Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chương trình Toán mới của Việt Nam hiện đại không thua kém nước nào'

GS Đỗ Đức Thái khẳng định chương trình phổ thông môn Toán mới của Việt Nam rất khả thi và hiện đại không thua kém chương trình của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ biên chương trình phổ thông mới môn Toán đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về những đổi mới của chương trình môn Toán tại Ngày hội Toán học mở được tổ chức tại TP.HCM vào sáng 24/11.

Ông Thái khẳng định chương trình phổ thông môn Toán mới là sự thai nghén trong 6 năm với sự làm việc cần mẫn, hết sức mình của cả đội ngũ soạn thảo. Chương trình mới ra đời không phải là sự vội vàng hay đẻ non như nhiều người lo lắng.

Trưởng khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết khi xây dựng chương trình phổ thông mới môn Toán, ban soạn thảo mong muốn đáp ứng được các yêu cầu tinh giản, thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo.

chuong trinh mon Toan moi anh 1
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình Toán phổ thông mới, chia sẻ những vấn đề được dư luận quan tâm về chương trình môn Toán. Ảnh: M.N.

Trước hết, chương trình môn Toán phải tinh giản nhưng không phải tinh giảm, tức nó chỉ còn những gì cốt lõi nhất mà người học cần ở giáo dục Toán học phổ thông. Chương trình phải rất thiết thực để giúp người học giải quyết những vấn đề cuộc sống, áp dụng vào cuộc sống.

Về tính hiện đại trong chương trình môn Toán, ông Thái lý giải rằng giáo dục Toán học phổ thông của Việt Nam phải đáp ứng chuẩn mực chung của những nền giáo dục khác trên thế giới về Toán, để học sinh có thể du học, tham gia vào thị trường lao động chung khi đã tốt nghiệp. Điều này là trách nhiệm của những người soạn thảo chương trình.

Trong quá trình soạn thảo chương trình môn Toán, đội ngũ soạn thảo đã tham khảo chương trình Toán học phổ thông hiện hành của khoảng 120 quốc gia và trao đổi với chủ biên chương trình Toán của khoảng 60 quốc gia. Do đó, ông Thái khẳng định: "Chương trình Toán học phổ thông mới của Việt Nam hiện đại không thua kém chương trình của bất cứ quốc gia nào".

Một yêu cầu khác của chương trình là khơi nguồn sáng tạo của học sinh. Ông Thái cho rằng đây là điểm yếu của học sinh nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Cách dạy, học, thi cử hiện nay của Việt Nam đào tạo ra những con người tư duy khuôn mẫu, không phải con người sáng tạo, điều đó cản trở đất nước đi lên.

Chủ biên chương trình môn Toán cho rằng việc học sinh Việt Nam tham gia và đạt được thành tích cao ở những kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, nhất là kỳ thi Toán học quốc tế (IMO) không thể hiện được thành quả sáng tạo của học sinh như nhiều người nhầm tưởng.

"Đã có những năm chúng ta mới bắt đầu thi IMO trong một trào lưu hoang đường và nó để lại hậu quả lâu dài. Do sự hoang đường đó chúng ta đánh giá thành tựu giáo dục Toán học phổ thông và sức mạnh nền Toán học đất nước thông qua những giải quốc tế ở IMO là điều rất ngớ ngẩn. Và bây giờ vẫn tiếp tục như thế", Trưởng khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh.

chuong trinh mon Toan moi anh 2
Học sinh tìm hiểu những trò chơi toán học tại Ngày hội Toán học mở 2019. Ảnh: M.N.

Do đó, chủ biên chương trình Toán nói dạy cho học sinh sáng tạo không phải là đẩy các em đi luyện những đề thi học sinh giỏi. Mặt khác, chương trình phải đáp bảo đáp ứng được nhu cầu học Toán của tất cả học sinh Việt Nam.

Ông dẫn ra trường hợp của bà Marie Curie và nhiều viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp nhận thấy các trường phổ thông ở Pháp không thể dạy được con mình nên họ đã tự mở lớp dạy cho con của nhau. Lớp đó chỉ có khoảng 15 học sinh, là con của những nhà khoa học lẫy lừng của Pháp thời điểm đó. 5 trong số 15 học sinh đó sau này đã đoạt giải Nobel. 

"Chúng ta có một triệu học sinh và chỉ có một phần nhỏ trong một triệu học sinh cần chương trình rất đặc biệt để dạy họ trở thành những nhà toán học xuất sắc. Chúng ta không thể đem phần còn lại thành vật hy sinh cho một người được", ông Thái nêu ý kiến.

Do đó, ông cho rằng không thể lấy những học sinh xuất sắc làm kim chỉ nam để hướng cả chương trình phổ thông và nền giáo dục đi theo những em đó. Chính vì vậy ông phủ nhận ý kiến cho rằng chương trình mới môn Toán làm giảm năng lực toán học của học sinh phổ thông, có nguy cơ làm mất ưu thế của nền toán học Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế.

PGS Lê Anh Vinh: 'Trẻ mầm non có thể học xác suất, thống kê'

PGS.TS Lê Anh Vinh cho hay xác suất, thống kê ở chương trình tiểu học là những bài liên quan nhiều đến đời sống thực tế, có thể dạy từ mầm non.




Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm