Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện về người chép bài cho nữ sinh gãy tay

Phòng thi chỉ có một thí sinh nhưng hai giám thị phục vụ, một “thư ký” chép bài cộng với máy ghi âm luôn mở chế độ thu đặt sẵn trên bàn.

Đó là phòng thi đặc biệt mang số 0832 tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, do Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM chủ trì.

Thí sinh đặc biệt đó là em Lê Ngọc Thanh Vy, sinh năm 1998, học sinh trường THPT Phú Nhuận, TPHCM. “Thư ký” là tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi Huỳnh Như Ngọc, sinh viên năm 2 ngành Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Cách đây 2 tuần, trên đường đi học về, Vy bị té xe. “Trong lúc ngã, em chống tay xuống đường, dẫn đến chấn thương. Bác sĩ dự kiến phải mất 1 tháng mới tháo bột ở tay”, Vy kể.

Nữ sinh cho biết, kỳ thi này, em đăng ký 5 môn gồm Toán, Văn, Anh văn, Hóa và Sinh học để xét tuyển khối B và D. Kết thúc năm học vừa qua, Vy đạt danh hiệu học sinh khá nên tâm lý cũng khá thoải mái.

Còn Huỳnh Như Ngọc, sau khi kết thúc kỳ thi, vẫn chưa hết bất ngờ về việc được làm “thư ký” chép bài cho thí sinh. Ngọc kể, trưa 30/6, khi đang ngồi trực ở điểm Tiếp sức mùa thi thì điện thoại của bạn đội trưởng reo lên. Sau đó, bạn ấy thông báo có thí sinh bị gãy tay, cần người viết chữ đẹp để chép bài cho nên Ngọc xung phong nhận lời.

Thi sinh gay tay anh 1
Do bị gãy tay, Vy phải nhờ Ngọc làm “thư ký” chép bài trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tiền Phong.

“Khi nhận nhiệm vụ, em vừa mừng vừa lo vì đây là lần đầu tiên làm việc đặc biệt thế này, một cảm giác như được thi lại đại học. Tối hôm đó, khi về phòng trọ, em còn phải lấy vở ra tập viết cho chữ tròn nét, rõ ràng”, Ngọc nói.

Sáng 1/7, buổi thi đầu tiên của kỳ thi là môn Toán, thời gian 180 phút. Vy và Ngọc được bố trí một phòng dự bị nằm ở tầng 2. Em vào phòng thi cùng hai giám thị và được bố trí ngồi ở giữa phòng, không khí khá tĩnh lặng so với những phòng thi khác.

Ngọc kể, do vào phòng thi muộn, nghe phổ biến quy chế “đặc biệt” của phòng thi nên hai người chỉ mới hỏi được nhau vài câu làm quen. Điều mà cả hai được các giám thị lưu ý nhất là tuyệt đối không được trao đổi, thảo luận. Vy đọc còn Ngọc chép.

Trống đánh, sau khi phát đề thi, giám thị bật máy ghi âm. “Môn Toán, Vy đọc em viết, vẽ đồ thị thì Vy dùng tay trái vẽ trên giấy nháp rồi em vẽ lại vào bài thi”, Ngọc kể.

Thí sinh mổ ruột thừa vẫn cố gắng đi thi

Dù phải mổ ruột thừa lúc 0h ngày 4/7, chiều cùng ngày, Nguyễn Huy Hoàng (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn cố gắng làm bài thi Sinh học.

Đến hai môn Anh văn và Ngữ văn, Ngọc không còn cảm giác run mà quen với không khí phòng thi. Đặc biệt môn Văn, Ngọc cho biết có nhiều cảm xúc.

“Nhiệm vụ của em là chỉ được chép theo lời của Vy, đoạn nào không hiểu hoặc nghe không kịp thì hỏi lại chứ tuyệt đối không được trao đổi nên nhiều lúc em rất khó chịu, cảm giác như muốn làm người đi thi chứ không muốn là người chép bài hộ”, Ngọc kể.

Nữ sinh cho biết nhiều lần muốn thốt lên câu “Vy ơi, cho Ngọc viết câu nhé!” bởi thật sự lúc ấy em như nhập tâm vào bài thi.

Tuy nhiên, cuối cùng Vy cũng kết thúc kỳ thi và Ngọc hoàn thành nhiệm vụ. Một nhiệm vụ có thể là "có một không hai" của Ngọc trong suốt hành trình làm sinh viên tình nguyện của mình.


http://www.tienphong.vn/giao-duc/chuyen-ve-thu-ky-chep-bai-cho-nu-sinh-bi-gay-tay-1023968.tpo

Theo Nguyễn Dũng/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm