Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia giải đáp về thi ĐH, CĐ 2012

Tại buổi trực tuyến tuyển sinh vào chiều 5/4, chuyên gia từ Bộ GD&ĐT, ĐHQG, ĐH Nông lâm đã giải đáp thắc mắc về khối A1, điền mã ngành, xét tuyển nguyện vọng, các chế độ ưu tiên...

Chuyên gia giải đáp về thi ĐH, CĐ 2012

Tại buổi trực tuyến tuyển sinh vào chiều 5/4, chuyên gia từ Bộ GD&ĐT, ĐHQG, ĐH Nông lâm đã giải đáp thắc mắc về khối A1, điền mã ngành, xét tuyển nguyện vọng, các chế độ ưu tiên...

>> Làm hồ sơ vào các trường khối an ninh như thế nào?
>> Dự kiến điểm xét tuyển khối A1 và A có chênh lệch?
>> Tuyển sinh 2012: Hướng dẫn ghi Phiếu đăng ký dự thi

Chiều (5/4), buổi trực tuyến tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 đã diễn ra trên Zing. Buổi trực tuyến gồm có: thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tuyển sinh, Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM, tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác sinh viên, Ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ĐHQG TP.HCM, Chuyên viên Ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ĐHQG TP.HCM Trần Từ Duy, thạc sỹ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng công tác Sinh viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên & Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Nông lâm.

Hơn 1.000 câu hỏi đã được gửi đến, tuy nhiên, thời gian có hạn nên các chuyên gia đã trả lời những vấn đề cơ bản nhất.

Chuyên viên Ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ĐHQG TP.HCM Trần Từ Duyy,  thạc sỹ Trần Đình Lý, tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai, thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng tại buổi trả lời trực tuyến.

Các vấn đề giải đáp chủ yếu là về khối A1 (Toán, Lý, Anh văn) - khối thi mới bổ sung trong mùa tuyển sinh năm nay. Những băn khoăn về cấu trúc đề thi, điểm chuẩn dự kiến... của khối thi này được rất đông thí sinh quan tâm.

Khối A1: Tăng "tỷ lệ chọi", cấu trúc đề tiếng Anh tương đương khối D1

- Em muốn hỏi những vấn đề mới trong kì thi tuyển sinh năm nay có khác nhiều so với năm ngoái không? (Ngô Thanh Tùng, 21 tuổi, Phù Mỹ, Bình Định)

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2012 về cơ bản giống năm 2011, tuy nhiên, có có một số thay đổi như sau: 

1. Bổ sung thêm khối A1 gồm 3 môn: Toán, Lý, Anh văn.

2. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển nguyện vọng 2 của các trường.

3. Tuyển thẳng các thí sinh đoạt cấp Quốc gia giải 3 trở lên vào đúng ngành, nhóm ngành trùng với môn đoạt giải hoặc ngành lân cận.

4. Thời gian nộp hồ sơ từ 15/3-17h ngày 16/4 (thí sinh đang học lớp 12 nộp tại trường). Từ 17/4 - 17h ngày 23/4, nộp tại trường tổ chức thi. Đối với thí sinh tự do thì nộp theo quy định của Sở hoặc có thể nộp tại Bộ GD&ĐT.

- Thưa thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng, có thể giúp cho em biết một số điểm mới trong cấu trúc đề thi năm nay không? (Lê Thụy Khanh, 18 tuổi, Hà Nội)

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Cấu trúc đề thi năm không thay đổi so với cấu trúc đề thi năm ngoái. Các môn Văn, Toán, Sử, Địa thi theo đề tự luận, các môn Lý, Hóa, Sinh, ngoại ngữ thi theo đề trắc nghiệm. Các khối V, H, T, N, M, R, K thì thí sinh tham gia thi thêm các môn năng khiếu.

- Năm nay Bộ có mở thêm khối A1. Một số trường ĐH, CĐ đã thêm khối A1 nhưng vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy cho em hỏi nếu giữ nguyên chỉ tiêu mà tăng thêm khối thi A1 thì khối A có bị ảnh hưởng nhiều không? (Quốc Việt, 18 tuổi, Cẫm Mỹ, Đồng Nai)

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Đây là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Khi một trường đại học, cao đẳng tổ chức thi thêm khối A1 nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không tăng thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh (tỷ lệ chọi cao hơn) giữa các thi sinh trong khối A1 và trong khối A. Sự cạnh tranh này nhằm mục đích nâng cao chất lượng đầu vào và chọn được những thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo.

Việc bổ sung thêm khối thi A1, với các môn thi Toán, Lý, Anh văn, nhằm tạo thêm cơ hội để các trường chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu của ngành học, đặc biệt là yêu cầu về tiếng Anh. Bên cạnh đó, thí sinh cũng có nhiều cơ hội lựa chọn khối thi phù hợp với thế mạnh về học lực của mình hơn so với các năm trước. Như vậy, thí sinh thi khối A sẽ có thêm "đối thủ" cạnh tranh với mình, vì vậy cần hết sức lưu ý trong việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Theo thông tin tuyển sinh, nhiều trường dự kiến điểm chuẩn của khối A1 bằng khối A.

- Em thi khối D1 và khối A1. Vậy môn tiếng Anh của em sẽ thi thế nào? Thi theo đề khối D1 hay sao? (Cao Chánh Quốc, 18 tuổi, Đắk Lắk)

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Khối A1 và khối D1 thi 2 đợt khác nhau, đề thi khác nhau nhưng có cấu trúc giống nhau.

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tuyển sinh, Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM.

- Thưa các thầy cô trong ban tư vấn, em là học sinh lớp 12, em đã làm hồ sơ đăng ký dự thi khối A1, vậy các thầy cô cho em hỏi cấu trúc của đề Anh văn là như thế nào và độ khó có tương đương đề của khối D không? Và đề Toán và Lý có thi chung đề với khối A không? (Lê Ngọc Thiện, 17 tuổi, quận 9, TP.HCM)

Ban tư vấn: Chào em, khối A1 thi 3 môn gồm Toán, Lý, Anh văn đợt 1 cùng với khối A và V. Đề thi môn Toán và môn Lý giống đề thi khối A. Đề thi Anh văn có cấu trúc giống đề thi Anh văn khối D1.

- Em muốn hỏi là năm nay có thêm khối A1 thì điểm chuẩn khối A của những nhóm ngành kinh tế năm nay có khả năng tăng hay giảm so với năm trước? (Lương Huy, 17 tuổi, Đồng Nai)

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Việc bổ sung thêm khối thi A1 với các môn thi Toán, Lý, Anh văn, nhằm tạo thêm cơ hội để các trường chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu của ngành học, đặc biệt là yêu cầu về tiếng Anh. Bên cạnh đó, thí sinh cũng có nhiều cơ hội lựa chọn khối thi phù hợp với thế mạnh về học lực của mình hơn so với các năm trước. Như vậy, thí sinh thi khối A sẽ có thêm "đối thủ" cạnh tranh với mình, vì vậy cần hết sức lưu ý trong việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Theo thông tin tuyển sinh, nhiều trường dự kiến điểm chuẩn của khối A1 bằng khối A. Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc vào kết quả thi của thí sinh nữa. Vì vậy, nếu chọn khối thi nào, nên tập trung học, luyện tập cho thật tốt.

- Năm nay em muốn thi vào ĐH CNTT (ĐHQG), được biết hằng năm trường chỉ tuyển sinh khối A, vậy năm nay có bổ sung thêm khối A1 không? Các thầy có thể cho em biết rõ hơn việc áp dụng nhân hệ số cho các môn thi của trường? (Lưu Tâm, 18 tuổi, BRVT).

Ban tư vấn: Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 không bổ sung khối thi A1, chỉ tổ chức tuyển sinh khối A và sẽ nhân hệ số 2 cho môn Toán. Sau khi có kết quả thi, đối với những thí sinh có tổng điểm 3 môn thi cao hơn điểm sàn, trường sẽ tiến hành nhân 2 điểm môn Toán, cộng với điểm môn Hóa và môn Lý để xác định điểm trúng tuyển cho các ngành.

- Ban tư vấn cho em hỏi điểm chuẩn khối D năm nay có xu thế tăng hay giảm? (Mai Tùng Phương, 19 tuổi, Nghệ An)

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Điểm chuẩn được xây dựng tùy theo trường, theo nhóm ngành, theo ngành, phụ thuộc vào kết quả thi, trong đó, 2 yếu tố cơ bản là độ khó của đề thi và sự cạnh tranh của từng trường, nhóm ngành, ngành. Như vậy, ngoài việc, phạm vi ra đề nằm trong kiến thức THPT, tập trung lớp 12, rất khó có thể dự báo chung về điểm chuẩn của khối D. Em quan tâm đến ngành nào, trường nào, có thể tham khảo điểm chuẩn của ngành học đó trong 3 năm gần nhất, từ đó, có thể dự báo cho năm 2012.

Về điền mã ngành trong phiếu dự thi

Trong quá trình làm hồ sơ, nhiều thí sinh lúng túng vì không biết điền mã ngành như thế nào. Chính vì thế, các chuyên gia đã trả lời cặn kẽ về vấn đề này.

- Trong một bộ hồ sơ, có phần ghi tên ngành và chuyên ngành. Em tìm trong cuốn sách Những điều cần biết thì không có ghi chuyên ngành và tên ngành rõ ràng, mong thầy giải thích cho em biết. (Bùi Tuấn Đạt, 18 tuổi, 15/169/229 Miếu Hai Xã, Lê Chân, HP)

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Về việc điền thông tin ngành và chuyên ngành trong mục 2 của phiếu Đăng ký dự thi em cần lưu ý: Đối với những trường chỉ có ghi tên ngành mà không có chuyên ngành thì em chỉ ghi phần tên ngành. Còn những trường vừa có tên ngành vừa có chuyên ngành thì em phải ghi cả hai. Ví dụ trường Đại học Quốc tế, trong ngành Quản trị Kinh doanh thì có chuyên ngành Chương trình liên kết trường Đại học Nottingham.

- Em là thí sinh tự do, em đã nộp hồ sơ nhưng trong hồ sơ em quên viết tên ngành nhưng có viết mã ngành thì hồ sơ của em như vậy có hợp lệ không và em có phải làm lại hồ sơ không? (Đinh Công Tuấn, 19 tuổi, Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam)

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Nếu mã ngành đăng ký dự thi đã được ghi chính xác thì việc chưa ghi tên ngành không ảnh hưởng gì đến điều kiện dự thi của em. Chương trình tuyển sinh sẽ in tên ngành trên giấy báo thi - tương ứng với mã ngành đăng ký dự thi. Khi nhận được giấy báo thi, nếu thông tin không chính xác, em có thể điều chỉnh ngay tại buổi tập trung đầu tiên.

- Năm nay em định thi vào trường Đại học Luật TP.HCM, trong cuốn Những điều cần biết ghi ngành là luật học và không có chuyên ngành, như vậy khi em làm hồ sơ ĐKDT thì ở mục 2 chỗ chuyên ngành em có cần ghi chuyên ngành mà em muốn học không, hay là khi đỗ vào trường rồi mới bắt đầu chọn chuyên ngành? (Lê Phương, 18 tuổi).

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Việc ghi tên chuyên ngành chỉ áp dụng đối với các trường xây dựng điểm chuẩn theo chuyên ngành. Đối với trường ĐH Luật TP.HCM, phần chuyên ngành em để trống. Việc phân theo các chuyên ngành chỉ áp dụng sớm nhất sau khi kết thúc 3 học kỳ đầu.

Tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai đang trả lời trực tuyến.

- Năm nay em ghi hồ sơ mục ngành và chuyên nghành em có chút thắc mắc: Em lỡ ghi tên chuyên ngành trong khi ngành đó không phân chuyên ngành (cụ thể: trường ĐH Y dược Huế, em thi vào ngành Y đa khoa và ngành này không có phân chuyên ngành nhưng mà em đã ghi luôn vào mục chuyên ngành là Y đa khoa). Cái này do em tham khảo bạn nộp trước em, vậy như thế có sao không?

Em dự định thi ĐH Kinh tế Đà nẵng ngành Tài chính - Ngân hàng, nếu không đủ điểm vào ngành nhưng đủ điểm vào trường có được xét các ngành kia không? Em nộp 3 hồ sơ trong đó có 2 bộ thi ĐH khối A trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Đà Nẵng để sau này lựa chọn thi một trường thôi vì bây giờ em chưa dứt khoát được vậy có gì sai sót không? (sau này em thi 1 trường khối A thôi) (Nguyễn Xuân Huy, 19 tuổi, Gio Linh, Quảng Trị).

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Cô xin trả lời các câu hỏi của em như sau:

1. Việc lỡ ghi tên chuyên ngành trong hồ sơ ĐKDT không ảnh hưởng gì đến việc thi, xét trúng tuyển hết. Em an tâm.

2. Theo thông báo của ĐH Đà Nẵng: Điểm xét trúng tuyển cho toàn trường: Xét trúng tuyển theo ngành đào tạo căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng đăng kí dự thi của TS cho đến hết chỉ tiêu. Số trúng tuyển còn lại sẽ được nhà trường bố trí ngành đào tạo căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng mới của thí sinh khi đến nhập học. Như vậy, nếu không trúng tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng, sẽ được xét vào các ngành khác cho đến khi đủ chỉ tiêu.

