Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Có cần thiết chi tiền triệu cho con học tiền tiểu học?

Trước thềm chuyển cấp, phụ huynh sốt sắng thậm chí chi hàng triệu đồng cho con theo học lớp tiền tiểu học vì sợ con lên lớp 1 không theo kịp các bạn.


chi tien trieu cho con hoc tien tieu hoc anh 1

Một tuần 3 buổi, cứ 17h sau khi đón con từ trường mẫu giáo về, chị A.H. (Hà Nội) lại đưa con gái đến lớp dạy tiền tiểu học gần nhà. Bé Su (tên ở nhà của con gái chị A.H.) học đến 19h mới được mẹ đón về. Vì ở ngoại thành, con lại học theo lớp 10 bạn, học phí mỗi buổi chỉ 30.000 đồng.

Cùng chung lo lắng với chị A.H., chị N.T.T.H. (Hà Đông) cũng cho con gái 5 tuổi đi học tiền tiểu học, giáo viên một kèm một. Chị đăng ký cho con học khóa 40 buổi, mỗi tuần 4 buổi, mỗi buổi 200.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng, chị chi 3,2 triệu đồng cho con đi học. Tuy nhiên, chị thấy học phí này là hợp lý. Theo chị tìm hiểu, một số lớp thu phí đến 300.000 đồng/buổi.

Lo lắng con không theo kịp

Chị A.H. cho biết theo chương trình mầm non, trẻ không học đọc, học viết chữ trước nhưng có các hoạt động buổi chiều để làm quen với việc cầm bút, làm quen chữ số và mặt chữ. Nhưng cả năm học vừa rồi, do dịch bệnh, bé Su không được đến trường, thường xuyên làm bạn với TV. Đến giờ, con gần như quên cách cầm bút.

Thêm việc được ở nhà nhiều, thoải mái vui chơi, đến khi ngồi vào bàn, bé mất tập trung, chỉ học được 5 phút là chán. Chính vì vậy, chị cho con đi học lớp tiền tiểu học, tiếp xúc làm quen với sách vở và học các kỹ năng trên.

Đi học lớp tiền tiểu học là vậy nhưng những buổi tối còn lại, con không đi học, chị A.H. vẫn kèm thêm con học khoảng một tiếng mỗi tối.

“Năm vừa rồi, các con nghỉ dịch dài, nếu ở trường vẫn học như mọi năm, tôi lo khi vào lớp 1, con học theo chương trình sách giáo khoa mới sẽ rất nặng. Nếu không được làm quen dần, con đi học sẽ vất vả, học nặng dẫn đến con sợ học”, chị A.H. lo lắng.

chi tien trieu cho con hoc tien tieu hoc anh 2

Cả năm học vừa rồi, do dịch bệnh, bé Su không được đến trường, thường xuyên làm bạn với TV nên gần như quên cách cầm bút, thiếu tập trung khi học. Ảnh: NVCC.

Khác với chị A.H., thay vì cho con theo học các lớp tiền tiểu học như các bạn trong lớp, chị T.T. (Hà Đông) lại dẫn con trai tham gia các trải nghiệm, vui chơi bên ngoài để con có các khám phá mới. Chị chỉ cho con học trên trường mầm non và kèm thêm con ở nhà khi con thực sự muốn học.

Giải thích về việc này, chị T. cho rằng con đang là tuổi chơi và thích khám phá, nếu ép con học nhiều, con sẽ học trong tâm thế chán nản và sợ học. Thực tế, chị nhận thấy sau khi tham gia nhiều hoạt động bên ngoài, con vẫn tiếp thu nhanh, không bị mất tập trung. Bên cạnh đó, chị nghĩ nếu học tiền tiểu học, con học trước, khi lên lớp 1, có thể con sẽ chủ quan khi học.

“Tôi không muốn áp lực con việc học hành, chỉ cần cuối năm học, con biết đọc, biết viết là được”, chị T. tâm sự.

Không đồng ý với chị T.T., chị N.T.T.H. đã tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định chi 3,2 triệu đồng mỗi tháng cho con học tiền tiểu học. Chị cho biết khi tham gia lớp tiền tiểu học, con gái chị được cô dạy bảng chữ cái, bảng vần, bảng phụ, các số 1-10 và phép cộng trừ trong phạm vi 10.

Chương trình học tiền tiểu học mà con chị theo học chỉ dựa trên các kiến thức của lớp 1, không học theo SGK lớp 1, chủ yếu để con làm quen với việc học và các kỹ năng cần có. Chính vì vậy, chị cho rằng con sẽ không chủ quan vì được học trước chương trình.

“Không cô giáo nào ép các con đi học, tất cả vì phụ huynh có nhu cầu. Học tiền tiểu học sẽ là bước đệm để con tự tin vào lớp 1, nhất là khi cả năm học vừa rồi, con nghỉ dịch rất dài”, chị N.T.T.H. chia sẻ.

Học tiền tiểu học có thể khiến trẻ chủ quan

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Hà, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội, tiền tiểu học là giai đoạn trước khi trẻ bước vào lớp 1, thường là các bé 5 tuổi.

Khoảng thời gian này là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình quan trọng với cuộc đời của mỗi trẻ. Đây là lúc các con rời xa vòng tay cha mẹ để khôn lớn, trưởng thành hơn. Con sẽ tự mình đối mặt với nhiều điều mới lạ. Nhiều bé khó tránh khỏi những điều bỡ ngỡ, rụt rè lúc ban đầu.

