Maria Yoon là thế hệ đầu tiên mang 2 dòng máu Hàn – Mỹ sinh sống tại xứ cờ hoa. Cũng như nhiều cô gái khác, cô bị áp lực từ người cha là phải lấy chồng Hàn Quốc. Để đáp trả, Maria làm một chuyện “động trời”. Cô đi du lịch đến 50 bang ở Mỹ trong suốt 9 năm, cưới tổng cộng 54 lần với đàn ông, phụ nữ, thậm chí cả đồ vật vô tri vô giác. Hành trình của cô được ghi lại thành phim tài liệu mang tên Maria: Cô dâu Hàn Quốc.
Maria kết hôn ở Alaska. |
Yahoo! Travel có cuộc phỏng vấn với cô dâu Hàn Quốc này:
- Chị có thể chia sẻ về gia đình mình?
- Tôi sinh ra trong gia đình nhập cư, lớn lên tại Mỹ với tính cách kiểu Mỹ. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn mang nặng giá trị truyền thống. Tôi nghĩ rằng những người nhập cư ở đây thậm chí còn truyền thống hơn những người sống ở Hàn Quốc. Họ muốn tôi lấy một người chồng Hàn Quốc tử tế. Tôi là cả trong 3 người con. Khi tôi chưa lấy chồng thì bố mẹ bắt đầu lo lắng. Bố tôi thuyết giảng tôi về việc này, nó khó chịu đến nỗi tôi thôi không buồn gặp bạn bè nữa. Kể cả những ngày lễ tôi cũng không ra ngoài, vì tôi không muốn bị “lên lớp”. Em trai và em gái tôi làm đúng như bố mẹ muốn là lập gia đình và sinh con. Nhưng tôi nghĩ bố tôi cảm thấy chưa làm trọn bổn phận vì tôi chưa lấy chồng. Mẹ tôi thì thông cảm hơn và không nghĩ theo kiểu đó.
- Khi nào thì chị quyết định rằng kết hôn 50 lần là giải pháp?
- Xung đột với bố làm tôi có những ý nghĩ táo bạo. Là một người sáng tạo, tôi muốn nghĩ theo cách làm thế nào có thể diễn tả một vấn đề tẻ nhạt mà mọi nền văn hóa đều đối mặt. Tôi quyết định làm một cuốn lịch bằng cách tìm những người độc thân bất kỳ để họ cầu hôn với tôi, và tôi sẽ chụp ảnh. Có 50 chàng trai gõ cửa cầu hôn vì họ muốn có tên trong lịch. Nó giống như trang web hẹn hò Match.com ngoài đời thực vậy. Thật điên rồ! Nó bắt đầu bằng việc đương đầu với cuộc nói chuyện với bố tôi, nhưng mọi chuyện đã leo thang rất nhanh.
Đám cưới ở Hawaii. |
- Khi nào thì cuốn lịch của chị trở thành phim tài liệu?
- Sau khi cuốn lịch thành công, tôi nhận ra rằng tôi đã sai lầm. Ngay cả khi cuốn lịch được bán ra, tôi vẫn không thích ý tưởng này. Khi đó, bạn tôi trúng xổ số trị giá 45 triệu USD. Cậu ấy muốn tôi đến Las Vegas để ăn mừng và nói rằng cậu sẽ trả hết chi phí. Tôi nghĩ “Được, tôi sẽ mang trang phục Hàn Quốc truyền thống và sẽ kết hôn ở đấy”. Trong văn hóa Hàn Quốc, người mẹ thường mua trang phục đặc biệt cho con gái khi có sự kiện quan trọng như đám cưới. Vì vậy mẹ tôi cũng rất “chiến lược”, bà mua áo cho tôi để tôi thấy áp lực mà kết hôn. Tôi nghĩ, mình phải làm gì với bộ đồ này nhỉ? Đó là lý do tôi quyết định mang nó đến Las Vegas. Tôi quyết định sẽ cầu hôn và xem bao nhiêu người đồng ý.
- Chị gặp người chồng đầu tiên như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng ảnh thôi chưa đủ, và tôi phải thuê một người để quay video. Tôi mặc trang phục Hàn Quốc, đến một nhà hàng, và tôi đề nghị người bồi bàn kết hôn với tôi. Anh ta đồng ý. Nhưng rồi anh ấy bị ốm hay sao đó mà không đến được, vì thế anh để một người bạn đến thay, người này đồng ý lấy tôi mà chưa hề gặp mặt. Chúng tôi đã kết hôn ở nhà thờ. Sau đó tôi đến một show diễn, tôi phải lòng người đóng vai Diana Ross, thế là tôi cũng cưới luôn cô ấy.
Kết hôn với người đóng vai Diana Ross ở Las Vegas. |
- Khi nào chị quyết định kết hôn ở từng bang?
- Sau Las Vegas, cái tôi của tôi trở nên cao ngất. Tôi không nghĩ mọi chuyện lại dễ dàng đến thế. Tôi không thể dừng lại ở Las Vegas. Tôi phải đi đến tất cả 50 bang vì điều làm đất nước này tuyệt vời chính là các bang rất khác nhau, và tôi muốn biết càng nhiều người càng tốt. Tôi muốn biết liệu họ có sinh trưởng trong một gia đình hà khắc như tôi và có phải chịu áp lực kết hôn hay không.
- Những đám cưới đó có hợp pháp không?
- Không. Ban đầu tôi muốn sưu tập tất cả các giấy chứng nhận kết hôn làm quà lưu niệm, nhưng nó thật phức tạp. Mỗi bang lại có luật lệ khác nhau, vì vậy tôi quyết định không làm theo quy trình tốn kém ấy. Vì thế các đám cưới không hề hợp pháp. Điều đó cũng có nghĩa là tôi không bao giờ ly dị.
