6h ngày 20/10, Liên (29 tuổi, huyện Đông Anh) đã có mặt tại studio chụp ảnh cưới ở phố Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa). Vợ chồng cô mới đặt lịch cách đó 4 hôm.
“Tranh thủ vãn dịch, tôi và chồng quyết định tổ chức hôn lễ luôn vào cuối tháng 11. Quy mô đám cưới sẽ giảm so với dự định ban đầu, chỉ mời những người thân thiết nhất”, cô chia sẻ.
Vợ chồng Liên nằm trong số nhiều cặp nhanh chóng đi chụp ảnh cưới ngay khi Hà Nội mở cửa trở lại. Đỗ Xuân Cường (35 tuổi), chủ thương hiệu ảnh cưới hoạt động hơn 10 năm, nhận thấy số lượng khách hàng tăng đột biến do thời điểm thành phố nới lỏng giãn cách trùng với mùa cưới tại Hà Nội.
“Nhiều đôi đã lên kế hoạch từ lâu, song lại vướng dịch bệnh. Bởi vậy, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, họ hủy lịch chụp ảnh cưới ngoại cảnh, thực hiện luôn tại studio và chấp nhận làm tiệc mừng nhỏ hơn để kịp ngày đẹp, hợp tuổi”, anh nói.
Cô dâu Liên trong buổi chụp ảnh cưới hôm 20/10, chuẩn bị cho hôn lễ cuối tháng 11. |
Chụp ảnh trước, lo cưới sau
Studio ảnh cưới của Xuân Cường sớm hoạt động trở lại với 50% công suất ngay khi có chỉ thị mới. Theo anh Cường, việc giảm số lượng nhân viên là điều không thể tránh khỏi bởi nhiều người còn kẹt ở quê nhà, chưa thể lên Hà Nội.
Trước khi nghỉ dịch, hơn trăm chiếc váy cưới đã được bọc túi nylon và hút chân không. Nhờ vậy, cửa hàng bớt mối lo hư hỏng trang phục sau nhiều tháng đóng cửa. Chỉ một số cây cảnh héo úa do không được tưới nước, tắm nắng thường xuyên.
Anh cũng cho biết trong lúc nghỉ dịch, cửa hàng anh vẫn hoạt động online và bán các gói chụp ảnh cưới với giá ưu đãi đặc biệt để khách hàng có thể sử dụng hậu giãn cách.
“Khách vừa được hưởng giá ưu đãi chỉ có trong đợt dịch, hệ thống cửa hàng vừa có thu nhập để duy trì. Tôi còn có cơ sở ở Đà Nẵng và TP.HCM, nhưng hiện Hà Nội ‘hồi sinh’ sớm nhất”, anh nói.
Xuân Cường nhận thấy lượng khách chụp ảnh cưới tăng đột biến hậu giãn cách. |
Nguyễn Thị Thu Thủy (39 tuổi), chủ của một ảnh viện áo cưới hơn 14 năm tuổi trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa), cũng nhận thấy số lượng cô dâu, chú rể gia tăng ngay sau khi cửa hàng mở trở lại.
Cô cho biết trong 2 tháng nghỉ dịch, nhiều khách hàng vẫn quan tâm đến dịch vụ dù chưa xác định được ngày tổ chức hôn lễ.
“Xu hướng hiện nay của các cặp uyên ương là chụp ảnh trước, lo ngày làm đám cưới sau”, cô nhận định.
Từ khi bắt đầu dịch bùng phát trở lại hồi tháng 4, cửa hàng đã triển khai một số chính sách hỗ trợ cho khách hàng, bao gồm ngắt giãn gói dịch vụ trong trường hợp cô dâu, chú rể phải dời, lùi ngày cưới. Trang phục cưới cũng được cửa hàng cho bảo lưu lên tới 36 tháng.
“Trong dịch, một số cặp đã làm lễ ăn hỏi và rước dâu đơn giản tại nhà, thậm chí mang bầu, sinh con. Tuy nhiên, khi được cho phép, họ vẫn sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi mời người thân, bạn bè tới chung vui, dù to hay nhỏ”, Thu Thủy cho biết.
