Chêm tiếng nước ngoài vào các cuộc hội thoại, giao tiếp không còn là chuyện hiếm với giới trẻ ngày nay.
“Quên mất từ đó diễn giải thế nào”, “thuật ngữ chuyên ngành”, “tiếp xúc trong môi trường quốc tế từ bé”, “thói quen” là những lý do khiến không ít người buộc phải đệm thêm ngôn ngữ khác vào lời nói khi trò chuyện với đối phương.
Hiện tượng này được gọi là “code-switching” (chuyển mã) - hành động chuyển đổi qua lại nhiều loại ngôn ngữ trong lời nói, thường xảy ra giữa những cá nhân biết nhiều hơn một thứ tiếng.
Tùy vào mục đích, đối tượng sử dụng và người nghe, việc chêm từ nước ngoài cũng gây ra hai chiều tranh cãi. Nhiều người ủng hộ việc này vì sự thuận tiện trong giao tiếp, trong khi số khác phản đối do điều đó khiến họ khó chịu, hiểu nhầm ý muốn biểu đạt.
“Code-switching” có thật sự xấu?
Trong những năm 1940-1950, nhiều học giả gọi đây là một cách sử dụng ngôn ngữ theo tiêu chuẩn phụ. Kể từ năm 1980, thuật ngữ này bắt đầu được công nhận là xu hướng tự nhiên của việc sử dụng song ngữ (bilingual) và đa ngôn ngữ (multilingual). Theo Thoughtco, “code-switching” thường xảy ra trong các cuộc trò chuyện hơn lúc nhắn tin hay gõ văn bản.
Một tập podcast của NPR chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chuyển mã ngôn ngữ. Một trong số đó là sự vô tình chêm tiếng nước ngoài mà bản thân người nói không hề nhận ra hay có ý định làm như vậy.
“Người nói có thể không nhận thức được rằng họ đã chuyển đổi ngôn ngữ hoặc không thể xác định mã ngôn ngữ đang dùng cho một chủ đề cụ thể sau khi kết thúc cuộc nói chuyện”, tác giả Ronald Wardhaugh viết trong cuốn sách An Introduction to Sociolinguistics.
Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong việc diễn đạt một ý nào đó do “thiếu ngôn ngữ” (linguistic deficiency), mọi người sẽ sử dụng từ nào khác bằng ngôn ngữ thứ 2 để thay thế. Tình trạng này thường gặp ở các du học sinh hoặc người sống ở nước ngoài lâu năm.
Việc chêm từ tiếng Anh vào lời nói hay văn bản là tình trạng phổ biến trong những năm gần đây. Ảnh: Language Log. |
Chia sẻ với Zing, Đào Vũ Triều Hân (sinh năm 2003) cho biết mình thuộc trường hợp này.
Hân sang Mỹ du học từ năm 13 tuổi. Trong quá trình sinh sống ở đây, đôi khi cô bị khựng lại trước một số từ vựng, khái niệm trong tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
“Ví dụ, mình không biết phải dịch ‘grief’ hoặc ‘cơ duyên’ như thế nào. Vì vậy, mình phải chêm từ ở ngôn ngữ khác để cuộc trò chuyện tiếp tục diễn ra. Mình nghĩ đây không phải là một điều xấu vì ‘code-switching’ giúp lấp đầy các khoảng trống trong cuộc trò chuyện để tránh bị lúng túng, ngượng ngùng”, Hân cho hay.
Bên cạnh đó, việc chuyển mã ngôn ngữ - cả vô thức và có ý thức - diễn ra khi một người muốn hành động hoặc nói chuyện giống những người xung quanh.
Điều này có thể mang lại hiệu quả, giúp cá nhân đó hòa nhập với cộng đồng của mình nhưng cũng khiến người khác khó chịu nếu lạm dụng quá nhiều, không điều chỉnh khi giao tiếp ở môi trường khác.
Nguyễn Hoàng Ngân (23 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật lý lý thuyết tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chia sẻ trong quá trình học tập và làm dự án, anh khó tránh khỏi việc sử dụng những thuật ngữ kỹ thuật (technical term) bằng tiếng Anh, kể cả khi nói chuyện với bạn bè người Việt.
“Theo mình quan sát, rất nhiều bạn trẻ chêm tiếng khác từ khi đi du học. Có thể đó là do họ bắt buộc phải sử dụng thuật ngữ chuyên ngành hoặc sống ở nước ngoài lâu nên quên mất một số từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ”.
Vì sao người mới học ngoại ngữ dễ 'quên' tiếng mẹ đẻ?
