Sau 13 ngày nghị án kéo dài, chiều 14/2, TAND quận 1 (TP.HCM) dự kiến đưa ra phán quyến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ truyện Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Mở đầu phiên toà, HĐXX thông báo trước khi nghị án thì cần xác nhận lại yêu cầu của nguyên đơn.
"Nguyên đơn yêu cầu bị đơn công khai xin lỗi trên thông tin đại chúng thì ông yêu cầu ai?", chủ toạ hỏi. Họa sĩ Lê Linh trả lời là ông yêu cầu bà Phan Thị Mỹ Hạnh đứng ra đại diện xin lỗi ông với nội dung: “Công ty Phan Thị xin lỗi ông Lê Linh vì đã xâm phạm quyền về tác giả 4 nhân vật Thần đồng đất Việt”.
Tuy nhiên, sau khi nghị án thêm vào trưa nay, chủ toạ thông báo sáng 18/2 Tòa sẽ đưa ra phán quyết.
Ông Lê Linh đưa ra các tập truyện Thần đồng đất Việt tại tòa để làm bằng chứng. Ảnh: Trương Khởi. |
Trước đó, vào ngày 1/2, đại diện VKS đề nghị HĐXX công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau; buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp; buộc Phan Thị phải thanh toán chi phí 20 triệu đồng chi phí luật sư cho ông Lê Linh.
Cơ quan công tố đánh giá trong hồ sơ vụ án, Cục Bản quyền cấp giấy đăng ký quyền tác giả thể hiện quyền sở hữu thuộc Công ty Phan Thị dựa vào đơn ông Linh và bà Hạnh cùng là đồng tác giả.
Tuy nhiên, qua xem xét đơn cụ thể thì VKS nhận thấy không có từ nào thể hiện ông Linh và bà Hạnh thừa nhận nhau là đồng tác giả cả. Bên cạnh đó, trước khi ông Linh vào làm tại Phan Thị, trên thị trường chưa hề có bất kỳ bộ truyện nào có 4 hình tượng như nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Trong nhiều năm liền, trên bìa sách đều thể hiện ông Linh là tác giả của 4 nhân vật này. Bên cạnh đó, chứng cứ các tập truyện ông Linh đưa ra đều phù hợp, khẳng định ông Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt.
Ngoài ra cũng có những tài liệu thể hiện ông Linh là người nghiên cứu vẽ nên 4 nhân vật này. Trong thời gian đó, bên Phan Thị cũng không hề lên tiếng cải chính về việc họa sĩ Lê Linh không phải là tác giả.
Bị đơn nói chính bà Hạnh cầm tay chỉ vẽ cho ông Linh nhưng VKS cho rằng phía Phan Thị không hề có bằng chứng thể hiện điều này. Do đó, bà Hạnh không phải là đồng tác giả 4 hình tượng nhân vật nêu trên.
Việc ông Linh khởi kiện yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận. Đối với yêu cầu không cho Phan Thị tiếp tục sáng tạo các biến thể dựa trên 4 hình tượng nhân vật đó, VKS nhận thấy Công ty Phan Thị là chủ sở hữu 4 nhân vật nhưng không đồng nghĩa việc Phan Thị có quyền làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này.
Khi chưa được sự đồng ý của ông Linh mà lại sáng tạo ra biến thể là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh. Việc ông Linh yêu cầu Phan Thị xin lỗi độc giả của Thần đồng đất Việt là không phù hợp vì độc giả không có yêu cầu này và ông Linh cũng không có quyền thay mặt những người này.
Đại diện phía Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh tại tòa. Ảnh: Trương Khởi. |
Trong vụ án này, họa sĩ Lê Linh khởi kiện, yêu cầu Tòa công nhận ông là tác giả duy nhất của 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo; yêu cầu không thừa nhận bà Hạnh là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng biến thể trong các tập Thần đồng đất Việt tiếp theo và ấn phẩm khác; buộc xin lỗi công khai Lê Linh trong 3 kỳ liên tiếp trên 3 tờ báo.
Thần đồng đất Việt là một bộ truyện dài hơi, thành công bậc nhất của làng truyện tranh Việt Nam. Từ 2002 tới nay, các ấn phẩm của Thần đồng đất Việt vẫn tiếp tục ra mắt. Tác phẩm không chỉ vui vẻ, hài hước, mà còn mang tính giáo dục, đưa ra nhiều bài học lịch sử văn hóa, với câu chuyện gần gũi văn hóa dân tộc.
Đồ họa: Như Ý. |