Thu Thủy khuyến khích các cặp nên đặt lịch thử váy cưới và chụp ảnh trước để đảm bảo giãn cách. |
Theo chủ ảnh viện, hầu hết khách hàng đã tiêm ít nhất một mũi vaccine và đều có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, đặc biệt là những cô dâu đang mang thai.
Ngoài ra, cửa hàng khuyến khích các cô dâu, chú rể nên đặt lịch trước để tiệm có thể giãn ngày hẹn, tránh tình trạng nhiều người cùng đến thử trang phục, hoặc phim trường quá đông đúc.
Giản lược tối đa
Chia sẻ với Zing, Hương Nguyễn (30 tuổi), một nhà lập kế hoạch tổ chức đám cưới (wedding planner) có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, mới phải hủy bỏ một buổi chụp ảnh cưới của khách hàng.
“Họ muốn muốn đi chụp sớm trước hôn lễ ngày 15/11. Tuy nhiên, tôi buộc phải hủy lịch chụp ngoại cảnh vì cô dâu chưa tiêm liều vaccine thứ 2, dẫn đến không đủ điều kiện di chuyển tới địa điểm thực hiện bộ ảnh”, cô nói.
Hương Nguyễn (đeo túi nâu) điều hành một đám hỏi ngày 15/10. |
Trong 2 tháng nghỉ dịch, Hương Nguyễn vẫn theo sát các khách hàng ở Hà Nội có kế hoạch làm đám cưới vào cuối năm, hoặc tổ chức nhỏ để lấy ngày đẹp. Còn với cô dâu, chú rể ở khác thành phố, đa số chọn tiếp tục chờ đợi do còn e ngại việc di chuyển.
Theo đó, công việc của Hương Nguyễn bị ảnh hưởng khá nhiều. Hầu hết lịch trình được lên kế hoạch từ trước dịch bị dời lại vô thời hạn.
Một số đám cưới khác phải gộp 2 buổi thành 1, đồng nghĩa thay đổi toàn bộ kịch bản chương trình. Các phần lễ nghi, cũng như trang trí không gian bị giản lược tối đa.
Hương Huyền (29 tuổi), chủ cửa hàng dịch vụ cưới hỏi, cũng nhận thấy quy mô tổ chức đám cưới của các gia đình thu hẹp lại. Đa số đều giảm bớt số lượng tráp lễ xuống còn 3-5 chiếc.
Hậu giãn cách, ưu tiên của Lê Thu Trang (25 tuổi), một wedding planner ở phố Hào Nam (quận Đống Đa), là xem xét lại danh sách khách mời từng đám cưới.
Sau đó, cô trao đổi với cô dâu, chú rể để cắt giảm bớt số lượng, chỉ nên giới hạn người tham dự trong khuôn khổ gia đình và bạn bè thân thiết ở nội thành.
Nhóm 5 nhân viên bê tráp của Hương Huyền tại một đám hỏi ngày 15/10 ở Hà Nội. |
“Còn những đám hỏi, rước dâu ngoài Hà Nội hiện vẫn phải lùi lịch và tổ chức báo hỷ sau”, cô nói.
Đầu tháng 10, Thu Trang thở phào khi nghe tin Hà Nội mở cửa trở lại và được tiếp tục triển khai các kế hoạch cưới hỏi trước dịch. Cô nhanh chóng làm việc lại với các nhà cung cấp, xây dựng lịch trình mới cho khách hàng.
Tuy nhiên, không phải kế hoạch nào cũng diễn ra suôn sẻ, ngay cả khi cuộc sống đã chuyển sang “bình thường mới”.
Cô dâu Quỳnh và chú rể Tuấn, khách hàng của Thu Trang, đã chốt ngày tổ chức hôn lễ, cũng như lên ý tưởng và tìm các đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, chỉ trước đám cưới 5 ngày, chú rể thông báo địa phương vẫn chưa cho phép tổ chức.
“Vì dịch bệnh hiện vẫn chưa ổn định, Hà Nội chưa có công văn cụ thể cho việc tổ chức đám cưới, hầu hết cặp vợ chồng phải chờ đến sát ngày tổ chức mới quyết định hoãn hay không. Tôi chỉ có thể cố gắng lập thêm vài kế hoạch dự phòng cho các khách hàng”, cô chia sẻ.
Thu Trang phải chuẩn bị thêm kế hoạch dự phòng cho các khách hàng. Ảnh: NVCC. |