Monika Schmid, nhà ngôn ngữ học tại Đại học Essex (Anh), cho biết khi bắt đầu tiếp thu một ngôn ngữ khác, não bộ của người học sẽ chứa nhiều hệ thống cạnh tranh với nhau.
“Sự khác biệt cơ bản giữa bộ não đơn ngữ và song ngữ là khi học tiếng thứ 2, bạn phải 'cài đặt' thêm module điều khiển để cho phép chuyển đổi qua lại. Sự lai tạp thường đến từ việc đối phương cũng hiểu ngôn ngữ khác mà bạn đang nói”, Schmid nói.
Theo BBC, ở London (Anh), một trong những thành phố đa ngôn ngữ nhất thế giới, kiểu lai căng này phổ biến đến mức nó gần như trở thành phương ngữ đô thị. Hơn 300 ngôn ngữ được sử dụng ở đây và khoảng 20% người dân London biết một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh.
Nhiều người cho rằng việc sử dụng “code-switching” là để bổ sung nghĩa cho tiếng mẹ đẻ. Ảnh: NPR. |
Schmid lập luận rằng theo thời gian, “code-switching” có thể khiến bộ não khó duy trì một hướng ngôn ngữ duy nhất khi được yêu cầu. Điều này dẫn đến hiện tượng “language attrition” (lãng quên tiếng mẹ đẻ).
Theo Schmid, lãng quên hay suy giảm ngôn ngữ có biểu hiện gần giống với giai đoạn đầu của chứng sa sút trí tuệ. Người nói “ừm” và “à” nhiều hơn, ngắt quãng thường xuyên hơn. Câu cú đôi khi loạn xạ. Từ vựng hạn hẹp và ngữ pháp ít phức tạp hơn.
Nhưng tất nhiên, các quá trình nhận thức cơ bản của hai hiện tượng này là hoàn toàn khác nhau. Suy giảm ngôn ngữ không phải là một dạng rối loạn thần kinh, mà xuất hiện bởi vì hai ngôn ngữ đang chống lại nhau trong cùng một bộ não.
Các nghiên cứu về lãng quên tiếng mẹ đẻ phần lớn đều tập trung vào trẻ em nhập cư, những người gần như ít tiếp xúc, thậm chí chưa từng nói tiếng mẹ đẻ trong quá khứ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2007 của nhà tâm lý học Benjamin Levy và tiến sĩ Michael Anderson đến từ Đại học Oregon (Mỹ) đã cho thấy hiện tượng suy giảm ngôn ngữ mẹ đẻ cũng xảy ra với những người mới chỉ tiếp xúc, học ngôn ngữ thứ hai trong thời gian ngắn.
“Mọi người không quên ngôn ngữ mẹ đẻ của họ chỉ đơn giản là vì ít sử dụng nó. Việc lãng quên này còn liên quan đến sự ức chế tích cực đối với tiếng mẹ đẻ để không mất tập trung khi học một thứ tiếng mới”, nhà tâm lý học Levy cho biết.
Có thể nói việc chủ động “quên” tiếng mẹ đẻ là một chiến lược để tiếp thu ngôn ngữ mới của bộ não.
Chêm ngôn ngữ dễ dàng được bắt gặp trong các cuộc trò chuyện của giới trẻ ngày nay. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong nghiên cứu, những người nói tiếng Anh bản ngữ đã theo học ít nhất một năm tiếng Tây Ban Nha ở trình độ đại học được yêu cầu phải gọi tên các đồ vật bằng tiếng Tây Ban Nha thường xuyên.
Kết quả, các sinh viên được yêu cầu lặp lại tiếng Tây Ban Nha càng nhiều, càng gặp khó khăn trong việc gọi tên tiếng Anh tương ứng của các đồ vật sau này.
Nói cách khác, việc gọi tên đối tượng bằng ngôn ngữ khác sẽ hạn chế cách nói tương ứng trong tiếng mẹ đẻ, khiến những từ này bị “tạm quên”.
Điều thú vị là, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những sinh viên sử dụng song ngữ thành thạo hơn ít gặp phải vấn đề này.
Sự ức chế ngôn ngữ mẹ đẻ đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của việc học ngôn ngữ thứ hai. Đó là khi người nói phải chủ động bỏ qua những từ dễ tiếp cận của tiếng mẹ đẻ trong khi đấu tranh để diễn đạt suy nghĩ của mình bằng một thứ ngôn ngữ mới.
Thế nhưng, khi một người đạt đến trình độ thành thạo song ngữ, việc ức chế tiếng mẹ đẻ đã không còn cần thiết.