Chiều 12/6, người nhà bà H. (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) phát hiện người phụ nữ này có quan hệ mờ ám với ông Trương Văn Gương (Chủ tịch UBND xã) trong căn phòng khóa trái cửa tại trụ sở UBND xã.
Chồng bà H. đã đập cửa kính, quay clip làm bằng chứng. Ông Gương sau đó bị người nhà bà H. hành hung phải vào viện điều trị. Sau khi sự việc xảy ra, người chồng đã gửi đơn tố cáo và bằng chứng tới lãnh đạo huyện.
Với hành vi này, ông Gương và bà H. có vi phạm pháp luật không? Ngoài ra, người nhà bà H. có phải chịu trách nhiệm với việc đập cửa kính, hành hung chủ tịch xã này và những hình ảnh liên quan vụ việc xuất hiện trên mạng?
Hình ảnh từ clip liên quan vụ đánh ghen. |
Theo dõi sự việc, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) đánh giá đây là hành động sai trái về đạo đức, lối sống, vượt luân thường đạo lý trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và cần bị lên án. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các nguyên tắc cơ bản của hôn nhân là tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng và vợ chồng bình đẳng. Điều 5 Luật này quy định về các hành vi bị cấm trong hôn nhân, trong đó có hành việc người đang có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Những người vi phạm quy định trên, tùy thuộc mức độ, có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định.
"Nếu tố cáo là đúng thì hành vi trong vụ việc này chỉ là ngoại tình. Hai người này không kết hôn hay chung sống như vợ chồng nên không vi phạm quy định một vợ, một chồng trong hôn nhân. Pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử phạt cho hành vi ngoại tình nên không có căn cứ xử phạt những người này về hành vi nêu trên", luật sư Lực nêu quan điểm.
Tuy nhiên, với việc vi phạm về đạo đức, lối sống, 2 cán bộ này có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khoản 1, Điều 6 Nghị định này quy định cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật nếu có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ.
Tùy thuộc mức độ của hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 112, Hội đồng kỷ luật sẽ xác định áp dụng biện pháp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc đối với cán bộ vi phạm.
Công an niêm phong căn phòng liên quan vụ đánh ghen. Ảnh: Vietnamnet. |
Về hành vi đạp vỡ cửa phòng trụ sở UBND xã của chồng bà H., luật sư nhìn nhận hành vi này đã gây thiệt hại vật chất đối với tài sản công. Trường hợp thiệt hại tài sản đủ cấu thành tội phạm hình sự, người này có thể bị khởi tố về tội Hủy hoại tài sản. Còn không, người nhà bà H. sẽ phải bồi thường thiệt hại, thanh toán chi phí sửa chữa cửa kính cho UBND xã.
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cũng cho rằng cơ quan chức năng sẽ xem xét hành vi hủy hoại tài sản của chồng bà H.
Ngoài ra, hành vi hành hung ông Gương và quay clip tung lên mạng cũng sẽ bị xem xét xử lý về hành vi xâm hại sức khỏe và xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc làm nhục người khác. Tùy thuộc mức độ và tính chất, cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự phù hợp.