Hơn 40 năm công tác, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội - vẫn miệt mài cống hiến cho ngành y.
Tiếng gọi “thầy” xuất phát từ sự kính trọng và mến yêu, khi PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh từng có 10 năm giữ chức hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội - một trong những ngôi trường lâu đời nhất tại Việt Nam. Không chỉ dẫn dắt nhiều thế hệ bác sĩ, thầy Hinh còn là “cây đa cây đề” trong ngành Sản phụ khoa Việt Nam - một lĩnh vực khó và nhiều bất trắc.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh từng đảm đương nhiều vị trí trọng yếu: 10 năm đứng đầu cơ sở đào tạo cán bộ ngành y lớn nhất miền Bắc, 11 năm giữ vai trò Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với bác sĩ, vị trí này tương hỗ cho trọng trách kia, giúp kiến thức và kinh nghiệm trở nên đa chiều, toàn diện. Do đó, ở vai trò nào, bác sĩ cũng làm việc đầy tâm huyết. Một trong những điều bác sĩ luôn tâm niệm là “cố gắng hạn chế dùng quyền lực, chỉ thuyết phục cấp dưới, bệnh nhân bằng cái tâm và trình độ”.
Trong 40 năm công tác, niềm tự hào cũng như thành tựu giúp PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh ghi tên vào giới y học Việt Nam là kỹ thuật mổ qua đường âm đạo - đặc trưng của phẫu thuật viên phụ khoa.
“Lợi thế khi mổ qua đường âm đạo là giấu được sẹo trên bụng, ít tốn kém và thời gian phục hồi nhanh. Điều khiến bác sĩ sản phụ khoa khác bác sĩ ngoại khoa là những ca mổ qua đường âm đạo. Theo tôi, bác sĩ sản phụ khoa nếu không thể phẫu thuật qua đường âm đạo thì chưa hoàn chỉnh”, vị chuyên gia nhận định.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh cũng là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tạo hình âm đạo. Với ông, mỗi ca mổ là một tác phẩm nghệ thuật.
Tại Việt Nam, nhiều phụ nữ chẳng dám mơ về một gia đình hạnh phúc vì mắc hội chứng không có âm đạo. Bác sĩ từng phẫu thuật cho bệnh nhân bẩm sinh không có âm đạo ở Đồng Tháp. Cuộc phẫu thuật không chỉ trao cho bệnh nhân cơ hội được làm phụ nữ mà còn là tiền đề để cô đón nhận thiên chức làm mẹ.
Song song kỹ thuật mổ đường âm đạo, bác sĩ Hinh cũng là một trong những người tiên phong đưa kỹ thuật nối vòi tử cung phổ biến tại Việt Nam. Sau một lần quan sát giáo sư người Mỹ mổ trình diễn ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ Hinh đã thực hiện thành công. Người phụ nữ đầu tiên được “thầy Hinh” cầm dao mổ để nối vòi tử cung đã có thể mang thai, sinh con bình thường.
Là chuyên gia sản phụ khoa đầu ngành nhưng bác sĩ Hinh không nhận mình là người “biết hết”. Ông luôn cầu thị, lắng nghe và sẵn sàng nhận lỗi. Đảm đương vị trí của nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành nhưng bác sĩ vẫn chăm chỉ cầm dao mổ, đỡ đẻ… bởi quan niệm “hiểu nghề mới có thể quản lý tốt, bác sĩ phải học hỏi không ngừng, cầu tiến và cầu toàn”.
Đứng trước ca mổ, bác sĩ rất cầu toàn - tra cứu thông tin kỹ càng, suy nghĩ trước khi phẫu thuật. Thậm chí, sau khi phẫu thuật, vị chuyên gia vẫn tiếp tục “đi tìm” phương án tối ưu hơn để áp dụng cho những ca bệnh sau.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh còn được biết đến trong vai trò tác giả nhiều công trình nghiên cứu khoa học và sách y học giá trị. Hai cuốn từ điển sản phụ khoa gồm Pháp - Việt và Anh - Pháp - Việt được bác sĩ Hinh đầu tư công phu.
Tinh thần không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn ấy vẫn được “thầy Hinh” duy trì cả khi tuổi đã lớn, tóc đã bạc. Bác sĩ học hỏi từ đồng nghiệp, tìm hiểu và cập nhật nhiều kiến thức y khoa thế giới. Tất cả nhằm hiện thực hóa ước mơ bồi dưỡng đội ngũ y tế Việt Nam giỏi nghề, góp phần chăm sóc và cải thiện sức khỏe phụ nữ.
“Khi có Việt Nam có đội ngũ y tế tinh thông nghề nghiệp, giỏi tâm lý, giúp khách hàng cảm thấy an toàn và hài lòng với dịch vụ, với tôi, đó mới là thành công của ngành y”, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh khẳng định.
Một trong những liệu pháp điều trị mà PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh đặt nhiều tâm huyết là thấu hiểu tâm lý bệnh nhân. Ông đặc biệt lưu tâm một trường hợp thành công ngoài mong đợi nhờ biện pháp tâm lý, dù bệnh nhân không được kê đơn thuốc.
