Từ những trải nghiệm...
Đó là một ngày hè nóng nực năm ngoái, gần trưa, tôi khoa tôi đón nhận một bệnh nhân, một cụ ông 85 tuổi. Bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng suy hô hấp rất nặng; ý thức lơ mơ; mạch nhanh; huyết áp tụt, môi, đầu chi tím đen; vã mồ hôi lạnh; nồng độ oxy bão hòa máu mao mạch chỉ chung quanh 50%.
Chúng tôi tiến hành cấp cứu: bóp bóng, đặt ống nội khí quản cho thở máy, truyền dịch, thuốc nâng huyết áp với chẩn đoán là sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng trên nền bệnh lý đang mắc là tăng huyết áp - tiểu đường. Sau khi tình trạng bệnh đã tạm ổn định, chúng tôi có giải thích với gia đình của cụ là tình trạng vẫn cực kỳ nặng mà lại ở người có bệnh lý mạn tính, tuổi cao và muốn biết quan điểm của những người thân.
Trong những trường hợp như thế này việc gia đình có yêu cầu ngừng điều trị để đưa người thân về cũng là điều dễ hiểu. Nhưng các con của cụ dứt khoát để cụ ở lại điều trị bằng mọi giá và xác định là có thể cụ tử vong tại bệnh viện.
Sau 2 tuần hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân có tốt lên nhưng phải mở khí quản cho thở máy. Những lúc tỉnh lại, bệnh nhân yêu cầu lấy bảng giấy cứng, viết nguệch ngoạc với nội dung cho bố về để bố chết ở nhà nhưng các con nhất quyết không đồng ý và giải thích, động viên cho cụ ở lại.
Có những lúc căng quá, chúng tôi phải cho thuốc an thần khi bệnh nhân giãy giụa, dứt dây truyền, dây máy thở ra để đòi về... chết! Sau nhiều lần động viên thuyết phục, cuối cùng cụ cũng vui lên và yên tâm nằm điều trị.
Kết quả, với 4 tháng nằm viện, qua rất nhiều lần cai máy thở, bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, đi lại còn yếu, ăn uống tốt, tinh thần vui vẻ trong niềm hân hoan của cả hai phía gia đình và bệnh viện.
Bây giờ, gặp lại bệnh nhân, hỏi tại sao lúc đó cụ cứ nằng nặc xin về để chết, cụ cười và nói rằng lúc suy hô hấp nặng, chỉ thấy chung quanh như một màn sương mù với rất nhiều tiếng người láo nháo, sau đó là cảm giác đau đớn, khó chịu toàn thân nên vật vã kích thích rất nhiều và rồi không biết gì nữa (khi bệnh nhân được dùng thuốc an thần, giảm đau).
Cụ còn nói thêm rằng, lúc đó đầu óc đâu có tỉnh táo mà quyết định, chỉ thấy đau đớn, khổ sở quá nên muốn xin về để chết cho... nhẹ nợ!. Lạy Giời, hôm đó mà con cái nghe cụ thì… hè này đã giỗ đầu rồi, còn đâu cơ hội mà chơi đùa với đích tôn như thế này?.
Trường hợp thứ hai, đó là một người quen của tôi. Bệnh nhân được phát hiện ung thư gan ở tuổi 40. Ở cái tuổi mà mọi thứ mới bắt đầu đi vào guồng và phía trước còn quá nhiều điều phải lo như công việc, gia đình, con cái… thì đây có lẽ là một cú sốc kinh hoàng mà không phải ai cũng đủ can đảm để đối mặt.
Giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh còn nhẹ cộng với sự động viên của gia đình và những lời giải thích (theo chiều hướng cho bệnh nhân yên tâm là chính) của thầy thuốc, bệnh nhân thoải mái hơn và yên tâm điều trị.
Kết quả cũng khả quan nhưng được gần hai năm thì cái gì đến cũng sẽ phải đến. Bệnh nhân liên tục phải chịu đựng những cơn đau với tần suất ngày một dày hơn, mức độ tăng lên và càng kém đáp ứng với thuốc giảm đau. Đã rất nhiều lần, trong những cơn đau đến vã mồ hôi, mặt mũi nhợt nhạt, bệnh nhân yêu cầu được tiêm một thứ thuốc gì đó để đỡ đau và ngủ luôn… không dậy nữa.
Nhưng chúng tôi giải thích rằng điều đó là không nên, không thể, đồng thời tăng lượng thuốc giảm đau và ở giai đoạn cuối cùng, phải kết hợp cả thuốc an thần để bệnh nhân nằm yên. Đành rằng, cái công việc mà chúng tôi và gia đình bệnh nhân đã làm, tuy không cứu được người bệnh nhưng chí ít cũng giúp họ ra đi một cách tự nhiên trong êm dịu chứ không phải kết thúc sớm sự đau đớn của họ bằng cách giúp họ… chết nhanh.
