Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt chân tới Vũ Hán để tìm câu trả lời virus SARS-CoV-2 lây truyền từ động vật sang người như thế nào. Trong khi đó, “Bat Woman” Shi Zhengli của Trung Quốc tiết lộ trong một bài báo cho thấy nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ chồn.
Thêm căn cứ về nguồn gốc của virus
Theo Global Times, “người dơi” của Trung Quốc cũng cho rằng nguồn gốc virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ loài vật này và lây nhiễm sang người. Nữ chuyên gia kêu gọi các nhà nghiên cứu trên thế giới điều tra các mẫu từ động vật hoang dã khác để xác định thời điểm virus nhảy sang người.
Các nhà virus học Trung Quốc cho biết bài báo của bà Shi đã chứng minh bí ẩn về nguồn gốc SARS-CoV-2 cần được điều tra ở nhiều quốc gia, trên nhiều loài động vật. Cuộc điều tra của nhóm chuyên gia WHO ở Vũ Hán có thể không tìm ra nguồn gốc của virus nhưng sẽ đặt nền tảng tốt cho những phân tích sâu hơn tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh bài báo của bà Shi vẫn chưa xác định vật chủ trực tiếp chứa virus SARS-CoV-2 là chồn. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về trình tự gene của chúng trên chồn để xác định khả năng này.
Bà Shi là chuyên gia tại Viện Virus học Vũ Hán. Bà được mệnh danh là nữ “người dơi” của Trung Quốc với nhiều năm nghiên cứu về loài vật này và virus tồn tại trên nó. Shi Zhengli và Zhou Peng đã cùng nhau nghiên cứu, công bố bài báo có tiêu đề “Sự lây nhiễm SARS-CoV-2” trên tạp chí Science thời gian gần đây.
Chuyên gia nghiên cứu virus và dơi Shi Zhengli. Ảnh: Global Times. |
Nghiên cứu cho biết sau khi bùng phát dịch Covid-19 tại Vũ Hán, một nhóm đã báo cáo virus liên quan SARS trên dơi móng ngựa ở Trung Quốc, tê tê nhập lậu từ các nước Nam Á. Tuy nhiên, theo so sánh trình tự gene, không có mẫu nào trực tiếp là nguồn gốc của SARS-CoV-2, tác nhân gây dịch Covid-19.
Cụ thể, trước đó, các mẫu vật thu thập và lưu trữ từ sau khi dịch SARS năm 2003 bùng phát cho thấy virus dơi RaTG13 giống đến 96% với chủng gây ra Covid-19. Tuy nhiên, những thông tin này là chưa đủ.
Tháng 3/2020, nhóm nhà virus học Eddie Holmes, Andrew Rambaut và đồng nghiệp công bố giả thuyết trên tạp chí Nature cho thấy chưa đủ căn cứ để kết luận dơi là nguồn gốc lây truyền SARS-CoV-2 sang người. Bởi protein đột biến của nCoV có thụ thể liên kết dính vào ACE2 trong tế bào người, từ đó, xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, virus trên dơi không có thụ thể liên kết này.
Nhưng giới khoa học lại phát hiện nó trên tê tê Mã Lai. Ngay lập tức, nó trở thành vật bị tình nghi. Tuy nhiên, tê tê lại không được bày bán tại chợ hải sản Huanan.
Trong khi đó, theo WHO, tình trạng chồn hương nhiễm virus đã được ghi nhận tại 8 quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Pháp, Italy, Mỹ… Nghiên cứu cho biết hiện có rất ít bằng chứng về sự lây truyền SARS-CoV-2 từ động vật sang người. Ngoại trừ chồn, chúng ta hiện không có thêm kẻ tình nghi nào khác.
Nhóm tác giả đặt giả thuyết chồn mang virus, sau đó nhảy sang người trong nông trại, nhiễm vào các thực phẩm chín, sống khác và lan rộng. Dù vậy, nhóm cũng khẳng định cần phải làm thêm nhiều nghiên cứu khác để có thể khẳng định chắc chắn về điều này.
Bà Shi Zhengli cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ chồn và lây sang người. Ảnh: AFP. |
Thế giới từng lo ngại về chồn "zombie" tại Đan Mạch
Tháng 5/2020, Đan Mạch phải tiêu hủy hàng triệu con chồn vì phát hiện 214 trường hợp người nhiễm biến chủng virus có liên quan động vật này. Theo thông tin của WHO, biến chủng này có chứa các đột biến virus chưa từng ghi nhận trước đó.
Sau đó, WHO đã thực hiện một cuộc điều tra chính thức để tìm hiểu về các loài có khả năng lây virus cho con người và liệu có ổ chứa virus lâu dài nào trước khi dịch bệnh bùng phát hay không. Trong phân tích công bố hồi tháng 7/2020, các nhà khoa học cho biết: “Các nghiên cứu về tính nhạy cảm (với SARS-CoV-2) được thực hiện ở một số quốc gia đã chỉ ra rằng mèo nhà, chồn sương, chuột hamster và chồn vizon đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh. Mèo có thể nhiễm virus và truyền cho đồng loại".
Trong số hơn 100 con mèo ở Vũ Hán được xét nghiệm, có gần 14% được xác định dương tính với virus. Đặc biệt là sự kiện chồn sương nhiễm virus hàng loạt tại 6 quốc gia gồm Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italy, Mỹ. Nó đã khiến nhiều quốc gia mở cuộc "thanh trừng", tiêu hủy hàng chục triệu con.
Nhóm chuyên gia quốc tế từ WHO tới Vũ Hán điều tra nguồn gốc virus có thể cung cấp những thông tin mới về điều này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, câu trả lời vẫn là một bí ẩn và chúng ta chỉ có thể chờ đợi.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.