Anna Paul (21 tuổi) là influencer nổi tiếng trên mạng xã hội. Theo News.com.au, cô tiêm chất làm đầy vào môi nhân dịp sinh nhật 18 tuổi. Chỉ trong 3 năm, Anna đã thực hiện phương pháp làm đẹp này lên đến 15 lần.
Môi bị sưng tấy do lạm dụng tiêm filler
Anna Paul đã đến nhiều phòng khám, kể cả những nơi không đạt tiêu chuẩn rõ ràng về phẫu thuật thẩm mỹ, để tiêm filler. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chất làm đầy di chuyển trên khuôn mặt cô.
Anna chia sẻ: "Filler đã di chuyển lên trên đầu môi của tôi. Vì vậy, tôi phải làm cho chúng tan hết để có thể thực hiện các liệu pháp làm đẹp khác".
Anna Paul có đôi môi "xúc xích" vì tiêm filler 15 lần trong 3 năm. Ảnh: Anna Paul. |
Anna tiêm dung dịch hòa tan chất filler vào môi. Nó khiến môi cô bị sưng trong vài giờ cũng như bầm tím suốt nhiều ngày sau đó.
Cô gái 21 tuổi cảm thấy sợ hãi khi ngắm nhìn đôi môi sưng to giống xúc xích của mình trong quá trình loại bỏ chất làm đầy.
"Tôi thấy đau gấp khoảng 4 lần so với việc tiêm lúc ban đầu. Tôi cảm giác như có axit bên trong môi", Anna cho biết.
Clip quay lại quá trình làm tan filler của Anna Paul thu hút hơn 530.000 lượt xem sau khi đăng tải trên trang cá nhân.
Anna nói với người hâm mộ của cô: "Nếu bạn có đôi môi 'xúc xích' giống tôi, vẫn có hy vọng để chấm dứt tình trạng này".
Cô gái cho biết phản ứng của những người theo dõi cô rất tích cực. "Mọi người nói rằng tôi trông đẹp hơn hẳn khi không tiêm filler", Anna chia sẻ.
Rủi ro khi làm đẹp bằng tiêm filler
Năm 16 tuổi, Kylie Jenner tiêm filler và tạo nên xu hướng toàn cầu với hình ảnh đôi môi căng mọng. Ngôi sao của tác phẩm Married At First Sight - Tracey Jewel - tiêm chất làm đầy trị giá 9.000 USD vào môi, má và dưới mắt sau quãng thời gian bị chế giễu về ngoại hình.
Filler được thiết kế để thay thế phần thể tích khuôn mặt bị mất do suy giảm cơ bắp, lão hóa da. Chúng góp phần tạo nên đường nét hài hòa cho má, đường viền hàm, mũi, môi, cằm trong khi không cần phẫu thuật phức tạp.
Trang US Pharmacist cho biết chất làm đầy có tác dụng mang lại độ căng mọng cho làn da. Khi được sử dụng đúng cách, các sản phẩm này giúp giảm dấu hiệu lão hóa phổ biến như nếp nhăn, nếp gấp trên mặt. Nhiều phụ nữ, kể cả đàn ông, sử dụng filler để giúp mình trông trẻ hơn.
Tiêm chất làm đầy mang đến tác dụng cải thiện diện mạo nhanh và hiệu quả, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Ảnh: IPSA. |
Sau khi tiêm filler, da cần được bảo vệ bằng kem chống nắng để hạn chế nguy cơ bị thay đổi sắc tố. Bên cạnh đó, chi phí cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của filler. Chất làm đầy giá rẻ có xu hướng đi kèm không ít rủi ro so với sản phẩm có giá cao hơn.
Theo Harvard Health Publishing, mỗi loại chất làm đầy đều mang ưu và nhược điểm riêng. Để chọn đúng loại chất làm đầy phù hợp, bạn cần đến sự hướng dẫn từ bác sĩ đạt chứng nhận về giải phẫu thẩm mỹ.
Ngoài ra, quy trình tiêm filler đạt chuẩn y tế thường có chi phí cao, dẫn đến việc một số người mua chất làm đầy kém chất lượng ở thị trường chợ đen. Đã có nhiều báo cáo, tài liệu y tế về những biến chứng nguy hiểm do sử dụng filler dạng này.
Tiêm các loại filler kém chất lượng có thể gây ra phản ứng dị ứng, nhiễm trùng hoặc làm chết tế bào da. Một số rủi ro khác do tiêm không đúng kỹ thuật là sưng tấy, vón cục, tắc mạch thậm chí dẫn đến mù lòa.