3. Em làm các hồ sơ như vậy không có gì sai sót hết. Tuy nhiên, cô lưu ý, việc chọn ngành học nên theo sở thích nghề nghiệp của mình, không nên chỉ căn cứ vào điểm chuẩn và tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi so với chỉ tiêu.

- Em đang ôn thi lại đại học, em đã tốt nghiệp khối bổ túc văn hóa lớp 12 thì bây giờ em muốn thi đại học, thì trong mục trường em chọn như thế nào, cụ thể là em đã học ở trường Cao đẳng Kĩ thuật Lý Tự Trọng? (Kingkiller, 18 tuổi).

Chuyên viên ban Tư vấn Trần Từ Duy: Theo "Danh mục mã trường THPT, mã trường nghề và tương đương và đơn vị đăng ký dự thi 2012 của các tỉnh và thành phố" của Bộ GD&ĐT, em phải ghi mã tỉnh là 02 (TPHCM) và mã trường là 49 (THPT Lý Tự trọng).

Cũng xoay quanh việc làm hồ sơ đăng ký dự thi, các chuyên gia đã giúp thí sinh giải đáp những thông tin chưa chính xác mà các bạn nhận được. Như trường hợp bạn Tạ Thị Trúc My (17 tuổi, THPT Lê Hồng Phong, Đắk Lắk): "Em có thắc mắc về vấn đề hồ sơ tuyển sinh như sau. Có thông tin cho rằng không được viết số hai có móc, số bảy và số một không được gạch. Không biết có đúng không?"

Chuyên viên ban Tư vấn Trần Từ Duy đã trả lời câu hỏi của Trúc My như sau: theo quy định của Bộ GD&ĐT, trên hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần ghi rõ các thông tin trong phần chữ và phần số, đặc biệt lứu ý các mục về mã ngành, mã trường, khối thi. Chưa có thông tin về việc không được dùng các chữ số như bạn đã thắc mắc, do đó bạn chỉ cần lưu ý để ghi chính xác và đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Các chuyên gia trong buổi trả lời trực tuyến

Không hạn chế nguyện vọng

Một trong những điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay là không chỉ có nguyện vọng 2 và 3 như mọi năm, mà các trường được tự chủ tuyển sinh cho đến khi đạt chỉ tiêu (với điều kiện trên điểm sàn). Đây là điều giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong quá trình bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, một số thí sinh và người nhà đã hiểu nhầm rằng điều đó tương đương với việc chỉ tuyển sinh một lần và không có nguyện vọng nào tiếp theo. Các chuyên gia cũng đã giải đáp thấu đáo vấn đề này:

- Thưa tiến sĩ, tôi có em năm nay thi đại học. Tôi có đọc tin tức và nghe thông báo rằng năm nay sẽ không xét NV2. Như vậy tin có xác đáng không ạ? Và nếu như học sinh lỡ có sảy chân thì không được xét vào 1 trường khác sao? Và phải đợi đến năm sau để đi thi? (Bùi Trung Kiên, 22 tuổi, Tân Phú, Đồng Nai)

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ không quy định thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 như những năm trước. Điều đó gây hiểu lầm cho các thí sinh và gia đình. Thật ra, năm nay việc xét tuyển nguyện vọng 2 được tiến hành nhiều đợt và do các trường tự quy định, song sẽ kết thúc trước 31/11.

- Năm nay, bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy chế tuyển sinh mới, ví dụ như là mượn trường thi rồi có thể lấy điểm để qua một trường ưa thích để học tập. Vì vậy cho em hỏi bộ cải cách một số quy chế thi như vậy để giúp cho thí sinh hay là một lí do khác? (Nguyễn Đăng Tuấn, 18 tuổi, 8 Trịnh Phong, Nha Trang, Khánh Hòa).

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: "Năm nay việc xét tuyển nguyện vọng 2 được tiến hành nhiều đợt và do các trường tự quy định, song sẽ kết thúc trước 31/11"

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Căn cứ vào mục 5, điều 2 Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy: các trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển.

Theo đó, một số trường không tổ chức thi tuyển thường là các trường có điểm chuẩn không cao, chủ yếu là lấy bằng điểm sàn. Điều này giúp giảm chi phí tuyển sinh cho các trường, còn thí sinh được quyền lựa chọn một trường thuận tiện để dự thi (nếu trường thí sinh đăng ký không tổ chức thi).

- Em làm hồ sơ đăng ký thi ĐH vào ngành học lấy điểm chuẩn cũng khá cao theo sức của em, nhưng nếu thi số điểm đó thấp hơn ngành em đã đăng ký trong hồ sơ thi tuyển thí em vẫn có thể xét tuyển nguyện vọng 2 tại trường đó nữa không? Cho em hỏi thêm là sự khác nhau giữa việc xét tuyển theo nguyện vọng với làm hồ sơ ảo như thế nào? (Hoàng Nhung, 18 tuổi).

Thạc sỹ Trần Đình Lý: Trước hết, chúc mừng em có sức học khá tốt. Nếu em có số điểm thấp hơn ngành em đã đăng ký thì em vẫn có thể xét tuyển NV2 tại trường đó với điều kiện trường đó có xét tuyển NV2 và điểm của em không thấp hơn điểm tối thiểu để xét tuyển vào ngành đó. Sau khi tổng kết số lượng hồ sơ đăng ký xết tuyển Nv2, nhà trường sẽ duyệt phương án điểm chuẩn. Nếu hồ sơ nhiều và điểm của các hố sơ cao thì điểm chuẩn sẽ cao. Hồ sơ ảo là do một thí sinh nộp nhiều hồ sơ nhưng cuối cùng chỉ chọn một thôi nên phần còn lại sẽ ảo.

- Em ở Tiền Giang, em muốn thi vào ĐH Bách khoa TP.HCM, NV1 em muốn vào ngành Cao đẳng bảo dưỡng công nghiệp thuộc ĐH Bách khoa. Vậy em có thể mượn trường ĐH Tiền Giang để lấy điểm vào ngành BDCN của ĐHBK không? (Lương Hòa thiện, 18 tuổi, Châu Thành, Tiền Giang)

Ban tư vấn: Hệ Cao đẳng ngành Bảo dưỡng công nghiệp trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển kết quả của thí sinh đã dự thi khối A, A1 vào trường năm 2012 nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, có nguyện vọng chuyển sang học hệ cao đẳng. Do đó, em cần đăng ký thi vào hệ ĐH của trường theo quy định. Khi đến dự thi, em sẽ được trường hướng dẫn đăng ký nguyện vọng vào hệ cao đẳng ngành Bảo dưỡng Công nghiệp. Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) có tổ chức thi tuyển, vì vậy, em không thể mượn trường ĐH Tiền Giang để dự thi.

- Em học tại Quảng Nam và muốn thi vào một trường ĐH ở TP.HCM. Nếu thi theo cụm, em sẽ phải thi tại Qui Nhơn, nhưng em có nguyện vọng được trực tiếp vào TP.HCM để thi. Vậy em phải nộp hồ sơ ở đâu và vào thời điểm như thế nào? (Trần Nguyễn Thiện Hải, 18 tuổi, Quảng Nam).

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai: Trong hồ sơ đăng ký dự thi, mục 14 có nội dung "Thí sinh dự thi tại Vinh thi ghi V, tại Cần Thơ thì ghi C, tại Quy Nhơn ghi Q, tại Hải Phòng thi H vào ô ....". Nếu không dự thi tại cụm thì để trống. Vì vậy, nếu muốn dự thi tại TP.HCM, thì em không ghi gì vào mục này. Tuy nhiên, em cần lưu ý, đến thời điểm này, nhiều trường THPT đã kết thúc việc thu nhận hồ sơ. Vì vậy, em có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký dự thi tại các điểm thu nhận hồ sơ do Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương quy định hoặc trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ mà em muốn học, trong thời hạn từ 17/4 đến 23/4/2012.

Ngoài mục số 14, em cũng cần lưu ý các nội dung khác cũng cần hết sức chính xác, không bôi xóa trong hồ sơ.

- Nếu như em thi vào trường ĐH Sài Gòn, ngành Giáo dục tiểu học (hệ đại học) nhưng em không đậu. Vậy thì em có cần làm thêm một bộ hồ sơ để xét vào hệ cao đẳng hay không? Hay là sau khi thi xong em lấy phiếu điểm nộp thẳng vào trường ĐH Sài gòn luôn? Em có hỏi rất nhiều thầy cô nhưng mỗi người lại cho em một đáp án khác nhau. (Đoàn Ngọc Phương Trinh, 18 tuổi, 93A, ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, TP.HCM).

Ban tư vấn: Hy vọng việc từ "nếu" của em không xảy ra. Nhưng lỡ điều đó xảy ra thì em tuân thủ theo việc xét tuyển NV2 của ngành mà Trường ĐH Sài Gòn có xét tuyển. Việc xét tuyển này theo quy định của Bộ và quy định riêng của từng trường.

- Em đang là sinh viên năm 2 của ĐHBK Đà Nẵng, như em thì có thể chuyển sang khoa khác được không(sang khoa mà có điểm trúng tuyển thấp hơn năm em dự thi ĐH)?. Nếu em thi lại ĐH thì em có phải học lại các môn đại cương mà em đã học qua không? (Dương Trọng Vũ, 20 tuổi, Quảng Trị).

Ban tư vấn: Em có thể liên lạc với Phòng Đào tạo của trường ĐHBK Đà Nẵng trình bày nguyện vọng của mình để được thầy, cô hướng dẫn cụ thể. Nếu thi lại đại học, thì em cũng phải được sự đồng ý của nhà trường, có như vậy, các môn học đại cương mà em đã học và tích lũy được, mới được xem xét để chuyển đổi. Tuy nhiên, hiện nay, với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, người học có nhiều cách để có thể tốt nghiệp được bằng chính, bằng phụ. Vì vậy, nên liên hệ với phòng đào tạo hoặc cố vấn học tập để được giúp đỡ, hạn chế tối đa việc phải đi thi lại, học lại.

- Cho em hỏi mượn trường thi mà lỡ đâu mình đậu trường đó nhưng không muốn học mình được phép lấy điểm đó xét qua trường khác không? (Vũ Thị Minh Thùy, 18 tuổi, Đắk Lắk).

Ban tư vấn: Nếu em có nguyện vọng vào học các trường không tổ chức thi tuyển, em có thể đăng ký thi nhờ vào một trường có tổ chức thi. Khi làm hồ sơ ĐKDT, trong mục số 2, em ghi mã trường thi nhờ, khối thi, em có thể không cần ghi mã ngành. Trong mục số 3, em cần ghi rõ mã trường, mã ngành và khối thi của ngành em muốn vào học. Khi có kết quả thi, trường em đăng ký thi nhờ sẽ chuyển kết quả thi của em đến trường em ghi tại mục số 3. Do đó, em không thể đậu ở  trường thi nhờ (ghi tại mục số 2) mà chỉ được xét kết quả tại trường em có nguyện vọng vào học (ghi tại mục số 3). Khi đó, chỉ khi em không trúng tuyển vào trường, em mới được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các trường có tổ chức xét tuyển.

Thạc sỹ Trần Đình Lý

- Em muốn thi vào trường đại học Nông lâm nhưng nếu không đủ điểm thì có thể nộp hồ sơ vào Cao Đẳng của trường được không? (MaiDL, 18 tuổi, Đà Lạt).

Thạc sĩ Trần Đình Lý: Chào em (hy vọng thầy sẽ có cơ họi chào em vào dịp đón tân sinh viên của trường sắp tới). Thầy chưa biết em dự định thi vào ngành/chuyên ngành nào của trường (trường đào tạo 52 ngành/chuyên ngành) nhưng câu hỏi của em gắn liền với việc thi và xét tuyển của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cụ thể như sau: các ngành tuyển sinh bậc đại học  (tổ chức thi tuyển) còn bậc cao đẳng thì xét tuyển NV2,3... (xét tuyển bằng đề thi đại học). Thầy khuyên em là cứ tập trung thi đợt 1,2 cho tốt, sau khi có kết quả nếu đậu đại học thì rất tốt, nếu lỡ rớt mà điểm trên sàn (CĐ, ĐH) thì em sẽ sử dụng giấy chứng nhận kết quả để đăng ký xét tuyển NV2,3 theo quy định. Chúc em thi tốt và rất tốt.

Một số vấn đề về ưu tiên xét tuyển:

- Em có một câu hỏi như sau: thí sinh tự do vẫn được cộng điểm ưu tiên như những năm trước đúng không? (Linh Phi, 20 tuổi, Hà Nam).

Tiến sỹ Lê Thịnh Thanh Mai: Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, thí sinh tự do vẫn được hưởng ưu tiên theo quy định như sau:

Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm).

Nguyên tắc xây dựng điểm trúng tuyển: Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường), căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi, căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định, các trường sẽ xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển chung, theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo thích hợp. Như vậy, mức điểm chuẩn của các đối tượng ưu tiên sẽ thấp hơn so với các đối tượng không ưu tiên (nhiều thí sinh vẫn ngầm hiểu là cộng thêm).

- Em là thí sinh thuộc diện dân tộc thiểu số, được biết có thông tin xét tuyển đối với đối tượng này, nhưng hiện nay, em chỉ biết được yêu cầu xét tuyển của ĐH Ngoại thương, còn cụ thể với các trường khác thì hoàn toàn chưa có thông tin trong khi hiện giờ đã là tháng 4 rồi. Vấn đề này được giải quyết như thế nào, em rất hoang mang. (Hoàng Uyên, 19 tuổi, Tỉnh Bình Dương).

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Căn cứ theo khoảng 1, điều 33 Quy chế tuyền sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2012, nếu em là thí sinh thuộc diện dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị định số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét quyết định xét tuyển cho vào học.

Để biết thông tin tuyển sinh các đối tượng thuộc diện này, em cần truy cập website của các trường Đại học, Cao đẳng mà em quan tâm hoặc website của Bộ Giáo dục và Đạo tạo để theo dõi thông tin.

- Em tốt nghiệp PTCS (cấp 2), nay em muốn nộp đơn thi Trung học chuyên nghiệp hoặc Cao đẳng có được không? Ở TP.HCM có những trường nào tuyển sinh trường hợp của cháu? (Anh Minh, 17 tuổi, TP.HCM).

Tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai: Câu hỏi của em rất đặc biệt. Nếu tốt nghiệp PTCS, em có thể nộp đơn vào các trường trung cấp chuyên nghiệp có xét tuyển thí sinh tốt nghiệp PTCS. Còn đối với các trường ĐH, CĐ, theo Quy chế tuyển sinh, đối tượng dự thi : là người đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề (sau đây gọi chung là trung học); người đã tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Như vậy, với trường hợp của em chỉ có thể nộp đơn vào các trường trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sau thời gian học, nếu tích lũy đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT, thì em sẽ đủ điều kiện thi ĐH hoặc CĐ hoặc học liên thông.

- Năm nay em muốn thi Đại học CNTN - ĐHQG TP.HCM nhưng em người ở khu vực Hải Phòng khi thi vào trường thuộc ở TP.HCM thì được điểm cộng khu vực là bao nhiêu điểm và có được thi nhờ ở cụm thi Hải Phòng được không? (Nguyễn Anh Văn, 20 tuổi, Hải Phòng).

Chuyên viên ban Tư vấn Trần Từ Duy.

Chuyên viên ban Tư vấn Trần Từ Duy: Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh trong cả nước, vì vậy, khi em đăng ký thi vào trường ĐH Công nghệ Thông tin, em sẽ được hưởng tất cả các chế độ ưu tiên theo quy định về khu vực và đối tượng, cụ thể hơn em có thể xem quy định cụ thể tại cuốn Những điều cần biết về TS ĐH, CĐ 2012. Năm nay ĐHQG TP.HCM chỉ tổ chức 3 cụm thi Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh bên cạnh cụm chính tại TP.HCM.

- Em là sinh viên năm 2. Năm nay em muốn thi lại đại học nhưng được biết là muốn thi lại đại học em phải có giấy xin xác nhận được sự đồng ý của Hiệu trưởng nhà trường em đang học. Nhưng khi em xuống hỏi phòng tư vấn sinh viên thì được trả lời rằng: em thi đại học không cần giấy xác nhận gì, cứ nộp hồ sơ bình thường như thí sinh tự do. Em không có giấy xác nhận của hiệu trưởng thì sau này em thi đậu đại học muốn học trường mới thì có bị ảnh hưởng gì không? (Lê Tuấn Anh, 21 tuổi, Tô Lý, Phường Tân Chánh Hiệp, quận 12).

Thạc sỹ Nguyễn Việt Dũng: Căn cứ vào mục 2, Điều 5 quy chế tuyển sinh hệ đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 có ghi: Học sinh, sinh viên chưa được hiệu trưởng cho phép dự thi (bằng văn bản) là những người không đủ điều kiện dự thi. Như vậy, nếu em vẫn đăng ký và tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà không có xác nhận của hiệu trưởng của trường đại học, cao đẳng mà em đang học, kết quả đó sẽ không được công nhận.

Trong trường hợp nếu em ngưng học tại trường trước thời gian đăng ký tuyển sinh, thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

- Cho em hỏi học đại học sư phạm ra trường có thể dạy cấp 2 được không? (Mùa Xuân, 18 tuổi, Đà Nẵng)

Chuyên viên ban Tư vấn Trần Từ Duy: Theo quy định, nếu em tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm, em có thể tham gia giảng dạy tại các trường THPT, THCS, tuy nhiên, em cần phải tìm hiểu thông tin cụ thể về nhu cầu nhân lực địa phương để xác định cụ thể trường em có thể giảng dạy.

- Em có 2 quốc tích Pháp - Việt, hiện em đang học 1 trường THPT tại Việt Nam. Đối với trường hợp của em, thuộc diện ưu tiên số mấy? Vì em thấy chỉ có 7 diện ưu tiên trong hồ sơ thi đại học mà không có phần dành cho người có quốc tịch nước ngoài. Nếu người nước ngoài học ở trường thì học phí là bao nhiêu 1 năm? Hồ sơ cùa em bao gồm những gì? Em phải nộp ở đâu, Thời gian nộp là khi nào? Thời gian kiểm tra môn tiếng Việt và các môn năng khiếu là khi nào? (Clemence bui, 18 tuổi).

Tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai: Theo Quy chế tuyển sinh, thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét, quyết định cho vào học. Như vậy, em có thể liên hệ trực tiếp với trường dự định học để được hướng dẫn cụ thể.

- Trong công văn hướng dẫn làm hồ sơ ưu tiên tuyển sinh Đại học, Cao đẳng của Bộ giáo dục đã hướng dẫn là trong bộ hồ sơ ưu tiên tuyển sinh là một giấy đăng kí và bản sao giấy chứng nhận đạt giải, nhưng hiện nay Bộ vẫn chưa gửi giấy chứng nhận đoạt giải về trường em thì em phải làm thế nào để hồ sơ ưu tiên tuyển sinh của em đầy đủ và được chấp thuận? (Nguyễn Thị Phương Thảo, 18 tuổi, 25, Hòa Mĩ, Tây Lộc, thành phố Huế)

Tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai: Chúc mừng em đã đạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. Nếu chưa nhận được giấy chứng nhận đạt giải, em vẫn làm hồ sơ theo quy định, có thể nhờ Sở GD&ĐT làm giấy xác nhận cho em để hoàn chỉnh hồ sơ, hoặc em bổ túc giấy chứng nhận đạt giải ngay buổi tập trung của đợt thi.

- Trường ĐH KHTN TP.HCM năm nay có ngành thêm ngành mới là Kỹ thuật hạt nhân vậy cho em hỏi con gái thi vào ngành này được không? Có ưu đãi gì với ngành nghề này hay không? Ngành này có đòi hỏi trình độ tiếng Anh không? Nếu học chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân thì sẽ được làm việc ở đâu? (Nguyễn Ngọc Diễm, 18 tuổi, Bình Thuận).

Ban tư vấn: Ngành Kỹ thuật Hạt nhân trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) không hạn chế đối tượng tuyển, không đòi hỏi trình độ tiếng Anh, do đó em có thể đăng ký dự thi. Đây là một ngành học mới, sau khi tốt nghiệp ra trường có thể tham gia công tác giảng dạy ở các trường, các viện, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về hạt nhân, làm việc tại các trung tâm phân tích sử dụng phương pháp hạt nhân, các nơi có ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, an toàn bức xạ môi trường, các viện nghiên cứu hay lò phản ứng, nhà máy điện nguyên tử, các bệnh viện có sử dụng thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

- Em muốn thi hai khối cùng một trường thì nộp hồ sơ như thế nào? (Vũ Minh Hằng, 18 tuổi, 40/66 Chợ Cột Đèn, Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng)

Ban tư vấn: Nếu muốn thi hai hay nhiều hơn hai khối thi vào cùng một trường (hoặc nói rộng ra là em nộp bao nhiêu hồ sơ cũng được) nhưng khi thi thì em chỉ được thi mỗi đợt 1 khối thi thôi. Có lẽ em đang phân vân chưa biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu của em và có thể em chưa biết em phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào? Thầy có lời khuyên với em là hãy cân nhắc thật kỹ ngành mà mình thích và hợp (có thể trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp xem mình phù hợp lĩnh vực nào) sau đó em chọn khối thi nổi trội nhất của mình để vào được ngành mà em chọn, vì trong thực tế có những ngành được thi bằng nhiều khối khác nhau. Chúc em có sự định hướng đúng và hợp lý ngay từ đầu.

Thí sinh còn thắc mắc về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 có thể gửi câu hỏi đến địa chỉ email tuvan.tuyensinh@zing.vn, các chuyên gia sẽ tiếp tục giải đáp cho các bạn trên chuyên trang Tuyển sinh của Zing.

Ban tư vấn tuyển sinh

Theo Infonet.vn

Ban tư vấn tuyển sinh

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm