. Ảnh: B.N. |
“Điều cấp thiết là Việt Nam công bố Quy hoạch điện VIII”, Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany, trả lời Zing bên lề hội nghị quốc tế ngày 25/11 về huy động tài chính xanh cho Việt Nam. “Các nhà đầu tư cần có cách tiếp cận lâu dài. Họ khó có thể đầu tư nếu không biết điều gì sẽ xảy ra trong 2-3 năm tới”.
Với việc Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Quy hoạch Điện VIII - tên đầy đủ là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 - rất quan trọng vì kế hoạch này cần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đề án Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình Thủ tướng lần đầu vào tháng 3/2021. Từ đó tới nay, Bộ Công thương đã lần lượt có 6 tờ trình khác về đề án này, với lần gần nhất vào ngày 11/11.
Yêu cầu cấp thiết
Việt Nam, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, là một trong những nước chịu rủi ro lớn nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo hồi tháng 7 của Ngân hàng Thế giới đã ước tính vào năm 2050, Việt Nam sẽ mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm nếu không có biện pháp thích ứng phù hợp.
Cũng theo ước tính của báo cáo trên, từ nay tới hết năm 2040, Việt Nam cần khoảng 6,8% GDP - tương đương 368 tỷ USD - nếu theo đuổi con đường phát triển có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và đảm bảo phát thải bằng 0.
Trong khi đó, hồi tháng 4, tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được tối đa 30%, 70% còn lại chủ yếu cần từ khu vực tư nhân.
Quy hoạch Điện VIII rất quan trọng vì kế hoạch này cần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Việt Linh. |
“Để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là cực kỳ cần thiết”, Chủ tịch Ủy ban quản lý Vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh nói tại hội nghị ngày 25/11.
Và theo vị chủ tịch EuroCham, nguồn tiền nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào các dự án xanh ở Việt Nam là rất sẵn có. Điều quan trọng là Việt Nam tạo điều kiện về chính sách để tăng cường sức hút với các nhà đầu tư, trong đó bao gồm việc gấp rút đưa ra Quy hoạch điện VIII, theo Chủ tịch Cany.
Ông Cany cho rằng Quy hoạch điện VIII sẽ giúp mở đường cho nhiều dạng dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng sạch, cũng như cho nhiều khoản đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam có cơ sở hạ tầng thủy điện rất tốt và bạn có thể lắp pin năng lượng Mặt Trời bên trên các con đập thủy điện. Như vậy thì tối đến bạn có thể dùng tuabin, ban ngày bạn dùng pin Mặt Trời”, ông Cany nói với Zing. “Tuy nhiên, dạng dự án này hiện chưa khả thi vì Bộ Công Thương và EVN chưa thể thống nhất cách quản lý”.
Sức hút của Việt Nam
Tại hội nghị chiều 25/11, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá Việt Nam là nơi hội tụ các yếu tố hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn vốn xanh và bền vững của các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế.
“Đó là lợi thế của nền kinh tế phục hồi ổn định sau dịch Covid-19, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi với lực lượng lao động có sức trẻ, sức sáng tạo và khả năng thích nghi cao”, Bộ trưởng nói. “Đó là nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất vào kinh tế khu vực và toàn cầu”.
Quang cảnh Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các Quỹ Đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” diễn ra chiều 25/11. Ảnh: Quốc Đạt. |
Đồng tình, ông Li Fan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus Singapore, cũng đánh giá Việt Nam tận hưởng một số ưu thế trong việc thu hút tài chính xanh cho phát triển bền vững.
Ông Li chỉ ra rằng các nhà đầu tư muốn rót tài chính xanh vào nước có chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, do tính chất bắt buộc của các khoản đầu tư lãi suất thấp.
Về vấn đề này, ông Li đánh giá Việt Nam được hưởng lợi do chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng được quản lý tốt, nằm trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương 2 năm liên tiếp.
Ngoài ra, ông Li cho rằng các nhà đầu tư sẽ cân nhắc cơ sở hạ tầng khi đầu tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng mềm. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang trên đà phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.
Theo Chủ tịch EuroCham Alain Cany, tuy còn một số vướng mắc về chính sách, Việt Nam về tổng thể đang đi đúng hướng.
“Điều Việt Nam cần làm là đảm bảo các dự án được triển khai ở đây có mức lợi nhuận khả dĩ và bền vững”, ông Cany nói với Zing. “Khi mọi thứ được cải thiện, tôi tin rằng các khoản đầu tư sẽ tới không chỉ từ châu Âu mà còn từ Nhật Bản và Mỹ”.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.