Việc trang bị cho bé một tinh thần tốt, kiến thức vững chắc trong giai đoạn này rất cần thiết. Vì vậy, phụ huynh nên đồng hành và hỗ trợ bé thêm vững vàng hơn.

chi tien trieu cho con hoc tien tieu hoc anh 3

Việc trang bị cho bé một tinh thần tốt, kiến thức vững chắc trong giai đoạn trước khi vào lớp 1 là rất cần thiết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Việc học các lớp tiền tiểu học có cần thiết với trẻ hay không dựa trên đánh giá của phụ huynh về phương pháp nuôi dạy con mà cha mẹ đang áp dụng. Nếu có phương pháp giáo dục tốt, phụ huynh không cần cho con tham gia lớp tiền tiểu học vì cha mẹ mới chính là người thầy đầu tiên của trẻ.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ không có thời gian, phương pháp tốt, cảm thấy con học ở mầm non không đủ, việc cho con tham gia các lớp tiền tiểu học phù hợp với năng lực của con là việc có thể làm. Nhưng học tiền tiểu học chỉ được dừng lại ở việc cho con làm quen, ôn lại những gì đã học ở mầm non chứ không được học trước.

Cùng quan điểm này, bà Cao Thị Bích Thúy, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Phúc Lâm, Hà Nội cho biết theo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh lớp 1 được làm quen, nhận biết các chữ cái, chữ số ở bậc mầm non.

Khi lên lớp 1, những tuần đầu, các con vẫn được học các chữ cái, các nét cơ bản rồi mới học đến các phần vần. Chính vì vậy, phụ huynh không cần quá lo lắng các con không theo kịp chương trình.

"Việc học các lớp tiền tiểu học không quá cần thiết, thậm chí có thể gây phản tác dụng nếu các con được học trước chương trình", bà Thúy nhận định.

Theo bà Thúy, việc các con học ở lớp tiền tiểu học có thể khiến các con chủ quan hoặc khó uốn nắn khi vào lớp 1 nếu phương pháp giảng dạy ở lớp tiền tiểu học không đúng. Chưa kể, các lớp này thường có xu hướng dạy trước chương trình. Chủ một số lớp thậm chí khẳng định sau 20 buổi, học sinh sẽ biết đọc, viết.

Cùng mối lo lắng, cô Hồng Hà khuyên phụ huynh cần cân nhắc cẩn thận vì ngoài lợi ích, việc con học tiền tiểu học còn có một số nhược điểm như khiến trẻ chủ quan, mất hứng thú vì đã học trước. Lên lớp 2, con gặp khó khăn do thói quen không tập trung học này.

Ngoài ra, nhiều bé cảm thấy áp lực vì việc phải đi học quá sớm. Việc bé đi học trước cũng sẽ hạn chế khả năng tư duy sáng tạo, khám phá từ việc quan sát môi trường xung quanh.

Đừng ép trẻ học quá sớm

Cô Hồng Hà nói thêm bố mẹ thường yêu thương, muốn dành điều tốt nhất cho con. Nhưng yêu thế nào cho đúng, thương thế nào cho phải thì không phải phụ huynh nào cũng làm được.

Có nhiều phụ huynh khi gần đến ngày tựu trường, thấy bạn bè cùng lứa đã có bạn biết đọc, biết viết nên tá hỏa nhồi nhét con học hoặc tìm lớp tiền tiểu học cho con vì sợ con kém hơn bạn, lo lắng con đuối không theo kịp chương trình, ép con học ngày học đêm, không quan tâm xem con có nhận thức được hay không. Cách làm này khiến con rơi vào trạng thái sợ học.

“Lo sợ không có nghĩa là chúng ta gắn nỗi lo ấy lên người con trẻ. Trẻ em như trang giấy trắng, phải vẽ lên trang giấy ấy từ từ. Nuôi dạy một đứa trẻ cần có phương pháp và đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận, không nên ép hay tạo áp lực, tránh khiến con bị sốc tâm lý khi đang chuyển giao giữa giai đoạn vui chơi sang giai đoạn học tập”, cô Hà chia sẻ với phụ huynh.

Về việc học tiền tiểu học sao cho đúng, cô Hà khuyên việc trước tiên phụ huynh cần làm là quan tâm đến tâm lý của trẻ. Việc con thích học phải được cha mẹ quan tâm từ nhỏ để hình thành tâm lý ham học hỏi, thích khám phá của con. Sau đó mới phân tích xem mức độ nhận thức của con thế nào để tìm lớp học phù hợp.

Khi tìm lớp tiền tiểu học, cha mẹ cần xem xét kỹ chương trình học. Chương trình học chỉ được dừng ở mức độ làm quen với kiến thức đơn giản như bảng chữ cái, con số, các dấu, cho con các kỹ năng học ở môi trường mới chứ không phải là học trước chương trình.

Việc lựa chọn giáo viên cũng rất quan trọng. Họ cần có chuyên môn sư phạm hoặc kinh nghiệm dạy tiền tiểu học, phương pháp dạy phù hợp với con.

“Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không phải cứ đi học cô là sẽ giỏi, mỗi trẻ là một cá thể khác nhau, việc con biết đọc nhanh hay chậm, viết xấu hay đẹp là dựa vào nhận thức và thể trạng của trẻ”, cô Hồng Hà nhấn mạnh.

Những chương trình hè phổ biến trong thời đại công nghệ

Hiện nay, việc tổ chức các khóa hè rất đa dạng. Phụ huynh thường lựa chọn cho con theo các trại hè công nghệ, khóa lập trình, thậm chí chi tiền để con dự trại hè ở nước ngoài.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm