Diện mạo mới của chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Hoài Văn/ Tiền Phong. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), cho biết màu sơn mới của chùa Cầu tương đương màu gốc. Điểm khác biệt ở đây là vấn đề thời gian.
Ông cho rằng sau khi công trình hoàn thiện, trải qua mưa gió, rêu mốc sẽ xuất hiện lên y như cũ. Đơn vị thi công không thể sử dụng ngói cũ đã mục đưa vào nhằm tạo vẻ rêu phong được.
"Công trình vừa được đại trùng tu nên việc giữ nguyên màu sắc cũ kỹ như trước là điều không thể", ông Sơn cho hay.
Chùa Cầu được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17. Sau 400 năm tồn tại, công trình đã trải qua 7 lần đại trùng tu.
Ông Sơn cho biết lần cuối cùng di tích này được trùng tu đó là vào năm 1986. Tuy nhiên, khi ấy điều kiện còn khá khó khăn, ngân sách eo hẹp nên việc trùng tu chưa đảm bảo về vấn đề kỹ thuật bền vững.
"Gần đây phần móng chùa Cầu bị lún đất, nguy cơ sụp đổ rất cao, nhiều chi tiết của cầu đã bị mục ruỗng. Qua quá trình khảo sát, đánh giá của Bộ Văn hóa, tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là phía chuyên gia của Nhật Bản, đã thống nhất rằng công trình này phải được đại trùng tu", ông Sơn nói.
Chùa Cầu trong quá trình đại trùng tu vào tháng 1. Ảnh: Thanh Đức. |
Ông cho biết việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trùng tu chùa Cầu được thực hiện rất kỹ, kéo dài hơn 3 năm. Quá trình trùng tu được thi công theo đúng nguyên tắc trùng tu di sản.
Thứ nhất, thực hiện trùng tu công khai minh bạch. Trong quá trình trùng tu, thành phố Hội An vẫn tổ chức tham quan.
"Chúng tôi cho xây dựng nhà bao che để du khách và các nhà nghiên cứu có thể tham quan, tham gia giám sát thực hiện", ông nói.
Thứ 2, đảm bảo giữ lại tất cả những yếu tố gốc còn sử dụng được. Những cấu kiện gỗ bị mục ruỗng mới được thay thế, các chi tiết còn sử dụng được một phần sẽ được chắp vá để giữ tối đa những yếu tố gốc của di tích.
Thứ 3, việc trùng tu phải đảm bảo tính bền vững. Mỗi lần trùng tu rất khó, vì vậy nguyên tác phải giữ nhưng công trình vẫn có thể sử dụng được lâu dài.
Chùa Cầu với diện mạo mới sau công cuộc đại trùng tu. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Chủ tịch TP Hội An cho rằng việc sơn để bảo dưỡng công trình có thể khiến di tích thay đổi về mặt màu sắc, nhưng về công năng đều được giữ nguyên như cũ. Vì vậy, ý kiến cho rằng việc trùng tu làm thay đổi chùa Cầu là không đúng.
Công tác trùng tu đã được nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ qua nhiều cuộc hội thảo trong vòng 3 năm, vì vậy những giải pháp kỹ thuật, tìm kiếm vật liệu không gặp khó khăn.
"Trong quá trình trùng tu, chúng tôi phát hiện một số vấn đề còn gây tranh cãi như 'mặt cầu cong hay thẳng'. Chúng tôi đã dừng lại để tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến của chuyên gia, đến khi đạt được sự đồng thuận, việc trùng tu mới được tiếp tục. Vì vậy công trình đã kéo dài 1,5 năm thay vì 1 năm như dự kiến", ông Sơn nói với Tri Thức - Znews.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết phần nước dưới chân cầu đã và đang được cải tạo rất nhiều so với trước đây.
"Ngay trên chùa Cầu chúng ta có một dự án trị giá 240 tỷ đồng do Nhật Bản tài trợ. Toàn bộ nước thải của khu vực đầu nguồn đã được thu gom, xử lý, hiện chỉ còn một phần ít ở hạ lưu. TP Hội An đang tiếp tục xây dựng hệ thống thu gom để tiếp tục đưa vào xử lý, trong thời gian tới, phần nước sẽ được xử lý sạch".
Hiện nay, quá trình trùng tu chùa Cầu gần như đã xong, chỉ còn hoàn thiện một số màu sơn, dọn dẹp cảnh quan và trồng cây xung quanh di tích.
Dự kiến ngày 3/8, TP Hội An sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình nhân sự kiện "Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản".
Trước đó, dự án trùng tu di tích Chùa Cầu được khởi công từ ngày 28/12/2022, kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công dự án là 360 ngày, tuy nhiên quá trình trùng tu di tích gặp nhiều tranh cãi về mặt cầu "cong hay thẳng" và những kiến trúc liên quan đến mặt cầu như dầm, giàn nên phải tạm dừng tu bổ để nghiên cứu. Quá trình trùng tu, Chùa Cầu được dựng tôn che chắn phục vụ công tác tu bổ, bảo quản di tích, đảm bảo giao thông dân sinh và phục vụ khách tham quan.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.