Bà Patricia Flemming, 71 tuổi, là y tá đã nghỉ hưu, cho biết bà cảm thấy có động lực hơn và bớt lo sợ mắc Covid-19 sau khi đã tiêm các mũi vaccine tăng cường.
Bà là một trong số 87 người được tiêm mũi vaccine thứ 4 vào ngày 30/12 tại viện dưỡng lão ở Toronto (Mỹ). "Sau mũi 3, tôi cảm thấy có chút mệt mỏi. Tới mũi này, tôi thấy mệt hơn chút. Nhưng ngoài điều đó ra, thực sự không có vấn đề gì cả", bà Flemming chia sẻ.
Theo Healthline, các báo cáo ban đầu cho thấy dù vẫn cung cấp đủ khả năng giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, 2 liều vaccine Covid-19 tiêu chuẩn có thể không bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của biến chủng Omicron.
Điều này đã thúc đẩy việc triển khai mũi tăng cường ở nhiều quốc gia. Mặc dù sự cần thiết của 3 liều đang trở nên rõ ràng, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn khả năng bảo vệ của mũi thứ 3 kéo dài bao lâu khi kháng thể suy giảm theo thời gian.
Đặc biệt, liệu cuối cùng có cần đến liều thứ tư, thậm chí nhiều liều tăng cường khác nữa, để chống lại điều này hay không. Và nếu có, khi nào mũi thứ 4 sẽ được sử dụng. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ ràng về điều này.
Các chuyên gia Anh đánh giá hiệu lực của mũi 3 vaccine Covid-19 khá cao sau khoảng 3 tháng. Ảnh: Yalemedicine. |
Hiệu lực bảo vệ của mũi 3 kéo dài khá tốt
Theo Reuters, ngày 7/1, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết khoảng 3 tháng sau khi tiêm mũi 3 vaccine Covid-19, khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhập viện ở người từ 65 tuổi trở lên vẫn giữ ở mức cao, khoảng 90%.
Cơ quan này cho biết để so sánh, khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng ở người từ 65 tuổi trở lên sau khi tiêm 2 mũi vaccine giảm xuống còn khoảng 70% sau 3 tháng và còn 50% sau 6 tháng.
Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Tiêm chủng và Miễn dịch của Anh, cho biết dữ liệu rất đáng khích lệ và nhấn mạnh giá trị của mũi vaccine thứ 3. Nó cho thấy mũi vaccine thứ 3 tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh nặng, ngay cả ở những người tuổi già hơn - trường hợp dễ bị tổn thương nhất.
Vì điều này, Ủy ban Hội đồng Tiêm chủng và Miễn dịch kết luận rằng hiện không cần phải tiêm thêm mũi thứ tư. Sau này tùy theo tình hình, mới phải xem xét điều này.
Giáo sư Andrew Pollard, người dẫn đầu nhóm phát triển vaccine AstraZeneca, tỏ ra thận trọng về mũi tiêm tăng cường, đồng thời đề nghị nên tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh nặng và bảo vệ hệ thống y tế trên toàn thế giới.
"Tương lai phải tập trung vào những người dễ bị tổn thương, cần tạo ra những mũi vaccine tăng cường hoặc phương pháp điều trị có sẵn để bảo vệ họ", ông Pollard cho biết.
Theo ông Pollard, mọi người có kháng thể mạnh trong vài tháng sau khi tiêm liều vaccine thứ 3 và cần thêm dữ liệu để đánh giá xem liệu những người dễ bị tổn thương có nên tiêm liều bổ sung hay không, khi nào và tần suất ra sao.
"Chúng ta không thể tiêm chủng cho hành tinh này sau mỗi 4-6 tháng. Điều này không có tính bền vững và rất tốn kém", ông Pollard nhận định.
Ai nên tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 4?
Khi biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn gia tăng trên toàn quốc, Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI) của Canada khuyến cáo người dân bị suy giảm miễn dịch mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng có thể tiêm mũi nhắc lại thứ hai hoặc mũi tăng cường thứ tư ít nhất 6 tháng sau liều cuối cùng của họ.
"Nhiều người trong số đó có nguy cơ cao mắc Covid-19 nghiêm trọng và giảm khả năng bảo vệ theo thời gian kể từ khi tiêm chủng", NACI cho biết trong hướng dẫn cập nhật được công bố vào ngày 3/12.
Theo NACI, mục đích của liều tăng cường là khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian hoặc không còn đủ ở những người ban đầu đáp ứng đầy đủ với một loạt vaccine chính.
Israel đang tiêm liều thứ 4 của vaccine Pfizer cho những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo rằng liều thứ tư của vaccine Covid-19 tăng kháng thể lên gấp 5 lần khoảng một tuần sau khi tiêm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 liều thứ 4 cho người trên 60 tuổi tại viện dưỡng lão tư nhân ở Netanya, Israel, ngày 5/1. Ảnh: AP. |
Tiến sĩ Ciriaco Piccirillo, nhà miễn dịch học và nhà khoa học cấp cao tại Viện nghiên cứu McGill (Canada), cho biết: "Theo quan điểm của tôi, hơi sớm để bắt đầu nghĩ đến liều thứ tư khi liều thứ ba chưa được triển khai đầy đủ trong dân số".
Ông Piccirillo tin rằng 2 liều hoặc 3 liều là "quá đủ" cho những người không có bệnh nền hoặc người có hệ miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, các liều tăng cường tiếp theo có thể rất quan trọng với người già, người suy giảm miễn dịch và bệnh nhân ung thư.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến nghị tiêm mũi thứ tư cho bất kỳ ai bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng.
Vẫn còn sớm để xác định có cần tiêm vaccine Covid-19 nhiều lần
Theo Channel News Asia, mới đây, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết còn "quá sớm" để xác định xem liệu có cần tiêm thêm nhiều liều vaccine Covid-19 hay không.
"Chúng ta có thể nhìn vào căn bệnh phổ biến như cúm, mọi người phải tiêm vaccine hàng năm để bảo vệ chính mình. Điều này là do virus cúm liên tục biến đổi, cần phải có một liều vaccine mới hàng năm", ông Ong nói.
Vì vậy, theo ông Ong, chúng ta có cần liều vaccine Covid-19 nhắc lại trong tương lai tùy thuộc vào tốc độ bảo vệ của 3 liều và liệu virus có tiếp tục đột biến hay không.
Trong bài đăng trên trang cá nhân của mình, ông Ong cũng đưa ra khuyến nghị về việc chưa cần tiêm nhắc lại cho những người đã khỏi Covid-19.
"Nếu bạn hồi phục tốt sau một đợt nhiễm trùng và không có biến chứng, hệ thống miễn dịch trải qua một đợt kích thích mạnh. Hãy coi đó như một mũi tiêm chủng có hiệu quả khá mạnh", Bộ trưởng Y tế Singapore nhận định.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.