Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta có thể chữa được HIV vào năm 2020?

Nhiều nghiên cứu về thuốc chữa HIV trong gần 40 năm qua nhưng mục tiêu hiện tại của thế giới là tìm ra cách chữa trị trước năm 2020. Chúng ta đã đi được bao xa con đường này?

10 năm trước, một bệnh nhân HIV là người đầu tiên trên thế giới được điều trị khỏi căn bệnh này. “Bệnh nhân Berlin”, Timothu Ray Brown đã tiến hành cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng có đề kháng tự nhiên với HIV. Và kể từ ngày người đàn ông này thực hiện ca cấy ghép, ông không sử dụng thuốc ART thêm lần nào nữa.

Khi trường hợp này được công bố, ngành y tế trên thế giới trở nên điên đảo. Cuối cùng chúng ta đã tìm ra cách để điều trị HIV?

Tuy nhiên, câu trả lời là “vẫn chưa”. Những nỗ lực nhằm tạo ra trường hợp giống với bệnh nhân Berlin vẫn chưa thành công và quá trình khắc nghiệt của việc cấy ghép tủy xương mang lại rủi ro cao đối với những bệnh nhân dương tính với HIV. Đã có những cải tiến về thuốc antiretroviral nhằm giảm thiểu liều lượng, và vắc xin HIV đang được sản xuất, nhưng phương pháp chữa trị loại virus này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Chua duoc HIV vao nam 2020 anh 1
Ông Brown người đầu tiên thoát khỏi căn bệnh HIV trên thế giới. Ảnh: Eric Risberg/AP

Năm 2020 sẽ mang chúng ta đến gần hơn với cột mốc đánh dấu 50 năm ngày phát hiện ra virus HIV. Một vài tổ chức đang thúc đẩy việc phát triển việc điều trị chức năng đầu tiên - phương pháp điều trị để người bệnh sống với HIV một cách khỏe mạnh, không sử dụng thuốc mà không cần phải loại bỏ hoàn toàn virus này - vào năm 2020. Nhưng chúng ta còn cách mục tiêu này bao xa?

Ngừng việc nhân rộng HIV

Một trong những phương pháp chữa trị HIV tiên tiến nhất là tìm cách hạn chế khả năng tự nhân rộng ARN của loại virus này. Một phương thức tiếp cận tương tự được sử dụng phổ biến khác là điều trị lây nhiễm bệnh herpes, dù không thể loại bỏ loại virus này hoàn toàn nhưng phương pháp này có thể ngừng sự lan rộng của chúng.

Năm 2017, công ty Abivax của Pháp đã đưa ra trong một thí nghiệm cho thấy phương pháp tiếp cận này có khả năng trở thành một điều trị chức năng HIV. Mấu chốt của tiềm năng này chính là nó có thể tìm thấy điểm tập trung của virus HIV “lẩn trốn” trong tế bào của chúng ta.

Ông Hartmut Ehrlich, Giám đốc điều hành công ty Abivax, cho hay:” Những phương pháp điều trị hiện tại giúp hạn chế sự lưu thông virus bằng cách ngăn chặn việc hình thành virus mới, nhưng không tác động vào nguồn. Dù như vậy, virus vẫn sẽ quay trở lại trong vòng từ 10 đến 14 ngày. ABX464 là loại thuốc thử nghiệm đầu tiên cho thấy sự giảm thiểu nguồn dự trữ HIV".

Loại thuốc với tên gọi là ABX464, liên kết với chuỗi ARN của virus, kiềm chế sự nhân rộng của chúng. Trong một thử nghiệm Giai đoạn 2a, một vài bệnh nhân đã được cho sử dụng thuốc cùng với ART. 8 trong số 15 bệnh nhân được điều trị với ABX464 cho thấy ổ lưu trú HIV giảm từ 25% đến 50% sau 28 ngày, trong khi những người chỉ sử dụng thuốc ART thì không có gì thay đổi.

