Tôi là Nguyễn Thị Hảo (29 tuổi, đang sống tại Hà Đông, Hà Nội). Tôi từng có 5 năm làm quản lý thiết kế với mức lương khá. Tháng 3/2020, khi Covid-19 bùng phát, tôi nghỉ việc về quê ở Đan Phượng mở xưởng làm mộc. |
Bố tôi từng là thợ mộc lâu năm nhưng tai biến nên không thể tiếp tục theo nghề. Từ hồi sinh viên, tôi đã làm đồ chơi từ gỗ tái chế để bán, tự trang trải cuộc sống. |
Khi tôi mới bắt tay vào nghề mộc, ông xã cũng không tin vợ sẽ thành công. Tuy nhiên, tôi thuyết phục anh cho thử sức trong 3 tháng. Nếu thất bại, tôi sẽ quay trở về với công việc văn phòng. |
Thời gian đầu, tôi duy trì vừa thiết kế vừa học hỏi. Do căn chung cư của vợ chồng quá nhỏ, tôi đã về quê ở Đan Phượng, tận dụng góc chuồng gà để làm xưởng cắt, bào và khoan gỗ. |
Ngoài tìm mua dụng cụ làm mộc như máy sử dụng đa năng, cưa cầm tay, máy mài, cưa lọng chỉ... tôi còn tham gia vào hội nhóm làm mộc để tìm hiểu, mày mò cách làm. Hàng ngày, tôi đến các hộ làm mộc xung quanh để xin những mẩu gỗ thừa. |
Thời gian đầu, tôi làm khuyên tai, đồ trang trí nội thất gia đình, đồ chơi trẻ em để bán trên mạng. Là dân kiến trúc, tôi có thể tư duy ra hình thù các đồ vật rồi sáng tạo sao cho đẹp mắt. |
Từng có thời điểm, tôi làm việc từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm mà vẫn chưa hết việc. Khi đó, khách đặt gì tôi cũng làm, có sản phẩm làm 2-3 ngày mà chỉ nhận được vài chục nghìn đồng.
Do làm mộc thường xuyên phải cắt, bào khoan gỗ, đôi tay của tôi chằng chịt vết sẹo cả mới, cả cũ. |
Khi đó, thu nhập rất kém, tôi từng nghĩ sẽ phải dừng công việc này lại. Thế nhưng, nghĩ đến mục đích ban đầu, tôi lại tiếp tục cố gắng. |
Tôi phải nghĩ ra các sản phẩm bán thời vụ như bộ đồ trang trí Noel, Tết để bán được quanh năm. |
Vừa làm chủ, vừa làm thợ, mỗi tuần tôi vẫn về xưởng ở Đan Phượng từ 3-4 lần để vận chuyển những mảnh gỗ được cắt, bào thô sơ lên Hà Nội để hoàn thiện. |
Suốt thời gian gắn bó với nghề mộc, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của mẹ chồng. Bà giúp tôi làm mọi công việc gia đình, chăm cháu. |
Đầu năm nay, tôi tặng nhiều món đồ chơi gắn liền với cái Tết của người Việt cho các trường mầm non. Qua mỗi sản phẩm, thầy cô, bố mẹ có thể kể cho các bé nghe tại sao Tết lại có bánh chưng, câu đối... Điểm nổi bật của các sản phẩm này là đều được làm từ gỗ tái chế tự nhiên, hầu hết đồ chơi còn độ sần nhẹ, nguyên sơ với từng nếp vân gỗ. |
Trẻ em rất nhạy cảm, bởi vậy, khi các bé cầm nắm, đồ gỗ sơn quá mịn, nhiều lớp sẽ làm mất đi cảm giác về chất liệu. Tôi luôn hướng tới sản phẩm đồ chơi giúp các bé được chạm vào thiên nhiên một cách gần gũi nhất. |
Hiện tại, sản phẩm ở xưởng gỗ của tôi có mặt trên hầu hết trang thương mại điện tử, đưa vào sử dụng tại các trường mầm non, tiểu học. Mỗi tháng, đặc biệt trong dịp Tết này, tôi bán ra hàng trăm nghìn sản phẩm, lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng/tháng. |
Dù bận rộn với công việc đến đâu, tôi vẫn dành thời gian mỗi ngày chơi với con gái. Đặc biệt, con bé rất hào hứng với những món đồ chơi từ gỗ mà mẹ tự tay làm. |
Ước mơ của tôi là đưa sản phẩm đến những vùng sâu, vùng xa, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài. Trước đó, tôi đã nhiều lần đem tặng các bạn nhỏ vùng cao. Nụ cười của các em khi được nhận những món đồ chơi là động lực để tôi tiếp tục công việc. |