Chứng ăn uống rối loạn ảnh hưởng đến 22% trẻ em, thanh thiếu niên trên thế giới. Ảnh: Shutterstock. |
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics hồi tháng 2. Nó nêu bật vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhưng thường bị đánh giá thấp và ít được nghiên cứu.
Chứng ăn uống rối loạn ở trẻ
Các nhà nghiên cứu đã xem xét, phân tích 32 nghiên cứu từ 16 quốc gia và phát hiện 22% trẻ em, thanh thiếu niên có hành vi ăn uống rối loạn. Theo nghiên cứu, những con số này cao hơn ở các bé gái, thiếu niên gần tuổi thành niên và những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn.
Nhà trị liệu Jennifer Rollin, người sáng lập Trung tâm Rối loạn Ăn uống ở Rockville, Maryland, Mỹ, cho biết ăn uống rối loạn có biểu hiện tương tự rối loạn ăn uống. Nó có thể bao gồm việc ám ảnh ăn bao nhiêu, ăn gì, tập thể dục như thế nào tương ứng với chế độ ăn uống.
Bà nói thêm người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống sẽ có các triệu chứng tương tự nhưng mức độ nghiêm trọng, sự đau khổ, suy giảm chức năng sống cao hơn. Hành vi ăn uống rối loạn có thể tiến triển thành chứng rối loạn ăn uống.
Bà Rollin cho biết: “Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là cả ăn uống rối loạn và rối loạn ăn uống đều nghiêm trọng, cần được điều trị cũng như trợ giúp chuyên nghiệp”.
Theo nghiên cứu, hành vi ăn uống rối loạn có thể không được điều trị đúng mức vì trẻ thường che giấu triệu chứng, tránh tìm kiếm sự giúp đỡ do sợ bị kỳ thị.
Tương tự, tiến sĩ Jose Francisco López-Gil, từ Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Xã hội, Đại học Castilla-La Mancha, Tây Ban Nha, tác giả nghiên cứu, thừa nhận nghiên cứu của nhóm có thể có hạn chế về phạm vi mô tả vì sử dụng dữ liệu do trẻ em, thanh thiếu niên tự cung cấp.
Tiến sĩ Jason Nagata, trợ lý giáo sư Nhi khoa tại Đại học California San Francisco, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, nói thêm tỷ lệ trẻ mắc chứng ăn uống rối loạn có thể còn cao hơn nếu trẻ được hỏi về chứng ăn vô độ, các triệu chứng phát triển cơ bắp và bao gồm các nghiên cứu khác trong thời kỳ đại dịch.
Do đó, tiến sĩ López-Gil cho rằng các nhà khoa học cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân gây ra các hành vi ăn uống rối loạn. Trong khi chờ nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia hy vọng các tổ chức, gia đình sẽ tập trung vào việc xác định, giúp đỡ những trẻ có dấu hiệu ăn uống rối loạn.
Tiến sĩ Nagata nhấn mạnh loại hành vi này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng y tế nghiêm trọng lên nhiều cơ quan như tim, não, gan, thận.
“Ăn uống rối loạn là vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Việc phát hiện, can thiệp sớm rất quan trọng để ngăn ngừa hậu quả sức khỏe lâu dài. Những phát hiện này có thể giúp các chuyên gia y tế, nhà giáo dục, phụ huynh hiểu tầm quan trọng của vấn đề nhằm đưa ra chiến lược phòng ngừa, can thiệp”, tiến sĩ López-Gil chia sẻ với CNN.
Ăn uống vô độ, ăn kiêng quá mức, ám ảnh cân nặng đều là biểu hiện của chứng ăn uống rối loạn. Ảnh: Alamy. |
Dấu hiệu trẻ ăn uống rối loạn
Tiến sĩ López-Gil cho biết người lớn nên nhận biết các dấu hiệu ăn uống rối loạn ở cả bản thân và con cái của họ. Ông nói thêm những hành vi đó có thể bao gồm nỗi ám ảnh về trọng lượng, hình dáng cơ thể, các quy tắc ăn kiêng cứng nhắc, ăn uống vô độ hay các hành vi thanh lọc cơ thể.
Tiến sĩ Nagata cho biết tập thể dục theo cách làm suy giảm chất lượng cuộc sống cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo.
Ông nói: “Các dấu hiệu cảnh báo khác bao nhịn ăn, hạn chế lượng calo đáng kể, nôn mửa hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc giảm cân để giảm cân”.
Ăn uống rối loạn cũng có thể bao gồm hành vi tự thu hẹp phạm vi thực phẩm mà mình được ăn, cảm thấy lo lắng, xấu hổ nếu phá vỡ quy tắc đó. Người mắc chứng này dễ bị ảnh hưởng tâm trạng, hành vi ăn uống. Họ hạn chế tham gia các sự kiện xã hội hoặc tự mang theo thực phẩm theo ý muốn.
Nagata nhấn mạnh con số này cao hơn ở trẻ vị thành niên gái và người có chỉ số BMI cao hơn nhưng chứng ăn uống rối loạn ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi giới tính, chủng tộc, dân tộc, khuynh hướng tình dục, hình thể. Ăn uống rối loạn ở bé trai có thể thường bị chẩn đoán sai. “Bạn không thể nói rằng ai đó mắc chứng ăn uống rối loạn chỉ dựa trên vẻ bề ngoài”, tiến sĩ Nagata lưu ý.
Hỗ trợ trẻ bị ăn uống rối loạn
Tiến sĩ López-Gil cho biết nếu thấy con có dấu hiệu ăn uống rối loạn, cha mẹ hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhân viên y tế hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Tiến sĩ Rollin nhấn mạnh can thiệp sớm rất quan trọng để chứng ăn uống rối loạn không tiến triển thành rối loạn ăn uống.
Theo tiến sĩ López-Gil, các gia đình có thể hỗ trợ con mình bằng cách bắt đầu từ một cách tích cực, không phán xét. Nếu lo lắng về hành vi ăn uống của mình, trẻ vị thành niên có thể trò chuyện với nhân viên y tế, cố vấn trường học, thành viên gia đình hoặc giáo viên.
Ông nói người mắc chứng ăn uống rối loạn hoặc rối loạn ăn uống thường cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, bao gồm chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhân viên y tế, chuyên gia dinh dưỡng.
Tiến sĩ Rollin nói: “Rối loạn ăn uống và ăn uống không điều độ có thể lấy đi hoặc hạn chế chất lượng cuộc sống của trẻ vì cả hai đều lấp đầy bộ não trẻ với những suy nghĩ về thức ăn, cơ thể”.
Đồng thời, ông cho biết những hành vi này thường khiến trẻ không thể tiếp cận thứ khác mà trẻ coi trọng trong cuộc sống. “Trẻ xứng đáng được sống một cuộc sống trọn vẹn, không phải cuộc sống chỉ có thức ăn, tập thể dục và cân nặng”, ông nói thêm.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.