Ehrlich nhấn mạnh rằng yếu tố tiềm năng của loại thuốc này chính là việc nó không chỉ nhắm vào ổ lưu trú HIV ẩn náu trong tế bào máu, mà còn cả những virus ẩn trong ổ lưu trú HIV lớn nhất ở ruột.

Làm sốc và tiêu diệt

Một phương thức tiếp cận khác đang dần trở nên phổ biến trong cuộc chiến chống lại HIV cũng là tập trung vào ổ lưu trú HIV ẩn. Phương thức “làm sốc và tiêu diệt” hay “tấn công và tiêu diệt” sử dụng chất đảo chiều trễ (LRAs) nhằm kích hoạt và “đánh thức” ổ HIV đảo chiều, điều này tạo điều kiện cho thuốc ART “tiêu diệt” triệt để những virus này.

Năm 2016 một nhóm các trường đại học ở Anh đã báo cáo về những kết quả đầy hứa hẹn của một bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Tin tức này lập tức bùng nổ, nhưng các chuyên gia nghiên cứu lại cảnh báo mọi người rằng đây mới chỉ là những kết quả ban đầu. Kết quả đầy đủ của 50 bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm này sẽ có vào cuối năm nay.

Chua duoc HIV vao nam 2020 anh 2
Cho đến nay, phương pháp “Làm sốc và tiêu diệt” vẫn chưa chứng minh được tính khả thi với con người (Nguồn: Labiotech)

Gilead, một trong những người đứng đầu trong ngành thuốc HIV, cũng đã tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng cùng với hướng đi tương tự khi cộng tác với Công ty Dược phẩm sinh học AELIX của Tây Ban Nha. Tại Na Uy, Bionor đang tiến hành thử nghiệm với phương pháp giống như vậy bằng việc sử dụng vắc-xin kép. Một mặt nhằm kích thích sự sản sinh kháng thể ngăn cản quá trình nhân rộng của HIV, mặt khác tấn công ổ lưu trú.

Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa chứng minh được tính khả thi trong những nghiên cứu về con người.

Liệu pháp miễn dịch

Điều khiến cho virus HIV nguy hiểm như vậy là bởi chúng tấn công vào hệ miễn dịch, khiến cho người mắc bệnh mất sức đề kháng trước các bệnh truyền nhiễm. Nhưng nếu chúng ta có thể củng cố các tế bào miễn dịch để chống trả lại thì sao? Đó chính là lý do đằng sau các liệu pháp miễn dịch.

Chua duoc HIV vao nam 2020 anh 3
Củng cố hệ thống miễn dịch của người bệnh cũng là một cách chống lại HIV có hiệu quả. Ảnh: Labiotech.

Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Oxford và Barcelona cho biết rằng cứ 15 bệnh nhân tiến hành thử nghiệm lâm sàng thì có 5 người được miễn trừ khỏi virus HIV trong vòng 7 tháng mà không sử dụng thuốc ART, nhờ có liệu pháp miễn dịch góp phần vào hệ miễn dịch chống lại virus loại này.

Phương pháp của họ bao gồm thuốc kích hoạt ổ lưu trú HIV ẩn và một vắc xin có thể mang lại một phản ứng miễn dịch mạnh hơn gấp hàng ngàn lần so với bình thường. Dù liệu pháp miễn dịch đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại HIV, các kết quả vẫn cần được xác nhận, cũng như việc nguyên nhân gì khiến một số bệnh nhân đạt được kết quả như vậy trong khi số khác lại không.

Nhưng một trong những liệu pháp miễn dịch hiện đại nhất hiện nay là loại vắc xin VAC-3S được phát triển bởi công ty InnaVirVax của Pháp. Ông Joel Crouzet, Giám đốc Điều hành công ty InnaVirVax, cho hay: “Hướng tiếp cận của chúng tôi hoàn toàn khác với các loại vắc-xin khác, giúp nâng cao phản ứng HIV cụ thể. Chúng tôi đẩy mạnh quá trình hồi phục hệ miễn dịch, để từ đó hệ thống miễn dịch cũng như các hệ thống chức năng khác để có thể phát hiện và loại bỏ virus này".

