Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Cô đơn - ‘dịch bệnh’ giết người trẻ nhiều hơn béo phì hay nghiện thuốc

Cô đơn làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh tim, chứng mất trí. Sự cô đơn của giới trẻ cũng cho thấy rõ nhất những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân.

dich benh co don anh 1

Cô đơn - ‘dịch bệnh’ giết người trẻ nhiều hơn béo phì hay nghiện thuốc

Cô đơn làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh tim, chứng mất trí. Sự cô đơn của giới trẻ cũng cho thấy rõ nhất những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân.

Fay Bound-Alberti

Nhà nghiên cứu

Tiến sĩ Fay Bound Alberti là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu cảm xúc, đạo đức con người. Bà từng tham gia giảng dạy nhiều trường đại học tại Anh như Đại học Lancaster, Đại học College London, Đại học Queen Mary London. Ngoài ra, tiến sĩ Alberti là cây bút tự do và là cố vấn cho nhiều tổ chức từ thiện, trường học trên thế giới. Đây là bài viết riêng của bà cho Zing.vn.

Thế kỷ 21, sự cô đơn dần được ví như một dịch bệnh toàn cầu, đặc biệt ở các nước phương Tây. Không dừng lại ở Anh, Mỹ và Trung Quốc, vấn đề tâm lý này bắt đầu lan rộng sang các nền kinh tế đang phát triển khác như Brazil, Ấn Độ, khu vực châu Phi.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tại Việt Nam, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong thời kỳ đất nước hội nhập và Internet bùng nổ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại. Người trẻ tuổi, sống ở thành thị dần trở nên có tiếng nói và là đối tượng khách hàng tiềm năng không thể bỏ qua của các nhãn hàng.

Thập kỷ tới, thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 trở đi) sẽ là lực lượng định hình các xu thế, giá trị văn hóa mà Việt Nam tiếp nhận. Điều này xuất phát từ thực tế rằng người trẻ có thu nhập tốt hơn và nhiều cơ hội tiếp cận ra thế giới so với thời cha mẹ.

Tuy nhiên, nguồn cơn của dịch bệnh cô đơn cũng bắt nguồn từ đây.

Chi bạo để mua sắm không đồng nghĩa nâng tầm bản thân

Không phải ngẫu nhiên mà tại Việt Nam - cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Á - cảm giác cô đơn gia tăng cùng lúc với toàn cầu hóa phát triển.

Điều này càng đúng trong bối cảnh mạng xã hội đang thống lĩnh đời sống giới trẻ. Trong đó, giá trị hình ảnh của mỗi người không chỉ do vẻ bề ngoài quyết định, mà còn nằm ở khả năng nhanh chóng bắt kịp trào lưu, sở hữu những món đồ thời thượng: album mới phát hành, thỏi son mới tung ra thị trường, chiếc túi được nhiều người săn lùng là những thứ nhiều người cần có để cảm thấy trọn vẹn, không tụt lại với số đông.

Album mới phát hành, thỏi son mới tung ra thị trường, chiếc túi được nhiều người săn lùng là những thứ nhiều người cần có để cảm thấy trọn vẹn, không tụt lại với số đông.

Trên thực tế, nhà tâm lý học Monika Bauer từng kết luận rằng những người theo chủ nghĩa vật chất không hạnh phúc hơn so với những người coi nhẹ chúng. Các giá trị vật chất cũng được cho là làm hỏng tính kết nối xã hội.

Nhu cầu không có hồi kết của mua bán và tiêu thụ hàng hóa ảnh hưởng đến nhiều cấp độ của xã hội, nhất là những người trẻ tuổi - đối tượng luôn có tâm lý muốn được công nhận và không muốn thua kém bạn bè.

Các quảng cáo thương mại có sức hút không chỉ vì đánh trúng vào nhu cầu mua sắm của mỗi người, mà còn chạm vào tâm lý muốn “bằng bạn bằng bè”, giống với số đông và hòa hợp với cộng đồng. Đây không phải là một cộng đồng dựa trên nghĩa vụ hay cam kết lẫn nhau; nó là một dạng cộng đồng chúng ta phải bỏ tiền ra để được "gia nhập".

Tuy nhiên, chi số tiền lớn để mua sắm và luôn luôn bắt kịp xu hướng không đồng nghĩa với việc tích lũy nhiều trải nghiệm sống hay nâng tầm giá trị bản thân. Cảm giác chúng ta tốt đẹp lên khi sở hữu món đồ mới chỉ là điều huyễn hoặc. Viễn cảnh chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn nhờ vật chất cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Ngược lại, sự buồn chán và thất vọng nhiều khả năng nảy sinh khi mua đồ không đem lại sự thỏa mãn như bản thân mong muốn. Hệ quả, cảm giác cô đơn ngày càng tăng lên vì suy cho cùng, các giá trị vật chất không thể lấp đầy khoảng trống tình cảm. Mặt khác, mong muốn mua sắm để xả stress, giải tỏa nỗi buồn lại tiếp tục tăng.

Tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Món hàng xuất khẩu

Năm 2018, một cuộc khảo sát tại Anh và Mỹ đem về kết quả: Hơn 1/5 số người trưởng thành thừa nhận họ thường xuyên bị cảm giác cô đơn, lạc lõng bủa vây. Tình trạng này cũng không khá hơn kể cả với những người đã lập gia đình, khi 30% số người được hỏi cho biết mối quan hệ vợ chồng của họ ở trong trạng thái căng thẳng.

Trong cuốn sách của mình, tôi có đề cập đến khái niệm cô đơn thường được diễn giải là sự thiếu hụt cảm xúc, cảm giác mất kết nối với xung quanh. Tuy nhiên, đó là định nghĩa quen thuộc có từ thế kỷ 19.

Còn hiện tại, câu chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều khi cô đơn ngày càng trở nên phổ biến và gây ra tác động tiêu cực cả về thể chất lẫn tinh thần lên người trải qua, bất chấp tuổi tác trẻ hay già.

Ngay cả sự cô đơn cũng giống một món hàng được đem đi xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Khó ngờ, nhưng sự thật là cảm giác cô đơn tăng lên khi xã hội ngày càng phân hóa và chênh lệch rõ rệt. Đô thị hóa, công nghiệp hóa làm biến mất những cộng đồng sống quây quần, “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Thay vào đó là làn sóng dịch chuyển ra các thành phố lớn, nơi cuộc sống chủ yếu là “của ai biết người nấy” và tính kết nối, gần gũi giữa hàng xóm, láng giềng trở thành điều xa vời.

Đời sống công nghiệp và những thay đổi trong bối cảnh kinh tế, xã hội là cơ sở hình thành nên chủ nghĩa tự do mới (neoliberalism). Trong đó, yếu tố cá nhân được đề cao mà minh chứng rõ ràng nhất là thương mại tự do và sự thống trị của khu vực tư nhân đối với nền kinh tế.

Song, sự thay đổi này không chỉ diễn ra ở các nước phát triển.

Toàn cầu hóa có sức ảnh hưởng rộng rãi và không bị hạn chế bởi ranh giới nào. Nói cách khác, cùng với sự phát triển của thương mại, nhiều lý tưởng, giá trị hay ý thức hệ phương Tây đã được truyền bá rộng khắp thế giới. Và ngay cả sự cô đơn cũng giống một món hàng được đem đi xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Tại Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu, việc theo đuổi giá trị cá nhân được đề cao, trong đó quyền lực, mức độ giàu có và của cải vật chất trở thành các chuẩn mực để đánh giá không chỉ sự thành công, mà còn là thước đo hạnh phúc của một người.

Mặc dù chưa có công bố khoa học chính thức nào nghiên cứu về “dịch bệnh” cô đơn, bao gồm đánh giá quá trình toàn cầu hóa có khả năng xóa bỏ giá trị tập thể và cộng đồng truyền thống nhưng chúng ta vẫn có thể quan sát tác động của chủ nghĩa tiêu dùng cạnh tranh lên con người.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 264 triệu người trên toàn cầu đang trải qua bệnh trầm cảm. Điều đáng nói là thực trạng này có chiều hướng đi lên khi toàn cầu hóa trở thành xu thế chung.

Sát thủ thầm lặng

Tồi tệ hơn, cô đơn dễ dẫn đến trầm cảm, cảm giác tự ti về bản thân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới trẻ.

“Dịch bệnh” cô đơn là bằng chứng cho thấy các giá trị cộng đồng đang lụi tàn và xu thế toàn cầu hóa có tác động đến cảm xúc và kỳ vọng cá nhân.

Ở Anh, các tổ chức từ thiện chủ yếu tập trung giúp đỡ người già neo đơn khi nhiều người cao tuổi sống xa cách với gia đình hoặc thậm chí lựa chọn sống một mình. Không ít người cao tuổi muốn tìm thấy sự gần gũi với cộng đồng nhưng vẫn thường không được quan tâm và thiếu hỗ trợ cần thiết.

Điều này khác với sự cô đơn ở những người trẻ tuổi hơn, khi cảm giác lạc lõng và bị cô lập kéo dài dai dẳng và cần có cách thức quan tâm phù hợp khác.

Chính sự cô đơn của giới trẻ cho thấy rõ nhất tác động của toàn cầu hóa và những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân. Ở nhiều quốc gia, các vấn đề liên quan đến sự cô đơn - bao gồm cảm giác bị cô lập, trầm cảm, lo lắng - đang leo thang ở mọi thế hệ, từ trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành lẫn người cao tuổi.

Ở nhiều quốc gia, các vấn đề liên quan đến sự cô đơn, bao gồm cảm giác bị cô lập, trầm cảm, lo lắng, đang leo thang ở mọi thế hệ, từ trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành lẫn người cao tuổi.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng cô đơn, chúng ta buộc phải chú tâm đến các thay đổi xã hội tác động vào tâm lý con người. Trên thực tế, không có một giải pháp nào đóng vai trò là chìa khóa vạn năng tháo gỡ tất cả khó khăn.

Chúng ta cần xem xét cô đơn thực sự là gì, nó biểu hiện khác nhau như thế nào giữa người trẻ và người già, giữa đàn ông và phụ nữ ứng với mỗi đặc điểm xã hội của từng nước cụ thể.

Nói cách khác, chúng ta cần giải quyết các nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần và thừa nhận mối quan hệ giữa việc đề cao chủ nghĩa tiêu dùng vật chất và cảm giác thiếu thốn tồn tại trong lòng mỗi người.

Chúng ta cũng cần giải quyết tác động của toàn cầu hóa và coi trọng mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong bối cảnh hiện đại.  

Theo nghiên cứu của Đại học Brigham Young, cô đơn gây ra cái chết trẻ nhiều hơn so với các bệnh như béo phì hay hút thuốc nhiều. Trong khi béo phì là nguyên nhân của 300.000-600.000 cái chết mỗi năm tại Mỹ, dịch bệnh cô đơn là một sát thủ thầm lặng với sức nguy hiểm tiềm ẩn.

Các nhà khoa học chỉ ra sự cô đơn làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh tim, chứng mất trí nhớ hay khả năng đột tử. Các chuyên gia y tế ở nhiều quốc gia cũng đang đau đầu về cách giải quyết dịch bệnh cô đơn ăn mòn cuộc sống hiện đại.

Năm ngoái, Anh bổ nhiệm một Bộ trưởng Cô đơn để giải quyết vấn đề mà cựu thủ tướng nước Anh gọi là "hiện thực đáng buồn" ảnh hưởng đến hàng triệu người. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm ngoài chuyện bổ nhiệm một chức danh chính trị.

Cô đơn không phải là dạng cảm xúc không thể tránh khỏi hay một “dịch bệnh” không có nguyên nhân. Tỷ lệ cô đơn tăng vọt là biểu hiện của vấn đề chính trị, xã hội chung, không phải là bất ổn tâm lý của số ít nào đó. Nó tấn công vào cá nhân từng người và ngày càng lan rộng ra toàn cầu.

Fay Bound Alberti

Đồ hoạ: Hà My - Biên dịch: Trà My

Bạn có thể quan tâm