Bất chấp nền kinh tế toàn cầu khá ảm đạm, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã thiết lập kỷ lục mới về giá bán. 8 trong số 10 tác phẩm đắt tiền nhất được bán đấu giá tại New York (Mỹ), số còn lại ở London (Anh), theo Artnet. |
Đứng đầu danh sách là tác phẩm Femme à la montre (1932) của Pablo Picasso, định giá ban đầu 120 triệu USD và giá bán thực tế 139,4 triệu USD. Tác phẩm mô tả Marie-Thérèse Walter, người tình và "nàng thơ vàng" của danh họa. Bức tranh này được xem như một viên ngọc quý của nhà sưu tập quá cố Emily Fisher Landau. Buổi đấu giá Sotheby’s ở New York ngày 8/11 được tổ chức nhằm tưởng nhớ người phụ nữ này. Không chỉ là nhà sưu tập, bà đồng thời là nhà bảo trợ nghệ thuật, thành viên của Hội đồng Bảo tàng Nghệ thuật Whitney (Mỹ) và từng sở hữu một bảo tàng riêng. |
Đứng thứ hai là tác phẩm Dame mit fächer (Lady with a Fan) (khoảng năm 1917-1918). Đây là tác phẩm cuối cùng của Gustav Klimt. Khi được phát hiện, bức tranh vẫn còn nằm trên giá vẽ trong xưởng của danh họa. Tháng 6, bức tranh được bán với giá 108,4 triệu USD trong phiên đấu giá Modern and Contemporary Evening của Sotheby’s tại London, xác lập kỷ lục là tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từng được bán đấu giá tại châu Âu. Tác phẩm nắm giữ kỷ lục trước đó là bức điêu khắc Walking Man của nghệ sĩ Alberto Giacometti, được bán với giá 65 triệu bảng (104,3 triệu USD) vào năm 2010, cũng tại Sotheby’s ở London. |
Kế tiếp là tác phẩm Le bassin aux Nymphéas (khoảng năm 1917-1919) của Claude Monet. Tranh sơn dầu này là tác phẩm nổi bật trong bộ sưu tập mùa thu của nhà đấu giá Christie’s tại New York. Trước khi bán, bức tranh được trang trọng trưng bày giữa trung tâm không gian triển lãm của Christie’s. Tháng 9, tác phẩm được bán với giá 74 triệu USD tại buổi đấu giá 20th Century Evening. |
Tháng 5, El Gran Spectaculo (1983) của Jean-Michel Basquiat đã tạo nên buổi đấu giá sôi nổi tại Christie's New York. Nghệ sĩ người Mỹ gốc Haiti - Puerto Rico thực hiện bức tranh mới 22 tuổi. Những nét cọ chồng chéo này thu hút cả những “ông trùm” đấu giá như Larry Gagosian. Đáng tiếc, Gagosian đã không thắng phiên đấu với mức đưa ra là 58 triệu USD. Tác phẩm cuối cùng đã được bán với giá 67,1 triệu USD, vượt xa so với ước tính ban đầu là 45 triệu USD. |
Khung cảnh biển đầy mê hoặc trong bức tranh Insel im Attersee (khoảng năm 1901-1902) chính là nơi Gustav Klimt từng đi nghỉ mát vào mùa hè. Phó chủ tịch của Sotheby's mô tả đây là nơi mà danh họa "trốn thoát khỏi xưởng vẽ ở Vienna (Áo)". Ông cũng cho biết thêm rằng tác phẩm giàu sức gợi, khác biệt so với hầu hết tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ nổi tiếng người Áo. Bức tranh chưa từng được đem đấu giá trước đây và được hậu thuẫn bởi bên thứ ba, tức họ sẽ mua tác phẩm này nếu đấu giá thất bại. Nhưng vào tháng 3, vượt qua định giá ước tính 45 triệu USD, tác phẩm đã được bán với giá 53,2 triệu USD tại Sotheby’s New York. |
Đứng ở vị trí thứ 6 là bức tranh Figure In Movement (1976) của Francis Bacon. Bức tranh thể hiện sự đau buồn qua hình ảnh hai nhân vật đang vật lộn. Giống như tất cả tác phẩm trước đây, bức tranh mang đậm dấu ấn cá nhân của họa sĩ người Anh gốc Ireland khi sử dụng các bảng màu có sắc thái trầm, đậm, phản ánh nỗi thống khổ của con người. Tác phẩm được bán với giá 52 triệu USD tại buổi đấu giá của Christie's New York vào tháng 11. |
Tác phẩm Untitled (Yellow Orange Yellow) (1955) nằm trong bộ sưu tập cá nhân của họa sĩ Mark Rothko cho đến khi ông qua đời. Bức tranh sơn dầu cao hơn 2 m khiến cho người xem đắm chìm trong sắc vàng và cam. Suốt 10 năm qua, tác phẩm đã nhiều lần đổi chủ sở hữu. Tháng 11, tác phẩm được bán đấu giá ở mức 46,4 triệu USD tại Christie’s New York. |
Tháng 9, tại buổi đấu giá Christie’s New York, bức tranh Recollections of a Visit to Leningrad (1965) của họa sĩ Richard Diebenkorn được bán với giá 46,4 triệu USD, cao hơn gần gấp đôi so với mức ước tính là 25 triệu USD. Nhà đấu giá gọi đây là "tác phẩm đột phá", nhằm tôn vinh và tri ân bậc thầy người Pháp Henri Matisse, người đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của Diebenkorn. |
Xếp ở vị trí thứ 9 là tác phẩm Murnau mit Kirche II (Murnau with Church II) (1910) của họa sĩ Wassily Kandinsky. Sotheby's đánh giá đây là “kiệt tác quan trọng của Kandinsky, đại diện cho một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghệ thuật”. Bước ngoặt này là sự phát triển mới mẻ trong ngôn ngữ trừu tượng của nghệ sĩ mà sẽ định hình phần còn lại của sự nghiệp của ông, đồng thời ảnh hưởng đến phong trào Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Tác phẩm được bán với giá 47,2 triệu USD tại Sotheby's London hồi tháng 3. |
Cuối cùng là tác phẩm Les Flamants (1910) của Henri Rousseau, một họa sĩ không được đào tạo nghệ thuật chính quy, nổi tiếng với phong cách nghệ thuật Naïve hoặc Nguyên thủy (Primitivism). Tháng 3, tác phẩm đã được bán đấu giá 43,5 triệu USD, xác lập kỷ lục đấu giá cho hoạ sĩ. Tranh của Rousseau hiếm khi được đấu giá trên thị trường. |
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.