Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Clip 15 giây của TikTok lan truyền thử thách chết chóc

Trò cũ bị dẹp thì trò mới lại xuất hiện, TikTok giống như vòng lặp không hồi kết của những thử thách nguy hiểm, thậm chí gây chết người và ảnh hưởng xấu đến tâm lý giới trẻ.

Lao ra phía trước xe tải đang chạy trên đường, nếu khiến phương tiện dừng lại trước khi tông trúng người thì thành công. Đó là cách nhiều thanh thiếu niên Indonesia tham gia thử thách “thiên thần của cái chết” (angel of death challenge) trên TikTok.

Theo Insider, ít nhất 2 người trẻ thiệt mạng vì trào lưu này và nhiều trường hợp bị chấn thương nặng.

Trao luu doc hai tren TikTok anh 1

Thử thách chặn đầu xe tải là xu hướng độc hại mới nhất trên TikTok. Ảnh: About Tangerang.

Đây chỉ là một trong số thử thách chết chóc lan truyền trên nền tảng chia sẻ video ngắn có hàng tỷ người dùng, chủ yếu trong độ tuổi 16-24.

Từ những điệu nhảy bắt trend và hát nhép ban đầu, TikTok cũng trở thành nơi sinh sôi của hàng loạt xu hướng nguy hiểm khi thanh thiếu niên tự đặt mình vào nguy hiểm dưới sự cám dỗ của danh tiếng ảo.

Một nghiên cứu được TikTok thực hiện vào cuối năm ngoái cho thấy hơn 30% người trẻ cho rằng các xu hướng chứa “một số rủi ro”, trong khi 14% mô tả là “nguy hiểm”, theo Adelaide Now.

Đầy rẫy trào lưu độc hại

Tháng 3 vừa qua, các bậc phụ huynh ở Australia cảnh báo về thử thách “thổi ngón tay cái” (thumb blowing challenge). Theo đó, nhiều người dùng TikTok, chủ yếu là trẻ em, quỳ xuống đất và hít vào thật sâu trước khi bật dậy rồi thổi phồng miệng với ngón tay cái ngậm chặt bên trong.

Thử thách nhằm đạt được cảm giác hưng phấn do thiếu oxy lên não, nhưng có thể gây ra hậu quả đáng sợ như co giật, tăng thông khí hoặc bất tỉnh, theo nine.com.au.

Trong số vụ việc được ghi nhận, một cậu bé 12 tuổi ở Anh hôn mê suốt 36 tiếng sau khi bị ngã và đập đầu khi thực hiện thử thách. Một cậu bé 13 tại thành phố Sydney (Australia) cũng phải nhập viện vì cú ngã đập đầu vào cột kim loại với lý do tương tự.

Năm ngoái, thử thách “ngạt thở” (blackout challenge), vốn không mới trên mạng xã hội, hot trở lại nhờ TikTok. Tương tự “thổi ngón tay cái”, nó khuyến khích người tham gia tự làm mình ngạt thở cho đến khi bất tỉnh.

Chỉ trong vòng 12 tháng, thử thách này liên quan đến cái chết của 4 trẻ em ở Mỹ, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ tại nhiều quốc gia về những nội dung độc hại mà con cái họ có thể đang theo dõi trên mạng.

Tháng 5 vừa qua, một bà mẹ ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) kiện TikTok và công ty mẹ ByteDance vì lan truyền thử thách “ngạt thở” khiến con gái 10 tuổi của cô tử vong sau khi làm theo.

Trao luu doc hai tren TikTok anh 2

Joshua Zeryihu (Mỹ) qua đời ở tuổi 12 sau khi dùng dây giày tự siết cổ mình theo thử thách “ngạt thở” vào tháng 3/2021. Ảnh: People.

Tháng 5/2021, một cô bé 13 tuổi ở tiểu bang Oregon (Mỹ) được đưa tới phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) với vết bỏng độ 3 sau khi tham gia thử thách “gương lửa” (fire mirror challenge) của TikTok. Theo đó, người tham gia phun chất lỏng dễ cháy lên gương rồi châm lửa.

“Đây có lẽ là một trong những điều nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy bất kỳ ai làm trong đời”, lính cứu hỏa Rob Garrison ở Portland, Oregon cho biết.

Thử thách “thùng sữa” (milk crate challenge), chất các thùng sữa chồng lên nhau và cố gắng đi qua, lan truyền trên TikTok vào năm ngoái cũng được cảnh báo là nguy hiểm. Các chuyên gia y tế cảnh báo nó có thể dẫn đến thương tích như gãy cổ tay, trật khớp vai, đứt dây chằng chéo trước gối, rách sụn chêm, cũng như các tình trạng đe dọa tính mạng như chấn thương tủy sống cho người tham gia.

Trước đó, thử thách “benadryl” (benadryl challenge), thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác, cũng từng được chuyên gia y tế cảnh báo.

“Giống như bất kỳ loại thuốc nào, lạm dụng hoặc sử dụng sai cách có thể dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng với hậu quả kéo dài, thậm chí đe dọa tính mạng. Thử thách này, bao gồm việc uống quá nhiều diphenhydramine, là xu hướng nguy hiểm và cần dừng lại ngay lập tức”, nhà sản xuất benadryl Johnson & Johnson từng nói.

Trao luu doc hai tren TikTok anh 3

Thử thách “thùng sữa” khiến nhiều người nhập viện vì chấn thương. Ảnh: The Black Walls Street Times.

Trước làn sóng chỉ trích đối với hàng loạt trào lưu, thử thách độc hại trên nền tảng, TikTok thực hiện các bước nhằm ngăn chặn nội dung nguy hiểm theo nguyên tắc cộng đồng, nhắm mục tiêu vào “hành vi nguy hiểm”, “rối loạn ăn uống” và “tư tưởng thù địch”.

Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nói đến các xu hướng nguy hiểm trên TikTok. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi thử thách đáng lo ngại tiếp theo xuất hiện trên nền tảng, theo Dexerto.

Hạnh phúc hơn khi xóa ứng dụng

Theo WAFF, các video dài 15, 20 hoặc 30 giây khiến người trẻ bật cười nhưng còn có thể ảnh hưởng đến não bộ theo nhiều cách.

TS David Barnhart, cố vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng tại Behavioral Sciences of Alabama (Mỹ), cho biết tất cả nền tảng mạng xã hội đều có thể tác động đến cách nhìn nhận của một người về bản thân. Tuy nhiên, người dùng TikTok xem hàng chục video trong vòng vài phút, kích thích các mạch gọi là hệ thống khen thưởng trong não. Họ có thể bị nghiện ứng dụng và tìm kiếm sự kích thích liên tục.

Ngoài làm trầm trọng thêm sự căng thẳng, người dùng trẻ thường xuyên tiếp xúc với các video TikTok gây bất mãn về cơ thể, lo lắng về ngoại hình, nghiện tập thể dục... có thể bóp méo quan điểm về bản thân.

Theo New York Post, nhiều người thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2010) dán mắt vào điện thoại để lướt mạng xã hội nhưng một số đang có xu hướng chống lại những nền tảng mà họ là “độc hại” và “ám ảnh” như TikTok.

“Sau khi xóa ứng dụng, tôi nhận ra rằng mình không cần nó”, Gabriella Steinerman (20 tuổi), sinh viên chuyên ngành Kinh tế ở Mỹ, nói. Cô xóa cả TikTok lẫn Instagram vào năm 2019 và lập tức cảm thấy nhẹ nhõm.

Trao luu doc hai tren TikTok anh 4

Thế hệ Z đang rời xa mạng xã hội vì những tác động “độc hại” của nó. Ảnh: Entrepreneur.

Manny Srulowitz (21 tuổi, đến từ New York) cũng xóa TikTok vào năm 2020 vì không muốn lãng phí thời gian của bản thân.

“Việc hình ảnh, âm thanh thay đổi liên tục thực sự gây khó chịu. Tôi thấy việc xóa TikTok rất dễ dàng chỉ vì nó thật sự phiền phức”, anh nói.

Srulowitz cho biết việc dành ít thời gian hơn cho mạng xã hội không có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của mình. Ngoài giờ học, chàng trai thường xuyên đi chơi với bạn bè và không hề cảm thấy FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ).

Dù vậy, TS David Barnhart cho biết việc loại bỏ hoàn toàn ứng dụng không phải là câu trả lời. Thay vào đó, điều chỉnh việc sử dụng là chìa khóa để tránh cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần.

Do phần lớn người dùng của TikTok là giới trẻ, Trent Ray, đồng sáng lập Dự án An toàn Mạng của Australia, khuyên cha mẹ cần tương tác cởi mở với con cái của họ về nội dung mà chúng đang xem trên nền tảng.

Phụ huynh có thể theo dõi các bình luận và tin nhắn trực tiếp, đồng thời đặt giới hạn thời gian sử dụng TikTok của con thông qua tính năng ghép nối gia đình.

“Những thử thách độc hại trên TikTok có thể xuất hiện nhanh chóng. Vì vậy, đối với các bậc cha mẹ, điều quan trọng là phải thường xuyên trò chuyện với con cái để hiểu rõ hơn về những gì chúng tiếp xúc trực tuyến. Người lớn nên đưa ra các xu hướng phổ biến và yêu cầu con cái đánh giá nghiêm túc những rủi ro hoặc tác hại liên quan đến việc tham gia. Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con cái báo cáo nội dung không phù hợp trên nền tảng”, Ray khuyến cáo.

Thử thách chặn đầu xe tải gây chết người của TikTok

Ít nhất 2 người trẻ Indonesia đã thiệt mạng khi lao ra chặn đầu xe tải đang chạy theo thử thách “thiên thần của cái chết” (angel of death), theo Insider.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm