Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ lý do giáo viên khổ với chứng chỉ thăng hạng

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, những phản ánh liên quan chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có giáo viên, hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp.

Tại họp báo Bộ Nội vụ chiều 19/3, báo chí đặt câu hỏi liên quan những bất cập trong việc yêu cầu các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trong đó có chứng chỉ nâng hạng giáo viên.

Sáng 19/3, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ ngành sửa Nghị định 101 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan các chứng chỉ để thăng hạng viên chức, trong đó có giáo viên.

Vậy việc sửa đổi nghị định này sẽ được thực hiện ra sao, theo hướng nào? Một số ý kiến đề nghị bỏ chứng chỉ này, việc sửa Nghị định 101 có quy định bỏ chứng chỉ này không?

chung chi chuc danh nghe nghiep anh 1

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: VietNamNet.

Trả lời, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết việc này liên quan Nghị định 18/2010 và sau này là Nghị định 101/2017.

Năm 2019, Quốc hội sửa Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức có nhiều điểm mới. Trên tinh thần của luật mới, Chính phủ ban hành hai nghị định về vị trí việc làm đối với công chức và viên chức quy định rõ bảng mô tả công việc, xác định khung năng lực.

Nghị định cũng phân cấp thẩm quyền cho bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể vị trí việc làm và mô tả, xác định khung năng lực.

“Đối với giáo viên, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm việc này và đương nhiên phải thống nhất với Bộ Nội vụ”, ông Thăng nói, đồng thời lưu ý các vụ khi xây dựng văn bản, kể cả nghị định, thông tư phải có nội dung quy định chuyển tiếp. Bởi, tất cả phản ánh hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp.

Ông Thăng cũng diễn giải thêm một chuyên viên cao cấp, chẳng may thiếu chứng chỉ chuyên viên chính, bắt họ học lại chuyên viên chính thì không thực tiễn.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng lưu ý phải có quy định chuyển tiếp cho những người phát sinh từ thời điểm ban hành quy định chứ không phải “hồi tố”. Các văn bản hiện nay thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp.

“Đề nghị anh em của bộ khi làm văn bản quy phạm pháp luật hết sức lưu ý điều khoản chuyển tiếp, áp dụng từ nay trở đi với cái gì, ra làm sao, với những người cũ thì hướng xử lý như thế nào…, như vậy mới thực tiễn. Quy định như thế này mà không có quy định chuyển tiếp có nghĩa là hồi tố”, ông Thăng một lần nữa nhấn mạnh.

Rà soát tổng thể các chứng chỉ

Thứ trưởng Nội vụ nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là rà soát tổng thể các chứng chỉ để xác định chứng chỉ nào dùng để bổ nhiệm, nâng ngạch, chứng chỉ nào mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn với nghĩa cập nhật kiến thức; cái nào bắt buộc, cái nào khuyến khích.

“Tôi đề nghị Vụ Công chức, Viên chức khi sửa thông tư Công chức hành chính và lưu trữ cũng phải rà soát lại. Công chức chuyên ngành của các bộ như thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng, thanh tra cũng tổng rà soát toàn bộ”, ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lịch sử của nó là từ năm 1993 khi làm tiền lương theo chức nghiệp; trong quá trình khi có luật phân cấp dần cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Đào tạo, Vụ Công chức Viên chức khi xây dựng các văn bản cố gắng rà soát lại trên tinh thần phân cấp toàn diện.

“Nghị định 99/2012 của Chính phủ phân cấp rất cụ thể, rất mạnh. Đã phân cấp rồi thì trách nhiệm của bộ quản lý ngành phải chịu trách nhiệm. Như tiêu chuẩn của giáo viên, Bộ GD&ĐT phải chủ trì chịu trách nhiệm, Bộ Nội vụ chỉ tham gia để đảm bảo thống nhất chung”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Ông Thăng cũng đề nghị sửa Nghị định 101 đảm bảo tính liên thông thống nhất với vị trí việc làm, yêu cầu nội dung của Nghị định 106/2020 đối với viên chức và Nghị định 62/2020 đối với công chức, trên cơ sở Luật Cán bộ Công chức, Viên chức năm 2019 để đảm bảo tính liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

“Nếu theo tư duy cũ của chế độ chức nghiệp năm 1993, không theo thực tiễn, hiện nay ta hỗn hợp giữa chức nghiệp và vị trí việc làm chứ không phải hoàn toàn theo vị trí việc làm”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói thêm.

Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đề xuất phương án cụ thể liên quan việc các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức, báo cáo trong tháng ba.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thu-truong-noi-vu-chi-ly-do-giao-vien-kho-voi-chung-chi-thang-hang-720943.html

Thu Hằng - Trần Thường / VietNamNet

Bạn có thể quan tâm