Nhiều người bắt đầu chuyển sang thuê quần áo mặc thay vì mua mới liên tục. Ảnh minh họa: Brendan McDermid/Reuters. |
Tháng 11/2021, sau một năm rưỡi đại dịch, Avery Hartmans (Mỹ), cây bút của Insider, bắt đầu thuê quần áo mặc thay vì mua mới, vừa để tiết kiệm, có những bộ đồ mới, hợp thời mặc liên tục, vừa hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường khi mua thời trang nhanh.
Đây cũng được ghi nhận là xu hướng chung của nhiều người khi các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê quần áo báo cáo mức tăng trưởng người dùng trong những quý gần đây. Trong cuộc họp vào tháng 12/2022, Rent the Runway cho biết người sử dụng dịch vụ công ty tăng 15% so với năm trước.
Trong cuộc họp tổng kết quý 3/2022, URBN - công ty mẹ của Urban Outfitters, Anthropologie và Free People - cũng thông báo dịch vụ cho thuê đồ Nuuly có số lượng người đăng ký tăng 37% so với quý trước.
Sau hơn một năm chỉ mặc đồ đi thuê, Avery Hartmans vẫn yêu thích phong cách chi tiêu này. Tuy nhiên, cô cũng rút ra được một số lưu ý và ưu, nhược điểm của loại hình này.
Tiết kiệm tiền
Trước đây, Hartmans thường mua một chiếc áo mới nếu có kế hoạch đi chơi vào tối thứ 6 hay lang thang khắp trung tâm thương mại nếu có một ngày căng thẳng. Cô thậm chí mua những món đồ chẳng mấy ưng ý, chỉ vì cảm giác muốn gì đó mới.
Giờ với việc thuê đồ, cô vẫn có được sự hài lòng tương tự khi mua sắm mà không bị ảnh hưởng về tài chính. Hartmans là một trong số 120.000 người dùng của ứng dụng Nuuly, các mặt hàng mới được bổ sung hầu như mỗi ngày.
"Bất cứ khi nào muốn mua sắm, tôi có thể mở ứng dụng, xem đồ và lưu những món yêu thích để thuê trong tương lai. Bằng cách này, tôi không phải tiêu tiền trong khi vẫn cảm thấy như mình đã hoàn thành việc mua sắm".
Avery Hartmans chỉ mặc đồ thuê hơn một năm nay. Ảnh: Avery Hartmans/Insider. |
Tuy nhiên, Hartmans tự hứa với bản thân sẽ chỉ chi 88 USD để thuê 6 món đồ mỗi tháng. Trong năm qua, hầu như cô đều duy trì ở mức này ngoài việc mua những món cơ bản như áo phông trắng và một chiếc quần jeans mới.
Dù vậy, không phải lúc nào Hartmans cũng nhận được các mẫu mới và thường bị trùng lặp. Không có những món đồ mới xuất hiện thường xuyên trong tủ, cô lại cảm thấy bị mắc kẹt với mớ quần áo cũ không hợp với phong cách hoặc xu hướng hiện tại.
Chất lượng hơn số lượng
Việc thuê đồ cũng làm thay đổi suy nghĩ của Hartmans về quần áo.
"Tôi nhìn thấy giá trị của việc có những món đồ chất lượng cao như sơ mi trắng cài cúc cổ điển hoặc áo khoác denim bền chắc, những món tôi sẽ mặc đi mặc lại. Đây có thể là do tôi ngày càng lớn tuổi và không mua sắm trong một thời gian, cũng có thể là do được tiếp xúc với các thương hiệu cao cấp hơn thông qua thuê đồ, nhưng tôi cảm thấy quan tâm nhiều hơn đến chất lượng vải và phom dáng so với trước đây".
Hartmans vẫn đang hạn chế mua sắm nhưng nếu đi shopping, cô cố gắng mua những món sẽ dùng được ít nhất 10 năm hoặc lâu hơn.
Tuy nhiên, một điểm trừ khác của việc mặc đồ thuê cũng đến từ chất lượng món đồ. Một sản phẩm may mặc dù có chất lượng cao đến đâu cũng không thể chịu được sau khi được mặc, giặt giũ bởi hàng trăm, nghìn người.
"Điều đó có nghĩa là đôi khi tôi sẽ nhận được bộ quần áo không ổn lắm. Tôi từng thuê phải một chiếc áo len giãn đến mức tự hỏi không biết có phải kiểu cách là như vậy hay không, hoặc một chiếc áo phông bị chảy dão, dài đến không thể mặc được".
Tác động tới môi trường
Sự trỗi dậy của thời trang nhanh đã khiến người tiêu dùng mua nhiều quần áo hơn và vứt bỏ chúng cũng nhanh hơn. Từ năm 2000 đến 2014, việc sản xuất quần áo trở nên rẻ hơn, chuỗi cung ứng được sắp xếp hợp lý dẫn đến sản lượng quần áo tăng gấp đôi.
Vào khoảng những năm 2010, người tiêu dùng mua hàng may mặc nhiều hơn 60% so với 15 năm trước nhưng thời gian giữ chúng ít hơn một nửa. Theo dữ liệu của McKinsey & Company, sự phát triển của thời trang nhanh có nghĩa là người tiêu dùng chỉ mặc quần áo 7, 8 lần rồi bỏ chúng.
"Đối với tôi, thuê quần áo thực sự có ích ở khoản này. Ví dụ, tôi có 2 đám cưới cần tham dự, cách nhau 2 tuần. Một đám cưới tổ chức ở nơi ấm áp và có quy định về trang phục cụ thể trong khi cái còn lại ở nơi se lạnh. Thành thật mà nói, tôi không có món đồ nào phù hợp để mặc cho cả 2 sự kiện này", Hartmans chia sẻ.
Ngành thời trang nhanh tác động tiêu cực tới môi trường. Ảnh minh họa: Alexander Zemlianichenko/AP. |
Vì vậy, thay vì mua 2 chiếc váy khác nhau, Hartmans chỉ cần thuê chúng. Cô sẽ vừa trông phù hợp với cả 2 nơi, cảm thấy sành điệu, bắt kịp xu hướng mà không phải tốn nhiều tiền hơn và sau sự kiện lại treo chúng trong tủ.
Tuy nhiên, việc thuê đồ cũng vẫn có những tác động nhất định đến môi trường. Ví dụ, chiếc túi Hartmans có kèm quần áo thuê hàng tháng có thể tái sử dụng nhiều lần song tháng nào cũng nhận được một chiếc như vậy. Ngoài ra, quần áo được giặt khô mỗi lần khách trả lại, điều này tốt cho người thuê nhưng không tốt cho môi trường.
"Tôi vẫn tin rằng thuê quần áo là một lựa chọn thân thiện với môi trường nhưng ở cấp độ người tiêu dùng cá nhân, chưa phải giải pháp hiệu quả cho những thách thức của ngành may mặc", Hartmans nhận định.
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.