Ashwini (25 tuổi) - sống tại bang Karnataka, miền nam Ấn Độ - bị gia đình chồng chèn ép, chì chiết trong thời gian dài vì lời phán của thầy bói. Ngày 13/11, cô gái trẻ đã tự vẫn vì không thể tiếp tục chịu đựng áp lực.
Theo báo cáo của cảnh sát, Ashwini và Yuvraj chính thức trở thành vợ chồng vào tháng 2 năm nay. Khi không có dấu hiệu mang thai sau vài tháng kết hôn, gia đình chồng cô quyết định tìm đến một nhà chiêm tinh để "xin chỉ dẫn".
Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của cô gái trẻ hoàn toàn sụp đổ khi thầy bói phán: "Cô không thể có con".
Do tin lời thầy chiêm tinh, gia đình chồng đã chèn ép, sỉ nhục, đẩy cô dâu trẻ Ashwini đến cùng đường. Ảnh: Assassins Films. |
Lúc ấy, nhà chồng lập tức thay đổi thái độ, đay nghiến và đối xử thậm tệ với cô con dâu mới. Ngay cả bạn đời Yuvraj cũng buông lời sỉ nhục cô vì không thể làm tròn trách nhiệm người vợ.
Sau thời gian dài chịu đựng, Ashwini quyết định quyên sinh do quá bế tắc. Cảnh sát địa phương hiện đã bắt giữ người chồng để phục vụ công tác điều tra.
Đây không phải lần đầu niềm tin mù quáng vào tâm linh của con người dẫn đến bi kịch.
Năm 2016, một gia đình Ấn Độ nhờ thầy chiêm tinh dự đoán giới tính của đứa trẻ trong bụng. Tuy nhiên, các thành viên đã dùng axit tấn công người phụ nữ mang thai vì thầy bói nói rằng "Đó là bé gái", trái với nguyện vọng của họ.
Người dân Ấn Độ tin tưởng vào tử vi, bói bài, chiêm tinh để dự đoán tương lai và thay đổi vận số: Ảnh: Getty. |
Dù gây ra hàng loạt sự việc thương tâm, tử vi, chiêm tinh, bói bài... vẫn được người dân Ấn Độ tin tưởng để dự đoán tương lai và thay đổi vận số. Mỗi năm, hàng triệu tín đồ nước này dựa vào việc xem hành tinh, chòm sao để ấn định ngày tổ chức các sự kiện trọng đại: cưới hỏi, mua nhà, mở công ty, đặt tên con cái...
Nhiều gia đình còn chi tiền thuê thầy chiêm tinh riêng, chuyên giải quyết các vấn đề trong đời sống như cãi vã giữa các thành viên hay trục trặc tài chính.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ, nhu cầu tìm đến chiêm tinh của người dân nước này gia tăng đáng kể, với mục đích chính là "áp chế lo âu về dịch bệnh".
Nhờ niềm tin của người dân, chiêm tinh trở thành ngành dịch vụ trị giá 3 tỷ USD của Ấn Độ. Ngoài ra, những năm gần đây, hình thức tư vấn trực tuyến ngày càng phát triển và phổ biến rộng rãi.