Thông tin tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả giải trình tự gene của BN2229 (chuyên gia Nhật Bản tử vong tại Hà Nội) cho thấy trường hợp này nhiễm biến chủng nCoV nhóm 20C.
Chưa rõ mức độ tăng độc lực
Đây là lần đầu tiên chủng này xuất hiện ở Việt Nam. Chủng virus này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Srilanka, Đài Loan, Ấn Độ.
Theo ông Long, đây là chủng virus có tốc độ lây nhiễm không cao, nhưng hiện chưa rõ mức độ tăng độc lực. Bộ trưởng Y tế cho biết tại Hải Dương và Quảng Ninh, chủng virus lưu hành phổ biến hiện nay là biến chủng từ nước Anh. Tuy nhiên, ở Hải Dương cũng phát hiện ra một chủng của Nam Phi.
Nói thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết với chủng mới mà Bộ trưởng Y tế vừa công bố, Việt Nam đã ghi nhận 5 biến thể của Covid-19. Riêng Hải Dương có 3 biến thể.
“Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, không phải vì có vaccine mà chủ quan, buông lỏng. Dịch trong nước đã kiểm soát tốt nhưng không thể nói tuyệt đối không có mầm bệnh”, ông Đam nhấn mạnh.
Chuyên gia người Nhật Bản tử vong tại Hà Nội nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 nhóm 20C, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết vaccine Covid-19 từ nguồn của COVAX có khoảng 30 triệu liều. Với yêu cầu của COVAX, hiện chúng ta đáp ứng đầy đủ. Riêng yêu cầu về bồi thường thuộc Điều ước quốc tế, Bộ Y tế trình Thủ tướng và đề nghị cho phép thực hiện theo quy trình rút ngọn, ký sớm để có ngay nguồn vaccine.
“Chúng ta ký càng sớm càng sớm có nguồn COVAX. Trong tuần này, COVAX sẽ có thông báo chính thức về số lượng vaccine cho tất cả quốc gia trên thế giới. Chúng ta có tổng khoảng 30 triệu liều. Chúng tôi đang đàm phán với COVAX để trong năm 2021, cung ứng đầy đủ cho Việt Nam 30 triệu liều này”, ông Long nói.
Với vaccine của Astra Zeneca, ông Long cho hay trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với đơn vị này. Bộ Y tế sẽ mua của Astra Zeneca 30 triệu liều vaccine Covid-19. Bộ sẽ trình Chính phủ thực hiện theo Điều 26 Luật Đấu thầu và kết luận của Bộ Chính trị.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định việc này theo đúng quy định của pháp luật có liên quan đấu thầu. Đây là tình trạng đặc biệt khẩn cấp, càng mua sớm, chúng ta càng có vaccine tiêm sớm”, ông Long nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định “chắc chắn có 30 triệu liều vaccine của Astra Zeneca”.
Việt Nam cũng đang đàm phán để mua vaccine của Pfizer,. Theo ông Long, trước đây, chúng ta đã đàm phán nhưng thất bại. Thời gian gần đây, sau khi có kết luận của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế đang đàm phán với Pfizer và khả năng hãng này sẽ cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021.
“Tuy nhiên, có một số điều là phải bảo đảm nhiệu độ âm sâu khoảng -75 độ C và phải tiêm 5 ngày sau khi rã đông”, ông Long lưu ý. Đồng thời, bộ trưởng nhắc bài học kinh nghiệm của Mỹ khi phải hủy 50% vaccine Pfizer vì quy trình vận chuyển, rã đông, tiêm không thể đáp ứng được yêu cầu.
“Chúng ta huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam để có thể bảo đảm được. Như vậy, chúng ta sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine”, ông Long cho hay.
Ông khẳng định nếu tính theo lộ trình, năm 2021, Việt Nam bảo đảm không thiếu vaccine. Bộ Y tế đang tập trung, nỗ lực để triển khai tiêm. Đây sẽ là lần tiêm vaccine có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 811 người mắc Covid-19. Dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (628 bệnh nhân), Quảng Ninh (61), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (4), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2).
Hải Dương đang là "điểm nóng" với 6 cụm dịch lớn, gồm TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách, TP Hải Dương và mới nhất là huyện Kim Thành.
Tại TP.HCM, toàn bộ địa điểm bị phong tỏa của TP.HCM đã được gỡ bỏ, sau 12 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Hà Nội đã trải qua 8 ngày qua không ghi nhận trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 mới. Đồng thời, các F1 đang được cách ly tập trung cũng chưa có triệu chứng của bệnh, sức khỏe bình thường. Do đó, số lượng ca nhiễm liên quan khả năng sẽ dừng lại.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.