Có lẽ không có đồ chơi nhà tắm nào chiếm được tình cảm nhiều như Rubber Duck, chú vịt cao su màu vàng khổng lồ với chiếc mỏ cam được tạo dựng bởi nghệ sĩ người Hà Lan Florentijn Hofman.
Rubber Duck lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 tại Pháp, tác phẩm cao 18 m đã đi qua nhiều thành phố như Los Angeles (Mỹ), Sydney (Australia), Osaka (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc)..., chiếm trọn trái tim hàng triệu người trên thế giới. Năm 2014, chú vịt vàng khổng lồ từng ghé thăm TP.HCM trên hành trình chu du của mình.
Không chỉ là một biểu tượng mang tính giải trí, tác phẩm còn gắn kết cộng đồng, đặc biệt là khoảng thời gian sau dịch Covid-19.
Hofman đã thu nhỏ các tác phẩm của mình để mang vào phòng triển lãm Whitestone Gallery. Ảnh: Whitestone Gallery. |
Năm 2022, Rubber Duck từng xuất hiện tại hồ Seokchon (Seoul, Hàn Quốc), thu hút tới 6,5 triệu du khách đến chiêm ngưỡng.
Hơn một năm sau, vào tháng 12/2023, Hofman mang chú vịt vàng trở lại xứ kim chi, nhưng với kích thước chỉ bằng 1/18, cùng với các tác phẩm nghệ thuật khác trong khuôn khổ triển lãm Inclusive tại Phòng triển lãm nghệ thuật Whitestone Gallery ở thành phố Seoul.
Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của Hofman tại Hàn Quốc, theo The Korea Times.
So với “sân chơi” quy mô toàn thành phố như trước đây, phòng triển lãm có kích thước hạn chế hơn. Do đó, nghệ sĩ người Hà Lan đã thu nhỏ các tác phẩm của mình, mang đến không gian của Whitestone Gallery.
Tác phẩm điêu khắc một loài chim bản địa của Hàn Quốc của Hofman tại Whitestone Gallery. Ảnh: Whitestone Gallery. |
Từ lâu, các tác phẩm nghệ thuật khổng lồ của nghệ sĩ người Hà Lan đều mang hình dáng của động vật. Nhưng Hofman khẳng định tác phẩm của mình chưa bao giờ thực sự nói về động vật.
“Chúng là phép ẩn dụ về con người”, anh cho biết.
The Korea Times đánh giá các tác phẩm của Hofman như truyện ngụ ngôn được điêu khắc một cách hiện đại. Những sinh vật "sinh sống" tại Whitestone Gallery đại diện cho những giá trị của một người nghệ sĩ, từ sự tự do đến niềm hy vọng và sự hoà nhập cộng đồng.
Như cách Rubber Duck xuất hiện ở hồ Seokchon sau gần một thập kỷ, Hofman cho biết tác phẩm như mảnh ký ức chung của khán giả. Họ đổ xô đến, đứng xung quanh tác phẩm khổng lồ và trò chuyện với nhau.
Mô hình Rubber Duck thu nhỏ của Florentijn Hofman tại Whitestone Gallery. Ảnh: Whitestone Gallery. |
Tác phẩm của Florentijn Hofman chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về giá trị nhân văn. Người nghệ sĩ này đã vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hoá, địa lý, kết nối mọi người thông qua nghệ thuật.
“Một thế hệ lớn lên với hình ảnh đó, họ muốn kết nối lại với nó. Và bằng cách nào đó, họ kết nối lại với chính mình, với nhau”, Hofman nói.
Hoffman chia sẻ rằng kích thước có thể tác động đến thị giác và tâm lý của người xem. Những tác phẩm “quá khổ” của anh không chỉ thu hút mà còn là cơ hội giúp khán giả xem xét lại mối quan hệ của bản thân với xung quanh, mở ra những câu chuyện mới.
“Chẳng hạn, tôi thường gọi Rubber Duck là 'chất xúc tác màu vàng' vì nó khơi gợi những câu chuyện riêng. Một khán giả ở Hong Kong đã nói với tôi rằng con vịt đã làm lộ ra đường chân trời xấu xí ở cảng Victoria. Tương tự cách hồ Seokchon trong mắt mọi người sẽ không còn giống nhau nữa sau khi vịt vàng ghé đến”, Hoffman chia sẻ.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ người Hà Lan cũng muốn truyền tải thông điệp về sự bình đẳng. Cảm giác về thứ bậc hoặc địa vị cũng tan biến khi du khách đứng trước các tác phẩm của Hofman.
“Dù bạn là chính trị gia, nhân viên nhà hàng hay nhà báo, khi đứng giữa các tác phẩm của tôi, bạn đều ngang hàng nhau”, Hofman nói.
Triển lãm Inclusive diễn ra từ 02/12/2023 đến 01/07/2024 tại Phòng trưng bày nghệ thuật Whitestone Gallery Seoul.
Tác phẩm nghệ thuật của Hofman chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về giá trị nhân văn. Ảnh: Whitestone Gallery. |
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.