Người cùng cơ quan thường xuyên ngập đầu trông công việc gây ảnh hưởng không ít lên tinh thần và chất lượng làm việc của bạn. Ảnh minh họa: John Diez/Pexels. |
Đi sớm về trễ, nhận thêm vô số đầu việc bổ sung hay luôn tay xử lý deadline là một số dấu hiệu tiêu biểu của workaholic - người nghiện công việc. Nếu từng tiếp xúc với kiểu đồng nghiệp này tại chốn văn phòng, khả năng cao bạn sẽ gián tiếp rơi vào nỗi lo âu hay căng thẳng của đối phương.
Bên cạnh đó, phong cách làm việc cấp bách và hối hả của workaholic còn có thể khiến bạn phải xử lý thêm nhiều công việc không thực sự cần thiết. Kết quả, ngoài kiệt sức, bạn còn chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong năng suất, khả năng sáng tạo cũng như mức độ hài lòng khi đi làm.
Dưới đây, Harvard Business Review gợi ý những cách ứng xử khéo léo trước người đồng nghiệp “ám ảnh” với công việc mà không bị xem là thô lỗ hoặc thiếu chuyên nghiệp.
Bạn cần nên tập suy nghĩ cởi mở hơn về hành vi của đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Thay đổi góc nhìn
Một số người khi làm việc với workaholic thường cho rằng đối phương làm việc quá sức chỉ để vượt trội hơn họ. Đây thực chất là một ví dụ điển hình cho sự thiên kiến về tư duy (cognitive bias) hay còn gọi là quy chụp sai lệch căn bản (fundamental attribution error).
Trong tâm lý học xã hội, thuật ngữ này được dùng để chỉ xu hướng quy kết cách xử sự của người khác xuất phát từ tính cách của chính họ. Trong khi đó, hành vi của bản thân lại được cho rằng nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Tóm lại, người đồng nghiệp làm việc nhiều không nhất thiết có nghĩa rằng họ đang cố gắng đe dọa hoặc lấn át bạn tại văn phòng.
Để tránh phát triển thiên kiến không đáng có, bạn hãy cố gắng mở rộng suy nghĩ và xem xét những lý giải khác cho hành vi của đồng nghiệp. Chẳng hạn, đối phương có thể đang trải qua khó khăn cá nhân nào đó và tìm đến công việc như một cách để giải phóng tinh thần. Hay tất cả đều là kết quả của chấn thương làm việc trong quá khứ của họ.
Khuyến khích hành vi làm việc thái quá của đồng nghiệp không hoàn toàn có ích. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Tiết chế lời khen
Bạn hãy tránh khen ngợi hay tuyên dương những thành quả bắt nguồn từ làm việc quá sức. Theo đó, khi biết đồng nghiệp thức trắng để soạn bài thuyết trình, bày tỏ sự ngưỡng mộ với họ có thể phản tác dụng.
Tương tự, nếu đối phương kể lể về khối lượng công việc chồng chất, bạn đừng tiếp tục đưa ra những nhận định như: “Chà, anh có tâm và bỏ nhiều công sức làm việc quá”. Điều này sẽ chỉ càng củng cố tinh thần workaholic của họ.
Tiếp đó, bạn cần cẩn trọng với hành vi của mình để không vô tình khuyến khích sự “tham công tiếc việc” của đồng nghiệp. Có thể bạn có thói quen xử lý email vào thứ 7. Tuy nhiên, bạn nên xem xét lên lịch gửi email vào đầu tuần để tránh cuối tuần bận bịu cùng nhân viên cùng nhóm.
Ngoài ra, nỗ lực cân bằng công việc và cuộc sống hay nói cách khác tạo hình mẫu tích cực có thể truyền động lực làm việc và chăm sóc bản thân hiệu quả cho người đồng nghiệp workaholic.
So sánh với đồng nghiệp quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực lên tinh thần và hiệu suất làm việc của bạn. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Ngừng so sánh
Mặc cảm hay tội lỗi khi không làm nhiều việc khiến bạn dễ rơi vào xu hướng workaholic. Dần dà, bạn còn bắt đầu so sánh năng lực và kết quả làm việc của mình với người khác. Bạn nghi ngờ bản thân rằng: "Tôi có thực sự làm việc đủ chăm chỉ không?".
Trước khi lao vào bắt kịp người cùng cơ quan, bạn hãy dành thêm thời gian suy xét lối suy nghĩ có phần cực đoan này. Thực tế, từ chối dự cuộc họp tối trong khi đồng nghiệp lại có mặt không có nghĩa là bạn lười biếng hay vô trách nhiệm. Đây thực chất có thể là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu suất làm việc của bạn.
Nếu đối phương tỏ ý mỉa mai như “Thật tuyệt khi anh không phải làm công việc này”, bạn có thể khéo léo phản hồi họ rằng: “Vâng, đúng vậy. Nhiều người cho rằng làm việc không kể ngày đêm là tốt. Nhưng tôi không làm vậy và điều đó có lợi cho tôi hơn. Mình sẽ cảm thấy bớt áp lực đi nhiều khi tránh để bản thân rơi vào suy nghĩ làm việc nhiều và hối hả là tốt”.
Vạch rõ giới hạn làm việc giúp bạn tránh được vòng áp lực từ workaholic. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Đặt giới hạn
Những người nghiện công việc thường thiếu đi giới hạn thiết yếu tại văn phòng. Họ thường làm mọi cách để xử lý thay đổi phút chót hay chật vật nói không với các đầu việc không cần thiết. Lúc này, bạn cần lập kế hoạch phòng thủ trước bằng cách thiết lập rõ ràng quy tắc và thời gian làm việc cá nhân.
Ví dụ: Nếu đồng nghiệp yêu cầu bạn nộp lại bản tóm tắt công việc trong vòng chưa đầy 24 tiếng, bạn có thể yêu cầu giãn thời gian và giải thích rằng: “Tôi e rằng việc này không thể hoàn thành đúng hạn. Lần tiếp theo khi giải quyết công việc tương tự, tôi cần được thông báo trước ít nhất 3 ngày để điều chỉnh lịch làm việc”.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên đề xuất quy trình xử lý công việc hiệu quả hơn để hạn chế nỗ lực làm việc thái quá.
Khi thiết lập ranh giới rõ ràng, ban đầu, đồng nghiệp có thể phản đối hay tỏ ra khó chịu. Song, điều này hoàn toàn bình thường và còn chứng minh rằng việc đặt giới hạn có hiệu quả. Bạn hãy cố gắng kiên trì, giữ vững lập trường và nêu rõ hậu quả khi người khác đi quá nguyên tắc của bạn nếu cần thiết.
Cuối cùng, bạn đừng quên cân nhắc lại góc nhìn của bản thân về công việc. Dù dễ dàng mê mẩn lối đánh giá thành công qua thời gian làm việc, bạn hãy nhớ rằng chất lượng thành quả mới là điều quan trọng nhất. Làm việc tốt không có nghĩa là làm nhiều hơn. Thay vào đó, kết quả cuối cùng mới là yếu tố tiên quyết.
Mạng xã hội dành cho người yêu sách
Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.