Những bệnh nhân nằm ở khoa hồi sức tích cực thường phải nằm lâu nên nhiều gia đình thuê người giúp đỡ hỗ trợ nhưng đối với trường hợp cụ C thì lại khác. Cụ là bà mẹ liệt sĩ và còn một người con trai là hiện đang là sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng. Có lẽ chúng tôi chưa thấy ai chăm sóc mẹ tận tình như anh.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ ở đơn vị về là anh vào trông bà cụ cả đêm (cho dù khoa đã có nhân viên chăm sóc toàn diện). Bà cụ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải thở máy tới gần 9 tháng trời với rất nhiều lần tưởng chừng không qua khỏi.
Những lúc tôi trực, anh tâm sự rằng mặc dù họ hàng và cả bản thân bà cụ cũng muốn về để được ra đi thanh thản vì tuổi cao sức yếu và đỡ làm phiền con cháu nhưng anh quyết tâm điều trị cho mẹ đến cùng vì mẹ anh đã quá vất vả, cả đời hy sinh vì con cái.
Cuối cùng, cụ cũng qua khỏi và được xuất viện về gia đình, một thời gian sau còn giúp con cháu quét sân, dọn dẹp nhà cửa! Một kết cục không thể ngờ được! Phải chăng đấy là nội lực của bà cụ hay chính tình cảm yêu thương của con cái đã làm nên kỳ tích đó?.
Một ví dụ khác nữa là trường hợp cụ Trần Thị T. Cụ đã 89 tuổi và bị đột quỵ do tắc mạch não cấp. Khi đưa vào viện, cụ đã ở trong tình trạng rất nặng. Ở lứa tuổi “vân du” như cụ, sẽ không ngạc nhiên khi con cái cụ yêu cầu được đưa cụ về nhà để quy tiên theo đúng nguyện vọng của bà lúc khỏe nhưng họ đã không làm như vậy. Họ yêu cầu chúng tôi cứ tiến hành các biện pháp hồi sức cấp cứu và điều trị tích cực xem còn có hy vọng gì không.
Sau hai tuần vất vả, cụ tỉnh hơn, ăn uống được và tự thở tốt mà không cần máy hỗ trợ. Sau một tháng nằm viện, do ho khạc kém nên cụ bị viêm phổi do ứ đọng và tình trạng khó thở tăng lên. Lúc này, gia đình chỉ yêu cầu không can thiệp tích cực chứ vẫn cho cụ thở ô xy, truyền dịch và nuôi dưỡng cho đến khi cụ từ trần nhẹ nhàng và thanh thản một tuần sau đó.
Tôi vẫn nhớ như in gương mặt cụ, những lúc tỉnh táo, sáng bừng lên khi con cháu vào thăm, nắm chặt tay bác sĩ khi hỏi han chia sẻ mặc dù cụ biết, cụ không còn sống được bao lâu, đã là ngọn đèn sắp tắt. Thế mới biết, sự sống đáng quý biết chừng nào!.
Rồi còn những bệnh nhân nặng, nhà nghèo, khi bị bệnh, chỉ muốn con đưa về để chết vì “Điều trị tốn kém mà lại không có bảo hiểm, dồn tiền vào cho mẹ thì mấy đứa cháu lấy gì mà ăn? Cho mẹ về đi, già rồi ai chẳng chết”. Chao ơi là tấm lòng của những người mẹ! Bài toán ở đây rất rõ lời giải, chúng tôi phải nhờ các cấp lãnh đạo thông qua báo chí, vận động quyên góp và cuối cùng đã đủ số kinh phí trang trải để điều trị cho bệnh nhân ra viện.
Tôi xin chia sẻ tấm lòng mình
Trên đây chỉ là một số ví dụ mà suốt thời gian gần hai chục năm làm công tác HSCC tôi đã từng trải nghiệm. Tôi tin rằng, còn rất nhiều ví dụ hay hơn mà các đồng nghiệp của tôi, những bác sĩ chuyên ngành HSCC đã, đang, và sẽ còn gặp phải. Tôi chưa gặp một trường hợp nào mà bệnh nhân muốn chết đơn giản chỉ vì thích… chết cho oai mà hầu như tất cả đều có lý do muốn từ giã cuộc sống tươi đẹp này.
Đành rằng, với những hạn chế của Y học, với những khó khăn của mỗi con người, của xã hội nên việc giúp giải quyết cho bệnh nhân tất cả những nguyên nhân khiến họ đang muốn chết là điều không thể.
Nhưng, thay vì không can thiệp tích cực nếu bệnh đã ở giai đoạn cuối, thay vì vô cảm, lạnh lùng trước những cơn đau, chúng ta, những người khỏe mạnh (hoặc may mắn khi chưa bị ốm) hãy cố gắng tìm kiếm những biện pháp điều trị bệnh tốt nhất, điều trị triệu chứng tốt nhất, phối hợp với gia đình, với xã hội tìm mọi biện pháp giúp đỡ, an ủi, động viên bệnh nhân trong những giờ phút tuyệt vọng, để người bệnh được ra đi theo đúng quy luật tự nhiên.
Cho đến khi lên Thiên đàng (mà tôi mong là có) họ vẫn luôn mỉm cười mãn nguyện vì hai chữ “tình người” chứ không phải lăn tăn vì cái quyết định sai lầm của mình - nhờ người giúp cho chết nhanh!