Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tự chủ đại học là bước đi cần thiết và quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.
Chiều 4/9, tại nhà điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác của Quốc hội có buổi nói chuyện với sinh viên và làm việc với ban lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tại buổi nói chuyện với gần 1.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Ngân có nhiều chia sẻ về vai trò của các trường đại học đối với sự phát triển của đất nước và ngược lại.
Nhà nước giám sát tự chủ đại học
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết với chủ trương xây dựng hai ĐH Quốc gia, Nhà nước một lần nữa xác nhận vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục với sự phát triển của đất nước, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, thời đại công nghiệp 4.0, giáo dục đại học có vai trò hết sức quan trọng.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi trò chuyện với sinh viên tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Hoàng Việt. |
Chủ tịch Quốc hội cho hay trong giai đoạn này, các nước đều nhìn lại việc tổ chức giáo dục đại học. Tự chủ đại học được xem là một trong những giải pháp giúp các trường đại học của Việt Nam chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.
Tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu đối với các trường để phát triển và hội nhập quốc tế với 3 yếu tố học thuật, nhân sự và tài chính. Ví dụ ở lĩnh vực nguồn lực tài chính, bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy nguồn lực tuy rất quan trọng, không thể phát huy được sức mạnh, tiểm năng của đại học, nếu thiếu một cơ chế quản trị phù hợp.
Bà Ngân cho rằng hiện nay, ngân sách Nhà nước có thể hạn chế, nhưng nếu nhìn nhận tới nguồn tài chính mà người dân Việt Nam đang đầu tư cho con em du học và chi phí cho các trường quốc tế tại Việt Nam có thể thấy nguồn lực trong nhân dân rất lớn. Thậm chí, nhiều tổ chức kinh tế ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục chất lượng cao nếu họ nhìn thấy khả năng thành công.
"Như vậy, vấn đề cốt yếu mà Nhà nước đóng vai trò quyết định là tạo ra cơ chế quản trị, tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, hình thành một không gian đủ rộng cho các sáng kiến được thực hiện. Làm sao có thể tạo ra một môi trường giáo dục đại học phát triển, với các trường đại học đủ điều kiện theo những chuẩn mực quốc tế, thì vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là kiểm soát mà xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy.
Nếu môi trường quản lý không tạo điều kiện để các trường đại học có một mức độ tự chủ cần thiết, hoạt động của các trường sẽ hết sức khó khăn, và như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội", bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Trường chịu trách nhiệm bằng "uy tín" của mình
Trong buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc đến vấn đề nhiều trường đại học mới được thành lập trong thời gian gần đây dẫn đến những lo ngại về vấn đề chất lượng đào tạo.
Từ vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định tự chủ đại học không có nghĩa thả nổi chất lượng, buông lỏng quản lý đào tạo. Ngược lại, tự chủ đại học sẽ thúc đẩy các trường tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút người học, qua đó giải quyết bài toán kinh tế.
|
Hàng năm, ĐH Quốc gia TP.HCM đều mời những diễn giả đặc biệt đến trò chuyện cùng sinh viên trước thềm năm học mới. Ảnh: Hoàng Việt.
|
"Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải nhìn lại việc quản lý. Tự chủ đại học hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các cơ sở đào tạo phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn", bà Ngân khẳng định.
Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo một môi trường giáo dục đại học hiện đại, phát triển với các đại học đỉnh cao, chất lượng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học hiện nay mà Quốc hội đang triển khai là nhằm phục vụ mục đích này.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết việc đổi mới nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Muốn thực hiện được những điều đó cần tập trung đổi mới tư duy giáo dục hiện nay “gắn với xây dựng xã hội học tập”; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.
"Các cấp, ngành, trước hết là Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia, các trường đại học trọng điểm, cần có sự thay đổi một cách mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức giáo dục đại học, cho phép cơ sở giáo dục đại học được đặt ra tiêu chuẩn tuyển sinh và chịu trách nhiệm với người học bằng chính uy tín đào tạo của mình; cho phép hình thành nhiều mô hình đào tạo đại học khác nhau, kiểm soát chặt chẽ đầu ra của mỗi cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng chung… Đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế", bà Ngân nói.
Theo lời Chủ tịch Quốc hội, giáo dục đại học Việt Nam đang ở trong tình thế cần có sự đột phá mạnh mẽ về chất lượng. Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra cũng là một nhân tố quan trọng giúp giáo dục đại học Việt Nam tiếp thu những kinh nghiệm và thành tựu của các nước nhằm rút ngắn khoảng cách.
Môi trường giáo dục đại học phát triển với nhiều đại học đỉnh cao sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đất nước bằng cách khích lệ hệ thống giáo dục đại học đào tạo ra những con người ưu tú, những nhà khoa học xuất sắc để đem lại những thay đổi và tiến bộ quan trọng cho xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đặt hàng nghiên cứu khoa học
Tại buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các trường đại học phải có biện pháp giáo dục, giới thiệu cho sinh viên ngay từ những ngày còn trên ghế nhà trường để các em có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc về mô hình và nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Một góc độ khác về sự tham gia của các trường đại học vào xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là việc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, thực tiễn và phát triển lý luận về nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nhân đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đặt hàng ĐH Quốc gia TP.HCM nghiên cứu về vai trò của Quốc hội với việc hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhất tổ chức đại diện dân cử của người dân, là cơ quan quyền lực của Nhà nước.