Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Cần lắng nghe giáo viên để điều chỉnh

Liên quan đến chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, nhiều nhà giáo tại TP.HCM bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền nên rà soát kỹ và có đề xuất phù hợp.

Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Trung học Bình Hoà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ đọc được thông tin liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến các loại chứng chỉ dùng để xếp hạng giáo viên phù hợp, thầy và nhiều đồng nghiệp rất đồng tình, ủng hộ.

tieu chuan chuc danh nghe nghiep anh 1

Nhiều giáo viên đề xuất nên lồng ghép nội dung học tập vào tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hàng năm. Ảnh minh họa.

Thầy Sơn lý giải, việc quy định phải có chứng chỉ thăng hạng ở từng chức danh nghề nghiệp hiện nay gây ra nhiều điều bất cập, không hợp lý và gây lãng phí về tiền bạc, công sức của hàng triệu giáo viên.

Vừa qua các cơ sở đào tạo về chứng chỉ thăng hạng, liên kết đào tạo đua nhau "mọc" khắp nơi với nhiều cách học khác nhau (học tập trung, học online). Chi phí đào tạo cũng không hề nhỏ thế nhưng các môn học lại không áp dụng được vào thực tiễn dạy học của giáo viên nên nặng tính hình thức, đối phó.

Một bất cập khác, thầy Sơn ví dụ, nếu thực hiện theo thông tư mới, đối với giáo viên tiểu học hạng I đòi hỏi phải có chứng chỉ chức danh giáo viên tiểu học hạng I. Nhưng hiện nay vẫn chưa có một cơ sở đào tạo nào mở lớp này. Vậy là một giáo viên có đầy đủ văn bằng, tốt nghiệp thạc sĩ chỉ vì thiếu chứng chỉ thăng hạng sẽ bị "tụt hạng", thay vì được xếp hạng I sẽ tụt xuống hạng II?

Thầy Sơn mong muốn các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại và có những đề xuất để thay đổi các quy định xếp hạng của giáo viên phù hợp với thực tế của ngành giáo dục.

Tương tự thầy P.T., giáo viên một trường THPT tại quận 1, cho biết bản thân thầy đã hoàn tất khóa học về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, thầy cho rằng, các nhà quản lý cần lắng nghe tâm tư của giáo viên để có những đề xuất phù hợp với từng đối tượng.

Đơn cử như nhà giáo được tuyển dụng sau khi thông tư có hiệu lực thì mới cần áp dụng. Những nhà giáo đã có thâm niên trong nghề hàng chục năm, nhiều năm… có thể có những hướng dẫn riêng, phù hợp hơn. Hay với những nhà giáo không có nhu cầu thăng hạng thì phải có hướng dẫn ra sao?

Theo thầy P.T., cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung học tập để lấy chứng chỉ phù hợp. Thậm chí có thể lồng ghép nội dung học tập này vào tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hàng năm chứ không nên để giáo viên đóng tiền và lãng phí thời gian học tập với những nội dung đã cũ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho rằng, nghề giáo và nghề y là 2 nghề rất đặc thù, nếu áp dụng chung quy định chuẩn nghề nghiệp như các ngành nghề khác là không phù hợp.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng nên cân nhắc yêu cầu chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với nghề giáo, đồng thời hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tiếp cận với những chuyên đề hay, bổ ích, tiệm cận với thế giới để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới trong giảng dạy bằng nhiều phương pháp hay, thiết thực.

Giáo viên khổ vì xếp hạng: Đừng tạo thêm áp lực nữa!

Tiêu chuẩn phân hạng theo chức danh được cho là thiếu thực tế, mơ hồ, chủ quan, không gắn với nhiệm vụ của giáo viên.

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-can-lang-nghe-giao-vien-de-dieu-chinh-phu-hop-v4OxxFlMg.html

Theo Thảo Nguyên / Giáo dục thời đại

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm