Tại buổi thảo luận các giải pháp bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long ngày 28/6, ông Matthew E. Andersen - nhà khoa học cấp cao về sinh học tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) - nói rằng những tác động từ biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải hành động nhanh chóng, kết hợp nghiên cứu đa ngành để có bức tranh rõ ràng về tình hình tại khu vực.
“Lúc này không có thời gian để nghiên cứu chỉ dựa trên những nguồn tài nguyên đơn lẻ, chúng ta phải bắt đầu tổng hợp những dữ liệu, xem xét các nghiên cứu tích hợp hai hay nhiều ngành”, ông Andersen nhận định.
Chia sẻ với Zing, các chuyên gia cho biết thách thức từ việc mực nước biển dâng cao qua mỗi năm là bài toán khó giải quyết. Ngoài ra, việc đất sụt lún do các hoạt động khai thác quá mức cũng khiến tác động từ nước biển dâng càng thêm nghiêm trọng.
Trong khi đó, ông Văn Phạm Đăng Trí, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, cho rằng khi nói đến biến đổi khí hậu, đó chỉ là bề nổi khiến việc giải quyết các thách thức sẽ khó khăn hơn.
"Chúng ta không nên chỉ đổ lỗi biến đổi khí hậu. Nó chỉ là phần nổi, trong khi nguyên nhân chính vẫn là do con người gây ra", ông Trí nói.
Tại buổi thảo luận, các chuyên gia nhận định bên cạnh những hành động giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chính phủ, người dân địa phương và doanh nghiệp cần xây dựng những giải pháp để tăng cường năng lực thích ứng, qua đó giảm rủi ro từ những nhân tố khách quan.
Tài nguyên tự nhiên bị đe dọa
Ông Andersen cho biết nước biển dâng chỉ là một mặt. Tác động của nó ngày càng rõ rệt khi đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún. Cùng với đó, lượng trầm tích (cát, bùn, sét) bị thâm hụt do khai thác đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi tự nhiên.
Điều này đặt ra yêu cầu phải tìm kiếm những dòng chảy tự nhiên mang theo trầm tích, xem xét không khai thác hoặc giảm khai thác cát và nước ngầm. Việc khai thác cát và nước ngầm quá mức khiến Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi sụt lún nhanh nhất thế giới, ông Andersen cho hay.
Các chuyên gia tại buổi thảo luận cho hay tình trạng sụt lún đất làm tăng thêm thách thức để đối phó với nước biển dâng. Ảnh: Trần Hoàng. |
“Tôi nghĩ đã có nhiều nguyên nhân gây tiêu cực, buộc chúng ta phải kết hợp đa dạng giải pháp để bảo vệ môi trường hiệu quả”, ông Andersen nói.
Theo ông Trí, cách đơn giản nhất là xây đê chắn sóng, nhưng đây không phải giải pháp bền vững. Ông cho biết việc xây đê nằm sau những khu rừng ngập mặn khiến những cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng, chẳng hạn ở Sóc Trăng.
“Chúng tôi đã phối hợp với quốc tế để xây dựng lại hệ thống rừng ngập mặn. Thay vì xây đê bên trong rừng ngập mặn, nay chúng tôi đặt đê bên ngoài và trở thành lá chắn đầu tiên. Trong trường hợp vỡ đê thì vẫn còn khu rừng để chắn sóng. Hiện tôi thấy giải pháp này đang khá hữu dụng. Dĩ nhiên chúng ta phải lạc quan”, ông Trí trả lời Zing.
Ngoài ra, việc sụt lún còn đến từ việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức.
Hiện lượng nước ngầm được cấp phép khai thác ở các vùng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với trữ lượng còn có thể khai thác. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý của tài nguyên nước ngầm khiến mực nước biến động mạnh theo mùa (mùa mưa và mùa khô).
Mức độ khai thác ở từng địa phương rất khác nhau nên đã dẫn đến nguy cơ suy giảm mực nước, cạn kiệt tầng chứa nước; gia tăng ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước và sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình.
Ngoài ra, ông Andersen cho rằng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm - vốn không chảy đều trên toàn lưu vực sông Mekong - do đó dễ xảy ra mâu thuẫn liên quan đến nguồn nước ngầm giữa các cá nhân, cộng đồng và giữa các quốc gia.
Cải thiện năng lực thích ứng
“Khả năng thích ứng của chúng ta với thay đổi về môi trường Đồng bằng sông Cửu Long không đồng đều. Do đó, dù ở thành thị hay nông thôn, việc ứng phó biến đổi khí hậu vẫn chưa nhất quán do sự khác biệt của từng khu vực”, ông Andersen nhận định.
Trong khi đó, ông Thomas Schmidt - Giám đốc Cơ quan Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Sức khỏe khu vực Đông Á và Đông Nam Á, thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok - cho biết các cơ quan nghiên cứu về tình hình Đồng bằng sông Cửu Long lúc này sẽ đánh giá cần thích ứng như thế nào trước những hành động cụ thể để ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Thomas Schmidt tại buổi thảo luận ngày 28/6. Ảnh: Trần Hoàng. |
“Chúng ta tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng điều đó cũng thừa nhận rằng chúng ta cần có khả năng phục hồi và thích ứng", ông Schmidt chia sẻ với Zing.
"Đây là vấn đề lâu dài và cần những giải pháp dài hạn. Chúng ta không thể bắt một đoàn tàu đang chạy dừng lại ngay lập tức, mà phải làm nó chạy chậm lại. Sẽ có những tác động dài hạn, và bản thân chúng ta cùng những người khác phải thích nghi với những thay đổi đó", ông nói thêm.
Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu
Ông Schmidt cho biết việc nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ năm 2020, trên nền tảng cơ chế Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI) năm 2009 là bước tiến giúp Washington thúc đẩy ổn định, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long.
“Việc hợp tác không có nghĩa Mỹ sẽ đến và bảo khu vực này nên làm gì. Đây là sự trao đổi giữa phía Mỹ - có chuyên môn kỹ thuật cao - và các nước ở tiểu vùng sông Mekong, có kinh nghiệm với các vấn đề tại khu vực. Quan hệ đối tác đến từ việc các quốc gia học hỏi, hỗ trợ và hưởng lợi lẫn nhau”, ông nói.
Ông Andersen nói rằng muốn thấy các doanh nghiệp và địa phương chú trọng vào các giải pháp xanh để duy trì hệ sinh thái tự nhiên, chẳng hạn rừng ngập mặn là tài nguyên quý giá để giữ đất.
Từ phải sang: Ông Thomas Schmidt, ông Matthew Andersen, bà Caitlyn Cassot - viên chức kinh tế thuộc Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, điều phối buổi thảo luận - ông Văn Phạm Đăng Trí. Ảnh: Trần Hoàng. |
Đồng quan điểm, ông Thomas Schmidt cho hay các thiên tai như lũ lụt và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng những năm qua. Nhưng các giải pháp thay đổi phương thức canh tác, đặc biệt là tận dụng công nghệ là một phần để giảm tác động tiêu cực.
Trong khi đó, ông Timothy Ong, Trưởng văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại TP.HCM, cho biết các chương trình mà USAID, bao gồm chương trình Bảo tồn Môi trường Ven biển sông Mekong đã góp phần giảm thiểu mối đe dọa đối với đa dạng sinh học ven biển, tăng cường khả năng phục hồi vùng ven biển và tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng địa phương.
Trong tháng 6, USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên giữa hai bên về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2027, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong chuyến thăm của bà tới Việt Nam.
Dự án nhằm giảm phát thải khí methane trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.