Biến đổi gen

Ước tính rằng có khoảng 1% dân số thế giới miễn nhiễm tự nhiên với HIV. Lý do là đột biến sinh học trên gen có ghi mã CCR5 (thực thể chimokine), một protein trên bề mặt tế bào miễn dịch mà virus HIV sử dụng để tiến hành xâm nhập và truyền bệnh. Những người sở hữu dạng đột biến sinh học này đang thiếu một phần protein CCR5, khiến cho quá trình liên kết của HIV là không thể.

Chua duoc HIV vao nam 2020 anh 4
Phương pháp chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 cho phép các nhà nghiên cứu tác động trực tiếp ADN, có thêm và loại bỏ khi chúng cần thiết. Ảnh: NIH.

Theo lý thuyết việc sử dụng điều trị gen, tạo khả năng giúp chỉnh sửa ADN của chúng ta và sử dụng sự đột biến này nhằm chống lại HIV. Công ty Sangamo Therapeutics là một trong những nhà phát triển tiến bộ nhất của hướng điều trị này. Công ty đã chiết tế bào miễn dịch của bệnh nhân, sử dụng các hạt nhân bằng ngón tay kẽm để chỉnh sửa ADN nhằm tạo ra đề kháng với virus HIV.

Trong tương lai, điều trị gen có thể được hoàn thiện với CRISPR (một đoạn ngắn DNA ngoại lai vào DNA bộ gen tại vùng trình tự lặp lại), một công cụ chỉnh sửa mã gen dễ dàng, nhanh chóng hơn các công cụ trước đó. Không xa trong tương lai, HIV có thể trở thành một trong những căn bệnh đầu tiên được chữa trị bằng CRISPR.

Đáng chú ý, trường hợp của nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiên Khuê với hai bé gái chỉnh sửa gen đang gây tranh cãi trong những ngày gần đây là một công trình ứng dụng phương pháp CRISPR. Cụ thể, nhà khoa học Trung Quốc cho biết khi ghép tinh trùng của người cha bị nhiễm HIV vào trứng, các bác sĩ sẽ cấy thêm protein CRISPR/Cas9 và thực hiện một cuộc "phẫu thuật" loại bỏ gen CCR5.

Cặp bé gái song sinh Lộ Lộ và Na Na được cho biết là khó khả năng miễn nhiễm với virus HIV/AIDS. Trước những chỉ trích dữ dội từ cộng đồng học thuật toàn thế giới về mặt đạo đức cũng như tính pháp lý của công trình này, ông Hạ Kiên Khuê đã tuyên bố lời xin lỗi vào ngày 28/11 về cách thức công bố nghiên cứu không phù hợp song ông chia sẻ rằng ông vẫn thấy rất tự hào: “Đối với trường hợp riêng biệt này, tôi thật sự cảm thấy tự hào. Tự hào nhất là vì Mark (cha của cặp song sinh) lúc đầu cứ nghĩ rằng ông đã mất hết hi vọng sống".

Đến khi nào chúng ta có thể chữa trị được HIV?

Dù đã có một vài phương hướng tiếp cận có thể mang lại một điều trị chức năng HIV, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn phía trước. Một trong những quan ngại lớn nhất xung quanh các phương pháp điều trị HIV đó là khả năng loại virus này có thể đột biến và tăng sức đề kháng một cách nhanh chóng. Và đối với nhiều phương pháp mới, vẫn chưa có số liệu thống kê về việc liệu virus HIV có thể kháng cự được không.

Thực tế, chưa có phương pháp điều trị nào đi tới giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm, nghĩa là chúng ta dường như sẽ không đạt được mục tiêu tìm ra cách chữa trị HIV vào năm 2020. Tuy nhiên, đây sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu những giai đoạn thí nghiệm cuối cùng sẽ được tiến hành. Nếu như thành công, điều này có thể sẽ giúp các phương pháp chữa trị HIV trong những năm sau đó được chấp nhận.

Ngọc Hà

Bạn có thể quan tâm