Liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2. Giá khai báo khoảng hơn 21.000 đồng/test. Tổng giá trị lô hàng là trên 64 tỷ đồng.
Ngoài ra, giai đoạn 2017-2021, doanh nghiệp này nhập khẩu nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm của Trung Quốc, Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc... Giá trị các sản phẩm gồm: 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử; 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm; 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị khác.
Thông tin này khiến nhiều người bất bình bởi trước đó, doanh nghiệp này từng khẳng định tự sản xuất bộ kit test nhanh Covid-19 đạt chuẩn quốc tế để lưu hành trên thị trường. Với hành vi này, Phan Quốc Việt (Giám đốc Công ty Việt Á) cùng đồng phạm có thể bị xử lý thêm về những tội danh nào?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp
Việc doanh nghiệp này nhập kit test từ Trung Quốc với giá hơn 21.000 đồng rồi bán lại với giá "trên trời" là thông tin chấn động, thể hiện sự vô lương tâm của giám đốc công ty trong thời điểm người dân Việt Nam sinh tử vì dịch bệnh.
Theo thông tin Việt Á cung cấp, loại kit xét nghiệm nhanh Covid-19 do doanh nghiệp tự sản xuất, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, thực tế cho thấy kit xét nghiệm của doanh nghiệp này được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ. Với diễn biến này, không loại trừ khả năng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sản xuất hàng giả xảy ra phát sinh trong vụ án này.
Từ thông tin của Tổng cục Hải quan, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc có hành vi làm giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không? Giấy tờ, thủ tục mua bán khi bán các loại kit này trên thị trường như thế nào?
Trường hợp có căn cứ cho thấy các bị can đã làm giả tem, mác, bao bì để đánh tráo nguồn gốc hàng nhập khẩu thành hàng của doanh nghiệp để tạo niềm tin, từ đó bán cho các cơ sở y tế thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội Sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192) và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015).
Bị can Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Ảnh: H.L. |
Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật này. Tùy thuộc số tiền thu lợi bất chính, mức án tối đa cho người phạm tội có thể lên tới 15 năm tù.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm hoạt động kinh doanh, cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.
Trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm, mức phạt sẽ là 9 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động trong thời gian từ 6 tháng tới 3 năm.
Ngoài ra, cơ quan công an cũng sẽ làm rõ có hay không hành vi gian dối về nguồn gốc sản phẩm trong các giao dịch của Công ty Việt Á với đối tác, từ đó tạo điều kiện để chiếm đoạt tài sản hay. Trường hợp có căn cứ xác định hành vi này, bị can Việt cùng những người liên quan có thể bị khởi tố thêm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Khoản 4 điều này, nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe người dân; làm suy giảm uy tín, niềm tin của người dân vào chính quyền, các cơ quan Nhà nước, gây bất bình trong xã hội. Hành vi trục lợi trên nỗi đau, sự sợ hãi của người dân trong thời điểm dịch bệnh hoành hành thể hiện sự ác độc, táng tận lương tâm của các bị can. Do đó, việc xử lý với các bị can cần phải nghiêm minh, đúng pháp luật để đảm bảo công lý được thực thi.