“Một sản phụ mang song thai tháng thứ 6 và do từng khó khăn để có con, bệnh nhân chọn thai kỳ nghỉ ngơi và có người phục vụ chu đáo. Tuy nhiên, sản phụ hay đau bụng, dọa sinh non, từng được bác sĩ kê đơn nhưng không đỡ. Sau khi hỏi chuyện, tôi đề nghị bệnh nhân đi làm trở lại. Sau thời gian ngắn, điều kỳ diệu xuất hiện - thuốc kê đơn trước đó bỏ hết, sản phụ sinh 2 bé đủ ngày, lần lượt 3 kg và 3,1 kg”, bác sĩ kể lại.
Từ ca bệnh này, vị chuyên gia rút ra kết luận việc tiếp cận với người bệnh cần toàn diện. Quá trình điều trị, nâng đỡ bệnh nhân không chỉ cần dùng đến thuốc. Tâm lý quyết định rất lớn.
“Nếu gục ngã về tâm lý thì không thuốc men nào có thể hỗ trợ. Vì vậy, người thầy thuốc ngoài chuyện giỏi tay nghề còn phải thấu hiểu tâm lý bệnh nhân, thậm chí tâm lý người nhà của họ”, bác sĩ Hinh trăn trở.
Còn dưới góc độ của một chuyên gia tư vấn, bác sĩ nhận định hoạt động sinh dục nữ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý. Tình trạng lo lắng thái quá của nữ giới là nguyên nhân gây ra rối loạn phóng noãn.
“Luôn lạc quan, giữ nếp sống khoa học, ăn uống chừng mực, giữ cân nặng hợp lý là lời khuyên phụ nữ thường nghe, nhưng không thường trực trong suy nghĩ. Thực tế, sự lạc quan rất quan trọng vì tâm lý thần kinh cấp cao ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng và cơ quan khác trong cơ thể”, bác sĩ nói thêm.
“Lạc quan” cũng là yếu tố vị bác sĩ đầu ngành sản khoa luôn răn mình để thực hiện lối sống lành mạnh. Sau giờ làm việc hoặc hoàn thành ca mổ căng thẳng, bác sĩ Hinh thường nghe nhạc Beethoven, Chopin hay lưu giữ những bức ảnh phong cảnh đắt giá.
Niềm tự hào của PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh là dành trọn thanh xuân, nhiệt huyết cho nghề y và ngành sản phụ khoa. Sau khi làm bác sĩ, hiệu trưởng ngôi trường y khoa lớn nhất cả nước, bác sĩ chọn gắn bó với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ở vị trí Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa để được tiếp tục đồng hành cùng người bệnh.
“Nhiều người nghĩ tôi chọn Tâm Anh vì đây là một trong những bệnh viện ngoài công lập hàng đầu ở Việt Nam. Điều đó không sai, nhưng với tôi, bệnh viện còn là nơi gắn bó của đồng nghiệp thân thiết. Tâm Anh cũng nhận được sự tin tưởng của khách hàng, môi trường nhiều tiềm năng phát triển. Với kinh nghiệm 40 năm làm nghề, tôi kỳ vọng có thể đóng góp để hệ thống sản phụ khoa phát triển hơn”, bác sĩ nói.
Đồng nghiệp thân thiết mà PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh nhắc đến là TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Tâm Anh Hà Nội. Ngoài yếu tố trang thiết bị hiện đại, mô hình “bệnh viện khách sạn 5 sao”, có thể nói thế mạnh của Tâm Anh Hà Nội là quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành.
Chọn nghề qua lời giới thiệu của thầy giáo - “không đâu vui bằng sản khoa”, bác sĩ Hinh từng vỡ mộng khi ngồi trên ghế nhà trường. Bởi theo sản phụ khoa nhiều niềm vui nhưng nỗi cực nhọc, vất vả cũng chẳng ít.
Tròn 40 năm trong ngành, hơn ai hết, vị chuyên gia hiểu rõ áp lực của nghề. Bác sĩ Hinh cho rằng học y nhiều điều vất vả nhưng “cấp cứu sản khoa là khủng khiếp nhất”. Sa dây rốn trong vòng 2-3 phút có thể khiến em bé tử vong; tắc mạch ối mấy phút gây rủi ro mạng sống cho thai phụ.
“Ở các quốc gia khác, phần lớn đơn tố cáo là dành cho sản khoa. Sản phụ, bệnh nhân, người nhà luôn tâm niệm quá trình thai nghén và sinh nở là thiên phú, không chấp nhận rủi ro. Nhiều khi người nhà bệnh nhân không thông cảm, họ sẽ công kích và tấn công thầy thuốc. Đó là những áp lực mà không phải ai cũng biết”, bác sĩ Hinh trầm tư.
Thế nhưng, vì đam mê còn cháy bỏng, bác sĩ vẫn gắn bó với nghề cầm dao mổ. Đến nay, dù mái đầu đã bạc, khát vọng cống hiến của PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh vẫn vẹn nguyên như ngày bước chân vào trường y.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.
Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage, hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789).