Trao đổi với Zing.vn về kết luật vụ xô xát giữa cảnh sát và phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ TP.HCM), luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật Giang Thanh, Hà Nội) cho rằng nếu nhà báo có các hành vi vi phạm như công an cáo buộc, việc xử phạt hành chính là phù hợp.
Mức phạt mà cơ quan pháp luật đưa ra ở khung hình trung bình. Ví dụ, hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ - khung hình phạt từ 2-3 triệu đồng thì cơ quan chức năng áp dụng mức 2,5 triệu. Hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân - khung hình phạt từ 5-10 triệu đồng, cơ quan chức năng áp dụng mức 7,5 triệu đồng - luật sư Thanh nói.
Song, theo ông Thanh, việc phóng viên Quang Thế có hành vi vi phạm như cáo buộc hay không, chỉ có người trong cuộc và những nhân chứng mới rõ.
Luật sư cho biết với các lỗi vi phạm khu vực cấm, địa điểm cấm, việc áp dụng các chế tài thuộc phạm vi này đối với phóng viên Quang Thế là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Phóng viên Quang Thế bị hành hung khi cách xa hiện trường khoảng 30 m. Ảnh cắt từ clip. |
Theo quyết định số 160/2004 của Thủ tướng, khu vực cấm, địa điểm cấm bao gồm:
1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.
2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.
4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Như vậy, các khu vực, địa điểm được xác định là cấm phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm". Mẫu biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm" theo quy định thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an.
Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Hiếu. |
Đối chiếu với quy định trên, khu vực nơi phát hiện chiếc taxi đỗ bên lề cầu, dưới mố có thi thể một người đàn ông - không nằm trong danh mục "khu vực cấm", "địa điểm cấm". Do đó, việc việc áp dụng chế tài xử phạt hành vi vi phạm khu vực cấm đối với phóng viên Quang Thế là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cùng quan điểm trên, luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc công ty luật Biển Đông cho rằng theo quy định về Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, hiện trường vụ tai nạn giao thông chưa được xếp trong Danh mục bí mật Nhà nước mức độ Mật. Hơn nữa, cơ quan công an mới tiếp cận nên chưa thuộc diện nằm trong bí mật điều tra.
Trong hoạt động điều tra, việc căng dây (thường là dải băng chuyên dụng, có chữ cảnh báo trên bề mặt để mọi người dễ nhận biết) là để cấm người không có chức năng, nhiệm vụ đi vào, không đồng nghĩa với việc cấm quay phim, chụp ảnh.
Tại Thông tư số 33/2015 của Bộ Công an quy định khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, là những địa điểm được thiết lập nhằm bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của con người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh, phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước trong khu vực, địa điểm đó.
"Căn cứ các quy định nêu trên, việc phóng viên Quang Thế đứng cách xa hiện trường vụ án 30 m để chụp ảnh và quay phim, chưa thể xác định là hành vi vào khu vực cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Theo luật sư, việc phóng viên bị cho là có lời nói, hành vi lăng mạ người thi hành công vụ hay cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân, cần làm rõ cụ thể để xác định việc xử phạt có chính xác hay không.
Cùng ngày, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Xuân Trung - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM cho biết đã đề nghị Công an Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt hành chính đối với phóng viên Quang Thế.
Theo ông Trung, phóng viên Thế tường trình với cơ quan nơi đang công tác rằng anh chỉ có lỗi để xe máy trên cầu Nhật Tân khi vội vàng tác nghiệp, chứ không bị những lỗi khác như quyết định xử phạt của Công an quận Tây Hồ. Những hình ảnh ghi lại vụ việc này cũng cho thấy các phóng viên khác đã bị ngăn cản ngay từ đầu nên họ không thể tác nghiệp, chưa thu thập được thông tin về vụ tài xế taxi tự tử. Hiện trường không được giới hạn rõ trong phạm vi nào nên không thể kết luận một số phóng viên đã “vào khu vực cấm” và “cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân” như quyết định xử phạt quy kết.
Hơn nữa, cơ quan công an không có biên bản về các lỗi hành chính mà anh Quang Thế bị cho là vi phạm thì căn cứ trên cơ sở nào để xử phạt anh Thế rất nhiều lỗi như vậy?
Ngày 23/9, người dân lưu thông trên cầu Nhật Tân hướng từ Đông Anh về trung tâm Hà Nội phát hiện một chiếc taxi đỗ bên lề cầu, dưới cầu là thi thể một người đàn ông. Tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc và sự chỉ đạo của cơ quan, phóng viên Trần Quang Thế đã đến khu vực cầu Nhật Tân để tìm hiểu vụ việc.
Đến nơi, phóng viên Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân cùng đồng nghiệp các báo đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc.
Thế nhưng khi đang chụp ảnh, anh Thế thấy có một công an đến ngăn cản. Trình bày các giấy tờ liên quan khi tác nghiệp, anh Thế tiếp tục chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) mặc thường phục lao vào hành hung.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Trần Quang Thế đã đến Công an xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh trình báo.
Vào cuộc điều tra, Công an Hà Nội xác định có xô xát giữa cảnh sát hình sự với phóng viên báo Tuổi Trẻ. Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan này xác định cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng đã vi phạm Quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường nhưng người này chỉ bị kỷ luật khiển trách. Trong khi đó, phóng viên Quang Thế bị xử phạt hành chính hơn 14,4 triệu đồng
Trong khi đó, phóng viên Quang Thế lại bị Công an quận Tây Hồ đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 14,4 triệu đồng. Cụ thể: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.