Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gian lận thi cử, nâng đỡ hụt em vợ chúa Trịnh Doanh

Thời phong kiến xảy ra nhiều chuyện gửi gắm, nâng đỡ con em nhà quyền thế trong các kỳ thi, nhưng cũng có vụ “nâng đỡ nhầm” khiến người trong cuộc dở khóc dở cười.

Đó là sự việc liên quan người nhà bà chính phi của chúa Minh Đô Vương Trịnh Doanh, là Trịnh Thị Ngọc Vinh. Chuyện được tác giả Phạm Đình Hổ viết trong tập bút ký Vũ trung tùy bút, ghi lại những câu chuyện nổi tiếng trong xã hội diễn ra cuối thời Lê đến đầu thời Nguyễn.

Bà chính phi người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân), Thanh Hóa, có người em tên Mậu Dĩnh vốn là kẻ tầm thường. Muốn cho em mình được dự vào hàng văn thân nên đến kỳ thi Hội năm đó, bà đã mật bảo kẻ lại phòng chuyên làm nhiệm vụ trong trường thi tìm quyển của Mậu Dĩnh đánh dấu để giám khảo biết.

Tieu cuc thi cu anh 1
Tranh vẽ thi cử ngày xưa. 

Cẩn thận hơn, bà phi lại dặn quan giám khảo nội trường (là những quan trực tiếp chấm bài, trường thi còn có các quan ngoại trường là ngự sử để giám sát) phải để ý tâng bốc cho em mình, nếu thấy bài thi kém lắm không lấy đỗ được thì đợi khi có chỉ của nhà chúa mở rộng đường cầu hiền, phải đem quyển ấy dâng trình để… khỏi bỏ sót nhân tài.

Năm đó, Mậu Dĩnh cũng lọt qua được ba trường thi đầu, đến kỳ đệ tứ xong rồi, bao nhiêu quyển thi trúng cách đều đem tiến trình cả, nhưng quyển của Mậu Dĩnh vẫn không có trong số ấy.

Bà phi bèn xin với chúa Trịnh Doanh rằng: "Việc thi cử mà cứ lấy mực thước làm hạn, sợ không được rộng. Xin chúa cho lấy những quyển văn chương uẩn súc đem tiến trình, để thiếp rút lấy một quyển cho rộng đường cầu lấy nhân tài".

Chúa cũng nể ý bà phi nên truyền cho các quan giám khảo đem những quyển được đánh giá là có văn hay nhưng chưa đạt mức đỗ lên trình cho bà phi rút. Bà phi nhắm vào quyển đã được kẻ lại phòng đánh dấu mà rút lấy, rồi lui vào bảo kẻ cung giám báo tin cho Mậu Dĩnh cứ việc… sửa soạn tiệc ăn mừng.

Đến khi dán quyển lại để yết bảng, tên người được đỗ “vớt” hóa ra lại là Võ Huy Dĩnh. Bà phi lấy làm lạ mới hỏi kẻ lại phòng. Kẻ lại phòng thưa rằng: "Khi nhận lời quý phi dặn, tâm thần hoang mang, nhớ không được rành, khi soạn quyển chỉ nhớ dặn tên Dĩnh, nên đem quyển ấy đánh dấu, không ngờ lại hóa ra nhầm lẫn".

Bà phi than thở, lấy làm lạ. Tác giả Phạm Đình Hổ cho rằng đây là chuyện “học tài thi phận”, có khi thi đỗ cũng là nhờ may mắn.

Tuy nhiên hiện nay, tra tên ở các bia tiến sĩ thời Lê không thấy có tên Võ Huy Dĩnh, chỉ có tên Vũ Huy Đĩnh (1730-1789), quê ở đất học là làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Ông Vũ Huy Đĩnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Tuất (1754) dưới triều vua Lê Hiển Tông, cũng là thời chúa Trịnh Doanh trị vì (1740-1767).

Về chữ Hán, chữ Dĩnh và chữ Đĩnh viết khác nhau nên cũng khó có chuyện chép nhầm tên hai ông. Có lẽ tác giả Phạm Đình Hổ cố tình viết tên khác đi như vậy chỉ để ghi lại một giai thoại hiếm có về chuyện tiêu cực trong lịch sử trường thi mà thôi.

Hai bản án tử vì sửa bài thi trong lịch sử Việt Nam

Cao Bá Quát, Ngô Sách Tuân nhận án tử khi vi phạm trường quy. Sau này, Cao Bá Quát được tha tội chết nhờ "do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác".


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm