Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Chuẩn bị kế hoạch tài chính cho thời điểm bấp bênh

Covid-19 đã dạy chúng ta nhiều điều. Một trong số đó là tầm quan trọng của việc chuẩn bị ngân sách để xoay xở trong khó khăn.

ke hoach tai chinh luc kho khan anh 1
ke hoach tai chinh luc kho khan anh 2
  • Founder TVL Group về khởi nghiệp và phát triển bản thân.
  • Nhà đầu tư, cố vấn cho các công ty khởi nghiệp.
  • 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị và vận hành.

Tài chính là yếu tố ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Một công việc và mức lương ổn định hàng tháng sẽ giúp bạn đáp ứng được mọi nhu cầu của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, bạn sẽ xoay xở như thế nào nếu có sự cố đột ngột xảy ra? Nó có thể là một khoản chi tiêu lớn phát sinh, hay thậm chí là sự suy thoái kinh tế làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khiến bạn mất đi khoản thu nhập hiện có.

Chúng ta không thể điều khiển hay ngăn chặn tác động từ các yếu tố ngoại cảnh ấy. Do đó, việc chuẩn bị kế hoạch tài chính tốt ngay từ đầu sẽ giúp bạn và người thân chủ động hơn trong chi tiêu, đồng thời sẵn sàng đối phó với những tình huống bất lợi ngoài mong muốn.

Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để chuẩn bị trước cho những thay đổi.


Tạo thêm nguồn thu nhập phụ

Một tỷ phú trung bình có khoảng 7 nguồn thu nhập. Việc có thêm thu nhập phụ sẽ giảm sự phụ thuộc vào một khoản thu nhập cố định. Đây là một cách để phòng hờ trong trường hợp bạn đột ngột mất đi nguồn thu chính.

Nguồn thu nhập thứ hai có thể xuất phát từ đam mê cá nhân, hay do bạn được bạn bè giới thiệu việc làm thêm vào buổi tối, cuối tuần.

Trong giai đoạn tạo ra những nguồn thu mới, bạn cũng nên tiếp tục học hỏi để phát triển bản thân qua các kênh thông tin online hữu ích.

Nhờ tự trau dồi, bạn có thể tận dụng kỹ năng học được để thăng tiến hơn trong lĩnh vực của mình, từ đó nâng cao mức lương nhận được.


Tiết kiệm đủ cho chi tiêu trong 6 tháng

Bạn nên tiết kiệm cho những thời điểm khó khăn, vì chúng ta không biết được tương lai sẽ có những yếu tố bất ngờ nào xảy đến.

Việc tiết kiệm một khoản tiền đủ dùng từ 3 đến 6 tháng sẽ tạo cho bạn quỹ khẩn cấp, đề phòng lúc bạn không có thu nhập chính.

ke hoach tai chinh luc kho khan anh 3ke hoach tai chinh luc kho khan anh 4

Một mô hình phân bổ thu nhập đơn giản bạn có thể tham khảo là 50/30/20. Trong đó, 50% thu nhập sẽ dùng cho những nhu cầu thiết yếu như mua thực phẩm, chi tiêu tiền nhà, phương tiện di chuyển. 30% cho những nhu cầu giáo dục, giải trí. 20% còn lại sẽ sử dụng để tiết kiệm và đầu tư.

Bằng cách này, bạn có thể phân bổ thu nhập một cách hiệu quả và cân bằng hơn.


Tránh mượn thêm nợ và trả hết nợ hiện có

Trong giai đoạn suy thoái, lãi suất cho vay có thể sẽ giảm nhưng đây không phải là lúc thích hợp để bạn bắt đầu vay thêm tiền.

Thời gian này, bạn nên thận trọng, tập trung vào việc trả hết nợ hiện có để tránh rủi ro mất khả năng chi trả nợ.

Có 2 phương pháp mà bạn có thể áp dụng trong quá trình trả nợ:

  • Phương pháp “Quả cầu tuyết”: Với Debt Snowball, bạn bắt đầu trả những khoản nợ có số dư nhỏ, sau đó chuyển đến những khoản nợ lớn hơn. Phương pháp này sẽ hiệu quả trong trường hợp bạn có khá nhiều khoản nợ và gặp khó khăn trong việc theo dõi chúng. Cách tốt nhất để giảm số lượng nợ là nhanh chóng trả hết những khoản nợ nhỏ.
  • Phương pháp “Tuyết lở”: Ngược lại với phương pháp đầu tiên, phương pháp này bắt đầu với những khoản nợ lớn có lãi suất cao. Cách này phù hợp khi các khoản nợ của bạn có sự khác biệt lớn về mức lãi suất phải trả định kỳ. Việc trả nợ lãi suất cao trước giúp bạn tiết kiệm được chi phí phải trả cho lãi suất trong dài hạn.


Cắt giảm chi phí càng nhiều càng tốt

Khi tiền bạc eo hẹp, hãy bắt đầu thắt chặt chi tiêu bằng cách phân biệt rõ giữa mong muốn và nhu cầu.

Đối với chi tiêu cần thiết hay nhu cầu cơ bản như thực phẩm, chỗ ở, tiện ích, thuốc men và phương tiện đi lại, bạn cần cắt giảm càng nhiều càng tốt.

Đối với chi tiêu mong muốn và các khoản phục vụ cho việc giải trí, bảo hiểm, hãy tạm thời bỏ khỏi kế hoạch ngân sách trong thời gian này.

Ví dụ, bạn có thể hủy đăng ký những tài khoản xem phim, nghe nhạc trực tuyến, cắt giảm dịch vụ điện thoại. Ngoài ra, việc mua sắm quần áo cũng nên tạm ngưng lúc khó khăn.

ke hoach tai chinh luc kho khan anh 5ke hoach tai chinh luc kho khan anh 6

Trong phạm vi chi tiêu cần thiết, bạn có thể giảm chi phí thực phẩm và tạp hóa, đồng thời nấu ăn tại nhà với nguyên liệu phù hợp thay vì ăn ngoài.

Và, bạn cần đặc biệt lưu ý để không bị cuốn vào việc chi tiền online, từ đó mua nhiều hơn mức bạn có thể chi trả.


Thống nhất quan điểm tài chính với gia đình

Việc một cá nhân đơn độc cố gắng vượt qua căng thẳng tài chính có thể khiến tình hình trở nên khó kiểm soát, hoặc dẫn đến những mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình.

Vì thế, trong trường hợp tài chính khó khăn, các thành viên cần ngồi lại cùng nhau để nhận biết và thống nhất tình hình.

Trong buổi họp mặt, mỗi người nên trao đổi thành thật về tình hình hiện tại, lắng nghe và tôn trọng thái độ của nhau.

Sau đó, bạn và gia đình có thể vạch ra kế hoạch chi tiết cho các mục tiêu tài chính chung. Hãy cùng nhau viết xuống những cách giúp quản lý tiền bạc tốt hơn, và kiểm tra từng khoản ngân sách, chi tiêu nhỏ nhất nếu cần.

Cuối cùng, hãy theo dõi kế hoạch một cách thường xuyên với những mốc thời gian cụ thể để có sự điều chỉnh kịp thời. Điều quan trọng là mọi thành viên trong gia đình đồng lòng thực hiện.

Thiên Hân

Đồ họa: Minh Trí

Bạn có thể quan tâm