Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện chăm sóc người nghiện của nữ y tế trại giam

Những người nghiện khi lên cơn hay vật vã, sinh tâm lý chán đời, việc cảm hóa để họ đồng ý cho y tế chăm sóc không dễ dàng - nữ cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam nói.

Đại úy Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết lực lượng chủ công trong triển khai mô hình “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho những người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS” của đơn vị là nữ cán bộ y tế trại.

Hiện trại có 4 nữ cán bộ y tế, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc cho các can, phạm nhân rất lớn. Mỗi nữ cán bộ y tế phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, cả sự nguy hiểm để chăm sóc sức khỏe cho các can phạm nghiện, có HIV/AIDS.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho các nữ can phạm, cán bộ y tế của trại còn đảm đương việc chăm sóc, khám nam khoa cho các can phạm nam, điều này là một khó khăn với cán bộ nữ còn trẻ. 

Tuy vậy, yêu cầu nhiệm vụ và say mê nghề đã giúp chị em vượt qua thử thách. Có chị sau sinh con 15 tháng phải bồng trẻ đến ca trực đêm. "Các chị em thật sự tâm huyết với nghề” - đại úy Hiền đánh giá về các hội viên của mình.

Chuyen cham soc nguoi nghien o trai giam anh 1
Nữ cán bộ y tế Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam thăm khám sức khỏe cho can phạm.

Nói về công việc của mình, đại úy Nguyễn Thị Kim Hữu, nữ cán bộ y tế của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, bảo việc chăm sóc sức khỏe cho các phạm nhân nghiện, có HIV/AIDS rất khó khăn.

Những người này mỗi khi lên cơn thường vật vã, tâm lý chán đời nên việc tuyên truyền, vận động, cảm hóa để họ đồng ý cho cán bộ y tế chăm sóc không dễ. Có người nghiện, lại nhiễm HIV nên nữ y tế của trại khi chăm cũng lo phơi nhiễm.

Tuy nhiên, vượt qua sợ hãi, bằng tình cảm của một cán bộ y tế dành cho bệnh nhân, các chị đã dần cảm hóa và chăm sóc tốt sức khỏe cho những đối tượng nghiện, nhiễm HIV đang ở trại. 

Từ chỗ đối đầu, bất hợp tác, người nghiện dần xem các chị như người thân trong gia đình.

Đại úy Hữu kể rằng đa phần can phạm ở đây đều ở xa, ít có người thân đến thăm, lại đang trong giai đoạn phục vụ công tác điều tra, xét xử nên hay có tâm lý ức chế, đôi khi liều lĩnh, manh động.

Chúng tôi một mặt phải dùng tình cảm để cảm hóa, vận động, ứng xử với họ nhưng những bệnh nhân đơn thuần, giúp họ quên đi cảm giác mình là can phạm. Việc này giúp chúng tôi thuận lợi hơn khi tiếp cận và chăm sóc họ - đại úy Hữu chia sẻ.

Còn theo thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, gần 800 lượt can phạm được đưa vào trại, trong đó hơn 200 người nghiện ma túy, 13 có HIV.

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho can phạm, nữ cán bộ y tế còn tích cực tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người dân ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước - nơi đóng chân của một phân trại.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, cán bộ y tế Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hơn 200 lượt thăm khám, điều trị bệnh xã hội, tư vấn và điều trị triệt để, tránh lây lan trong can phạm nhân nữ. Các chị cũng điều trị cắt cơn nghiện hơn 20 trường hợp, chăm sóc sức khỏe nhiều người nhiễm HIV/AIDS nhập trại.

Nói về mô hình tư vấn, chăm sóc, điều trị cho những người nghiện và nhiễm HIV/AIDS của Hội Phụ nữ cơ sở Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, đại úy Hồ Thị Minh Huệ, cho rằng đây là việc làm nhân văn, phục vụ hiệu quả công tác giam giữ, quản lý, giáo dục can, phạm nhân.

http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Mo-hinh-day-nhan-van-cua-mot-Hoi-Phu-nu-co-so-418742/

Theo Ngọc Thi/Công An Nhân Dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm