Ung thư buồng trứng là căn bệnh ác tính khiến nhiều phụ nữ tử vong. Ảnh: iStock. |
Theo New York Times, hiện nay, y học chưa có xét nghiệm sàng lọc chuẩn xác để phát hiện nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Vì vậy, các bác sĩ kêu gọi những phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh do di truyền cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng sau khi sinh con, thường là khoảng 40 tuổi.
Khuyến nghị của các tổ chức y học
New York Times đưa tin vào 25/1, một tổ chức nghiên cứu và vận động hàng đầu đã đưa ra khuyến nghị nêu trên. Điều này khiến nhiều phụ nữ ngạc nhiên. Bằng chứng khoa học cho thấy hầu hết ca bệnh ung thư buồng trứng bắt nguồn từ ống dẫn trứng chứ không phải buồng trứng. Do đó, Liên minh Nghiên cứu Ung thư Buồng trứng (O.C.R.A) đang kêu gọi đại đa số phụ nữ, kể cả những phụ nữ không có đột biến, nên phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng nếu họ đã sinh nở xong.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ loại bỏ các ống dẫn từ buồng trứng đến tử cung nhưng giữ nguyên buồng trứng. Buồng trứng sản sinh ra các hormone có lợi cho phụ nữ ngay cả khi về già. Nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương và rối loạn chức năng tình dục. Hơn nữa, giữ lại các cơ quan khỏe mạnh sẽ giảm tỷ lệ tử vong.
Đối với những người không có gene đột biến gây ung thư buồng trứng, họ có thể chỉ cắt ống dẫn trứng và giữ lại buồng trứng. Ảnh: iStock. |
Audra Moran, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của O.C.R.A., cho biết: “Ung thư buồng trứng là căn bệnh tương đối hiếm gặp nên thông thường, chúng tôi không cần phải khuyến cáo tất cả phụ nữ. Tuy nhiên, chúng tôi muốn những người có buồng trứng biết được rủi ro họ có thể gặp phải và biết hành động giúp họ ngăn ngừa ung thư buồng trứng”.
Lý do nên cắt ống dẫn trứng và/hoặc buồng trứng
Để đạt được mục tiêu đó, tổ chức bắt đầu cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm miễn phí tại nhà cho những phụ nữ đủ điều kiện, muốn tìm hiểu xem họ có mang đột biến gene như BRCA1 và BRCA2 hay không. 2 loại gene này khiến phụ nữ có nguy cơ cao mắc cả ung thư buồng trứng và ung thư vú.
Bà Moran cho biết những người trẻ mang gene đột biến có thể xem xét chỉ cắt ống dẫn trứng. Đây là phương pháp tạm thời để ngăn ngừa ung thư buồng trứng và tránh mãn kinh sớm đột ngột. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho người mang gene đột biến là cắt bỏ cả buồng trứng.
Trong khi phụ nữ mang đột biến BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng rất cao, phần lớn phụ nữ mắc ung thư buồng trứng đều không mang đột biến.
Những nỗ lực phát triển các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm ung thư buồng trứng đã thất bại nên phụ nữ cần có các biện pháp phòng bệnh chủ động hơn.
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn ở Anh cho thấy việc quét hình ảnh và xét nghiệm máu vẫn không thể phát hiện ung thư đủ sớm để cứu sống bệnh nhân.
Phụ nữ nên chú ý đến các triệu chứng như đầy hơi vì chúng có thể chỉ ra điều gì đó bất ổn trong cơ thể. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết không có bằng chứng nào cho thấy sự cảnh giác của phụ nữ vẫn không thể ngăn ngừa tử vong vì các triệu chứng thường xảy ra khi họ đã mắc bệnh.
Các dấu hiệu mơ hồ như đầy hơi, đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Ảnh: iStock. |
Hiệp hội Ung thư Phụ khoa, một tổ chức của các bác sĩ chuyên điều trị ung thư phụ khoa, đã tán thành nỗ lực mới của giới y học trong việc giúp xét nghiệm di truyền dễ tiếp cận hơn. Họ cũng ủng hộ việc thúc đẩy phụ nữ không có gene đột biến cắt bỏ ống dẫn trứng.
Tiến sĩ Stephanie Blank, Chủ tịch hiệp hội, cho biết: “Đây vẫn là một cuộc thử nghiệm nhưng nó dựa trên bằng chứng khoa học. Việc cắt bỏ các ống dẫn trứng không tốt bằng việc cắt bỏ cả ống dẫn trứng và buồng trứng. Dẫu vậy, điều đó vẫn tốt hơn là chỉ ngăn ngừa ung thư qua xét nghiệm".
Tiến sĩ Bill Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ (A.C.S.), nói thêm: “Đề xuất cắt bỏ ống dẫn trứng dựa trên rất nhiều dữ liệu thuyết phục. Những người đã phẫu thuật có tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn".
Ông nói thêm nếu nhìn vào khía cạnh sinh học, chúng ta nên gọi nó là ung thư ống dẫn trứng vì đó là nơi căn bệnh bắt đầu.
Sự nguy hiểm của ung thư buồng trứng
Theo A.C.S., ung thư buồng trứng đứng thứ 5 về số phụ nữ tử vong do ung thư. Căn bệnh này gây ra nhiều ca tử vong hơn bất kỳ bệnh ung thư nào ở hệ thống sinh sản nữ. Hàng năm, khoảng 19.710 phụ nữ ở Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng và khoảng 13.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này.
Căn bệnh này là một bệnh ác tính xuất hiện rất âm thầm và kết quả là nó thường được chẩn đoán ở giai đoạn rất muộn. Ung thư buồng trứng ít phổ biến hơn nhiều so với ung thư vú nhưng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân bị ung thư buồng trứng lại thấp hơn nhiều.
Tiến sĩ Blank cho biết ở những phụ nữ có đột biến gene BRCA1 và BRCA2, bác sĩ phẫu thuật thường cắt bỏ buồng trứng cũng như ống dẫn trứng. Phụ nữ có đột biến BRCA1 thường phẫu thuật ở độ tuổi 35-40. Độ tuổi phẫu thuật của người có đột biến BRCA2 là 40-45 tuổi. Lý do là vào thời điểm đó, nhiều phụ nữ đã hoàn thành việc sinh nở.
Nhưng những phụ nữ không có tiền sử gia đình rõ ràng về ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú có thể không biết họ mang các đột biến.
Monica Monfre Scantlebury, 45 tuổi, ở St. Paul, Minnesota (Mỹ), phát hiện ra mình có đột biến BRCA1 vào năm 2017, khi em gái (27 tuổi) của cô nhận chẩn đoán mắc ung thư vú và đã di căn. Mẹ của họ không có đột biến, điều đó có nghĩa là họ di truyền nó từ người cha đã mất. Bà của cô Scantlebury đã qua đời ở độ tuổi 40 vì bệnh ung thư vú và buồng trứng.
Trong khi tiền sử bệnh tim thường được nhiều gia đình quan tâm, ung thư ở phụ nữ lại ít được chú ý. Sau khi em gái qua đời vào năm 2020, cô Scantlebury đã cắt bỏ ống dẫn trứng cùng với một bên buồng trứng có vẻ chứa khối u.
Cô Monica Monfre Scantlebury đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật sau khi phát hiện ra mình mang đột biến gene làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú. Ảnh: New York Times. |
Cô ấy nói: “Tôi mới ngoài 40 tuổi và các bác sĩ quan tâm đến nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của tôi hơn là ung thư vú".
Vài ngày sau, cô nhận được cuộc gọi từ các bác sĩ nói rằng các tế bào được cho là tiền thân của ung thư buồng trứng dạng huyết thanh đã được tìm thấy ở một trong những ống dẫn trứng bị cắt bỏ của cô. Bà Scantlebury quyết định cắt bỏ tử cung và cổ tử cung cùng với buồng trứng bên phải còn lại.
Đó không phải là quyết định dễ dàng. Cô nói: “Tôi lựa chọn việc không có con ruột dù điều đó thật khó khăn. Sau phẫu thuật, tôi vẫn có nguy cơ bị ung thư vú".
Lời khuyên của chuyên gia
Tiến sĩ Dianne Miller, người đứng đầu các dịch vụ chữa trị ung thư phụ khoa ở British Columbia, cho biết việc cắt bỏ ống dẫn trứng trong khi bệnh nhân đã trải qua một cuộc phẫu thuật vùng chậu khác đã trở thành dịch vụ chăm sóc cơ bản ở đây.
Tiến sĩ Miller nói: “15 năm trước, các loại ung thư nguy hiểm cấp độ cao nhất và phổ biến nhất thực sự có nguồn gốc từ ống dẫn trứng chứ không phải buồng trứng. Ung thư ở ống dẫn trứng sau đó lây lan rất nhanh".
Theo tiến sĩ, thời điểm phụ nữ thấy các triệu chứng như đầy hơi hoặc đau bụng, đã quá muộn để cứu sống họ.
Bà Miller nói: “Nhiều loại ung thư có thể phòng ngừa được vì rất nhiều phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung, u xơ hoặc thắt ống dẫn trứng tại một thời điểm nào đó".
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng giảm nguy cơ ung thư vú là loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư buồng trứng. Ảnh: iStock. |
Trước đây, bác sĩ thường cắt bỏ buồng trứng trong quá trình cắt bỏ tử cung vì làm như vậy sẽ giảm nguy cơ ung thư vú và loại bỏ hoàn toàn khả năng bị ung thư buồng trứng.
Đối với phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cao, đó vẫn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng đối với những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng trung bình, bà Miller nói họ chỉ cần cắt bỏ ống dẫn trứng. Cách này giảm nguy cơ ung thư buồng trứng nhưng vẫn giữ buồng trứng nguyên vẹn để tiếp tục sản xuất một lượng hormone nhỏ hỗ trợ hoạt động của não và tim.
Tiến sĩ Miller nói: “Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, chúng tôi tập trung vào việc chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng nếu có thứ gì đó tốt hơn việc chữa khỏi bệnh ung thư, đó chính là phòng ngừa bệnh”.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.