Tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh trong guồng quay vốn dĩ bình thường là điều khó khăn của các nhà thiết kế tại thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, mỗi người sẽ gặp vấn đề riêng và Chung Thanh Phong đã trải qua thời gian khủng hoảng suốt hai tháng khi doanh nghiệp chịu lỗ 6 tỷ và không thu về được khoản tiền nào.
"Tôi gọi việc lỗ 6 tỷ trong vòng 2 tháng là sự rủi ro không lường trước, để sau này làm bất cứ điều gì cũng phải tính toán được tương lai và luôn dự trữ một khoản tiền vốn lưu động để không cảm thấy bế tắc với bài toán doanh số", Chung Thanh Phong chia sẻ cùng Zing.
Chung Thanh Phong cũng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19. |
Không thu được khoản tiền nào trong thời gian dịch bệnh
Có thể nói dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều đến công việc của nhà thiết kế (NTK). Từ lúc công bố lệnh cách ly xã hội, Chung Thanh Phong cũng bị ảnh hưởng khá nhiều đến công việc và doanh số bán hàng.
Sự khó khăn bắt đầu vào tháng 3 khi doanh thu trước đó ở thời điểm đám cưới Duy Mạnh và Quỳnh Anh vẫn đáp ứng đủ bài toán doanh số, đạt đúng chỉ tiêu đặt ra. Nhưng càng về sau, sự sụt giảm rõ rệt và khách hàng cũng hạn chế mua sắm thời trang, thay vào đó là các loại nhu yếu phẩm cần thiết.
"Trong thời điểm dịch bệnh tháng 3 và 4, doanh thu của tôi bằng 0. Có sự vững chắc về tài chính, nhưng bản thân cũng áp lực về nguồn vốn xoay sở. Bởi tình hình cứ kéo dài, thì chắc chắn bạn cũng không thể cầm cự nổi. Sự bi kịch ở đây chính là công nợ không thu được với số tiền 3 tỷ. Khách hàng nào cũng có lý do hợp lý, nên tôi đành thông cảm và để họ có thời gian xoay sở trong lúc khó khăn. Đặt mình vào vị trí khách hàng để hiểu và tìm hướng giải quyết vẹn cả đôi đường", anh nói.
"Tôi bị stress rất nhiều về vấn đề tiền bạc, bởi mở mắt ra chỉ nghĩ đến chi phí nhân công, mặt bằng, duy trì xưởng may. Tôi có 8 cửa hàng nên việc chi phí dự trù cho một tháng cũng tốn khoảng 3 tỷ. Nếu 2 tháng liền không có khoản tiền nào thì chắc chắn phải mất 6 tỷ. Không vì thế mà tôi cảm thấy hụt hẫng, bởi mọi thứ đều có lối thoát chỉ cần chúng ta có lòng tin", Chung Thanh Phong chia sẻ thêm.
Chung Thanh Phong lỗ 6 tỷ trong thời điểm bùng phát dịch bệnh. |
Tuy nhiên, Chung Thanh Phong không muốn vì điều này mà ảnh hưởng đến cuộc sống của các cộng sự. Anh luôn đặt an toàn của thương hiệu và nhân viên lên hàng đầu. Tại thời điểm dịch bệnh, anh buộc mọi người phải ở lại xưởng, không đi ra ngoài hay trở về nhà. Anh giải thích cho họ rằng hành động này cũng phần nào giúp bản thân tự giữ sức khỏe và tuân theo chỉ định cách ly của chính phủ với nhiều biện pháp an toàn trong lúc làm việc.
NTK cũng bàn bạc về vấn đề lương với nhân viên trong khoảng thời gian khó khăn. Giữ nguyên mức 100% đối với những người làm việc hàng ngày ở xưởng, nhưng sẽ trả trước 70%, phần còn lại sẽ nợ trong vòng 3 tháng.
Phần lương nợ của nhân viên chính là chi phí giúp thương hiệu vượt qua thời điểm dịch bệnh. Anh không cắt giảm lương hay sa thải nhân viên, bởi làm như vậy họ sẽ không đủ chi phí trang trải cuộc sống.
Tập thích nghi với thời cuộc
Trước khi Thủ tướng khẳng định cả nước sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới, cần sớm tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, Chung Thanh Phong cũng buộc bản thân phải tập thích nghi với cuộc sống.
"Trong thời điểm hiện tại, mảng thời trang chịu ảnh hưởng khá nhiều. Nếu bất cứ ai dám tự 'vỗ ngực' nói tôi bán hàng vẫn tốt thì đó hoàn toàn sai sự thật. Bán được những mặt hàng giảm giá, nhưng vẫn chỉ đủ trang trải các chi phí trả lương nhân viên, mặt bằng chứ chưa thể tạo ra lợi nhuận. Tôi không biết khi nào hết dịch, trong lúc này điều bản thân cần làm chính là tập thích nghi với thời cuộc, để từ đó mới biết được mình cần gì và đi tiếp con đường như thế nào. Bởi vì chúng ta ngồi im cũng 'chết' và đầu tư vào mảng khác cũng không thể nào thành công", anh nói.
"Trong thời gian cách ly, tôi cảm nhận được rất nhiều bài học từ việc kinh doanh cho đến cuộc sống. Thương hiệu cần có những bước tiến, sự thích nghi mới và tái thiết lập kế hoạch định sẵn. Dịch covid-19 cũng chính là sự thanh lọc cho những thương hiệu, nhà thiết kế không có sự chuyên nghiệp trong việc định hướng rõ ràng con đường phía trước", Chung Thanh Phong chia sẻ thêm.
Anh cho rằng chỉ khi tinh thần lạc quan mới có thể truyền được nguồn năng lượng tích cực đến người xung quanh và cách duy nhất để đương đầu với thời điểm dịch bệnh chính là tự cứu chính mình.
Thích nghi với thời cuộc và đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho cộng sự là điều Chung Thanh phong cần làm. |
Hướng đi mới để lan tỏa thông điệp tích cực cho xã hội
Câu chuyện đường hướng thế nào sau khi hết cách ly xã hội là điều không phải ai cũng suy nghĩ được, nhất là những người làm về sáng tạo. Chung Thanh Phong buộc bản thân mình phải nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất khi đóng hết các cửa hàng, bắt đầu lại con số 0. Hiểu được điều này thì bản thân sẽ không cảm thấy hụt hẫng và tìm được lối thoát. Đó là lý do chiến dịch Save Yourself ra mắt để NTK cùng các cộng sự tiếp tục "lèo lái" con thuyền vượt qua giông bão phía trước.
Chung Thanh Phong bàn bạc với thợ ở xưởng để chuyển hướng sang làm khẩu trang, đồ bảo hộ và nhân công từ phía nhà máy mỹ phẩm sẽ tập trung sản xuất nước xịt khuẩn. Bởi chỉ có những điều này mới mang đến sự thiết thực cho xã hội, giúp anh có thể bảo vệ sức khỏe cho khách hàng và đồng thời giữ sự liên kết giữa họ với thương hiệu.
Việc ra mắt chiến dịch này chính là nhờ sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để lan tỏa thông điệp tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, sử dụng nước rửa tay xác khuẩn. Khi mọi người cùng đồng lòng thì sẽ mau chóng vượt qua dịch bệnh.
Chung Thanh Phong nhận định: "Những người mẫu đang thất thu trong mùa dịch sẽ có việc làm để trang trải chi phí cuộc sống. Mọi người sẽ thắc vì sao sản phẩm mới của Chung Thanh Phong lại dùng từ phi lợi nhuận, bởi tất cả số tiền thu được sẽ bù vào chi phí sản xuất, nhân công, còn lại không thu bất kì khoản lợi nhuận nào cho bản thân. Cái được ở đây chính là vẫn duy trì được thương hiệu và cuộc sống ổn định cho cộng sự".
Chung Thanh Phong ra mắt chiến dịch lan tỏa thông điệp tích cực cho xã hội. |
Theo anh chia sẻ, chiến dịch lần này sẽ không đi theo định hướng thông thường, mà sử dụng "sức mạnh" của công nghệ số kết hợp giữa thương mại điện tử và nền tảng livestream để lan tỏa nhanh nhất đến người tiêu dùng.
"Đây cũng như là bản nháp để xem phản ứng của giới mộ điệu, từ đó bộ sưu tập tiếp theo sẽ trình diễn theo hình thức giống Giorgio Armani trong mùa vừa qua và hàng ghế đầu sẽ là những người theo dõi buổi giới thiệu trực tuyến. Hướng đi của tôi là kết hợp thời trang cùng công nghệ để người tiêu dùng luôn tìm được sự tiện nghi nhất khi mua sắm tại các cửa hàng của Chung Thanh Phong", anh nói thêm.
Với tư duy của một Giám đốc sáng tạo thì bất cứ sản phẩm nào ra mắt đều phải mang tính thời trang dù đó là nhu yếu phẩm cần thiết. Anh chia sẻ với Zing rằng không ra một BST để đối phó với dịch, mà đi theo hướng mới để mọi người tự bảo vệ bản thân và cái hay chính là sự liên kết các nghệ sĩ với nhau, dùng tầm ảnh hưởng của họ để truyền tải thông điệp tích cực cho mọi người. Thời trang phản ánh cuộc sống, nên hãy dùng niềm đam mê để tự cứu lấy chính mình.
Cảm xúc của Chung Thanh Phong sau thời gian giãn cách xã hội chính là niềm vui của sự chấp nhận để bước tiếp thử thách khác trên con đường phía trước.
Thời trang kết hợp cùng công nghệ là hướng đi mới của Chung Thanh Phong trong tương lai. |