Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì đang xảy ra ở Uruguay

Để đối phó với "cơn khát nước" trầm trọng, nhà chức trách Uruguay đang buộc phải đưa ra một loạt biện pháp quyết liệt.

Người dân biểu tình yêu cầu giải pháp khẩn cấp trong bối cảnh khủng hoảng nước đang diễn ra tại Uruguay. Ảnh: AP/Matilde Campodonico.

Uruguay, vật lộn với hạn hán kéo dài nhiều năm và nhiệt độ cao, đang trở nên khô hạn.

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức người dân buộc phải uống nước máy nhiễm mặn và các công nhân đang khoan giếng ở trung tâm thủ đô để lấy nước dưới lòng đất, theo CNN.

Hôm 19/6, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về nước đối với khu vực đô thị”.

Tình hình đang gây chấn động khắp quốc gia Nam Mỹ tương đối giàu có này - nơi từ lâu xác định việc tiếp cận nguồn nước là quyền con người.

Các tác động ở Uruguay có thể thấy rõ. Canelón Grande, hồ chứa quan trọng cung cấp nước cho hơn một triệu người ở thủ đô Montevideo, đã biến thành cánh đồng bùn lầy mà người dân địa phương có thể đi bộ qua.

Trong khi đó, Paso Severino, phục vụ nước ngọt cho 60% dân số cả nước, chứng kiến ​​mực nước giảm lịch sử. Theo phương tiện truyền thông địa phương, mực nước có thể cạn kiệt hoàn toàn vào đầu tháng 7.

Đây là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng dễ bị tổn thương của các quốc gia khi đối mặt với hạn hán, vốn sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi biến đổi khí hậu gia tăng.

Muối trong nước uống

Carlos Santos, thành viên của Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Nước và Sự sống (CNDAV), cho biết nước máy ở thủ đô Montevideo về cơ bản là không thể uống được.

“Không thể uống nổi vì nó quá mặn”, ông nói. “Ngay cả vật nuôi cũng tránh uống nước này”.

Uruguay thieu nuoc anh 1

Toàn cảnh hồ chứa Canelon Grande vào tháng 5. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều tuần, công ty cấp nước công cộng OSE đã trộn nước mặn từ cửa sông Río de la Plata với nước ngọt từ hồ chứa Paso Severino để kéo dài nguồn cung cấp. Động thái này diễn ra sau khi OSE xin miễn các quy định thông thường về độ mặn trong nước uống.

Ngoài vị mặn, các quan chức Uruguay cho biết nước máy cũng có hàm lượng clorua, natri và trihalomethanes cao.

Trong cuộc họp báo vào tháng 5, Bộ trưởng Y tế Công cộng Uruguay Karina Rando cho hay không có rủi ro sức khỏe nào đối với hầu hết người dân. Tuy nhiên, bà khuyên những người có vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp và bệnh thận, cùng người đang mang thai nên hạn chế hoặc thậm chí tránh hoàn toàn nước máy.

Bộ cũng khuyến cáo người dân không nên thêm muối vào thức ăn của trẻ em và sử dụng nước đóng chai để pha sữa bột cho trẻ sơ sinh.

Tổng thống Lacalle Pou hôm 19/6 cho biết “nguồn cung cấp nước được đảm bảo” nhưng mức độ clorua và natri trong nước “chắc chắn sẽ tăng”.

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Scanntech Uruguay, doanh số bán nước đóng chai đã tăng vọt ở Montevideo và khu Canelones lân cận. Báo cáo ghi nhận mức tăng 224% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này khiến các tập đoàn bán lẻ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu và lượng rác thải nhựa tăng đột biến.

Nhưng nhiều cư dân ở Montevideo và khu vực lân cận không đủ khả năng mua nước đóng chai và buộc phải tiếp tục uống từ vòi, ông Santos cho biết.

Để cố gắng giảm bớt một số áp lực tài chính, chính phủ đã áp dụng miễn thuế đối với nước đóng chai.

"Đòi quyền cơ bản"

Tình hình trên gây sốc cho cư dân của một trong những quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ và có mối quan hệ đặc biệt với nước. Uruguay cho biết họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới coi việc tiếp cận nước là quyền cơ bản trong bản sửa đổi hiến pháp năm 2004.

Tình trạng thiếu nước đã dẫn đến một số cuộc biểu tình trên đường phố.

Theo ông Santos, người Uruguay cảm thấy có mối liên hệ đặc biệt với nước. “Sự tức giận mà mọi người đang thể hiện lúc này chứng tỏ điều đó. Đó không phải là từ chối chính phủ, mà là đòi quyền cơ bản”, ông nói.

Trong bối cảnh đó, chính phủ cho biết họ đã và đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề.

Uruguay thieu nuoc anh 2

Một chiếc xe tải đi qua hồ chứa Canelón Grande ở Canelones, Uruguay, nơi mực nước đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Ảnh: Reuters.

Vào hôm 19/6, ông Lacalle Pou công bố việc xây dựng một con đập và hệ thống dẫn nước mới trên sông San José. Nó sẽ cung cấp nguồn nước thay thế sau khi việc xây dựng hoàn thành trong 30 ngày.

Người dân được yêu cầu không rửa xe hoặc tưới vườn. Xe bồn đã được đưa vào hoạt động để cung cấp nước cho các tổ chức quan trọng như bệnh viện.

Việc tìm kiếm nước thậm chí diễn ra cả ở trung tâm Montevideo. Các công nhân đã đào giếng ở Parque Batlle, được ví như “lá phổi xanh” của Montevideo, để tìm nguồn nước thay thế.

"Chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn"

Dù vậy, một số người cho rằng điều đó là chưa đủ. Ông Santos cho biết có những vấn đề lâu dài về quản lý nước ở Uruguay.

“Hạn hán là vấn đề đang làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhưng có một vấn đề từ lâu khác, liên quan tới việc sử dụng nước không hợp lý dẫn chúng ta đến tình trạng này”, ông nói.

Daniel Panario, giám đốc Viện Sinh thái và Khoa học Môi trường tại Đại học Cộng hòa ở Uruguay, cho biết chính phủ hiện chỉ thực hiện biện pháp do các nhà khoa học đề xuất vào tháng 2.

“Chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn trong một môi trường ngày càng khó lường”, ông nói.

Panario kể lại cuộc trò chuyện với một nông dân. Người này nói với ông rằng trời mưa “tồi tệ” hơn trước, chứ không phải nhiều hơn hay ít hơn. “Trời mưa theo cách tập trung hơn (vào một khoảng thời gian)… nó gây ra lũ lụt, và sau đó là hạn hán kéo dài”, ông cho biết.

Vào tháng 5, Tổng thống Lacalle Pou nói với các phóng viên rằng “thời điểm này rất phức tạp, chúng tôi phải chấp nhận nó và chịu trách nhiệm”. Nhưng ông bác bỏ tuyên bố chính phủ đã không làm đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Uruguay không phải là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin bị hạn hán. Nước láng giềng Argentina cũng đang vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp.

Mặc dù các nhà khoa học phát hiện ra nguyên nhân chính của hạn hán ở Uruguay và Argentina không phải do khủng hoảng khí hậu, họ nói rằng biến đổi khí hậu gây ra nắng nóng khắc nghiệt làm trầm trọng thêm tác động.

“Biến đổi khí hậu chắc chắn đóng một vai trò trong tình trạng nhiệt độ cao mà Argentina và các quốc gia khác tại khu vực đang trải qua”, Friederike Otto, nhà khoa học về khí hậu, cho hay.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Kinh tế Quốc tế giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hệ sinh thái thế giới có thể sụp đổ sớm hơn dự kiến

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rừng nhiệt đới Amazon và các hệ sinh thái khác trên toàn cầu có thể sụp đổ “rất sớm” do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.

Chim hồng hạc tháo chạy khỏi Fuente de Piedra

Hạn hán kéo dài ở vùng đất ngập nước phía nam nổi tiếng của Tây Ban Nha đã buộc chim hồng hạc phải ấp trứng ở nơi khác, BBC đưa tin hôm 17/6.

Minh An

Bạn có thể quan tâm