- Những đám cưới đó xảy ra như thế nào?
- Do chúng tôi không cưới hợp pháp nên các đám cưới chủ yếu tập trung về nghi lễ. Không đám nào giống đám nào vì tôi lấy những người khác nhau ở các bang khác nhau. Đôi khi đó là một bữa tiệc lớn, đôi khi chỉ nhỏ và riêng tư. Nhưng lần nào cũng thật đặc biệt.
Đám cưới ở Wyoming. |
- Chị di chuyển đến các thành phố như thế nào?
- Tôi đi khắp 50 bang, vì thế hiển nhiên là tôi phải bay rồi. Nhưng tôi lái xe cũng nhiều. Tôi thuê một chiếc xe và lái ở New England rồi Midwest. Như vậy tôi đi liên tục khoảng 7 bang một lúc.
- Chị gặp những người chồng của mình như thế nào?
- Ban đầu tôi liên tục uống tại các quán bar. Tôi cũng không biết tại sao giờ tôi vẫn sống sót được (Cười lớn). Tôi giao du với người địa phương, đến các thị trấn nhỏ và hỏi những người pha chế rượu xem ai còn độc thân và ưa mạo hiểm. Thỉnh thoảng tôi mặc đồ Hàn Quốc để gây sốc, còn những lúc khác thì ăn mặc bình thường. Tôi nhận ra rằng tiền cũng là một vấn đề, vì vậy tôi không thể ở lại một thành phố quá lâu. Vì thế trước khi đến, tôi hỏi bạn bè và người quen xem họ có biết ai muốn tham gia vụ này không.
- Ai là người chồng mà chị thích nhất?
- Ai cũng đặc biệt. Wyoming là bang ít người nhất, và con người ở đó cũng dễ thương nhất. Tôi kết hôn trên lưng ngựa với một chàng cao bồi thế hệ thứ 5. Tôi vẫn đến thăm anh hằng năm và gia đình anh thường gửi thiệp giáng sinh cho tôi. Bố anh còn hay xem Facebook của tôi. Thật kỳ quặc nhưng cũng thú vị. Họ không có điểm gì chung với tôi, nhưng họ yêu niềm đam mê nghệ thuật của tôi, và tôi tôn trọng cách sống của họ.
- Có tiếng sét ái tình nào trong các đám cưới không?
Trong hành trình của mình, tôi gặp một người. Chúng tôi từng là bạn bè trước đó, và sau đó bắt đầu hẹn hò, rồi anh trở thành một trong những người chồng của tôi. Chúng tôi duy trì quan hệ trong suốt 9 năm khi tôi quay phim tài liệu này. Anh ấy luôn ủng hộ dự án nhiệt tình, nhưng chúng tôi chia tay năm ngoái.
- Và chị không chỉ cưới đàn ông?
- Tôi cưới cả phụ nữ. Năm 2002, tôi cưới một người đồng tính nữ ở Massachusetts vì kết hôn đồng giới vừa được công nhận ở đó. Tôi còn lấy một phụ nữ ở San Francisco nữa. Tổng cộng tôi lấy 42 người, 36 đàn ông và 2 phụ nữ, 14 động vật và đồ vật như cầu Sông Gorge, cây phong, tượng đài Confederate, công viên Kelly Ingram, thành phố ma, sông Mississipi…
Kết hôn với chiếc chuông Liberty ở Philadelphia. |
- Chị mất bao lâu cho từng ấy đám cưới?
- Tôi mất khoảng 9 năm. Đám cưới cuối cùng là năm 2011.
- Bố mẹ chị phản ứng về phim tài liệu như thế nào?
- Mẹ tôi rất thích nó. Bà nói rằng bộ phim như một chiếc cầu vồng với những người khác nhau từ những giai đoạn cuộc đời kết hợp lại để tạo thành một thông điệp tuyệt đẹp. Bà cũng xuất hiện nhiều trong phim, nếu không có bà ấy thì dự án của tôi không thành công đến thế. Còn bố tôi vẫn không chấp nhận, ông vẫn chưa xem phim.
- Vậy ông vẫn chưa nhận ra thông điệp chị muốn gửi gắm về hôn nhân?
- Không, tôi vừa được biết là bố tôi còn đăng ký cho tôi trên trang web hẹn hò Match.com của Hàn Quốc. Ông ấy cố đóng giả tôi, nhưng cuối cùng bỏ cuộc vì “chất lượng” của các chàng trai trên đó rất tệ.
- Chị có gặp phản ứng tiêu cực nào trong chuyến đi của mình?
- Một số bang không được dễ chịu cho lắm, và tôi nhận ra rằng phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Có người bảo tôi về nước đi, điều này thật ngạc nhiên vì tôi là người Mỹ. Tôi mang hộ chiếu theo phòng khi cần. Khi ở Milwaukee, mọi người không chào đón ý tưởng của tôi. Tôi không muốn ra đi tay không, vì thế tôi kết hôn với chiếc áo của hãng bia Miller coi như đại diện cho bang.
Đám cưới với một phụ nữ ở Massachusetts. |
- Chị có lời khuyên gì cho những người du lịch khắp nước Mỹ?
- Tôi sẽ khuyến khích mọi người đến các thị trấn và thành phố nhỏ, gặp gỡ người địa phương. Tôi từng đến Buford, Wyo, nơi dân số chỉ có 1 người, vừa bán xăng vừa bán trong cửa hiệu. Anh ấy rất yêu đời vì được gặp nhiều người ghé đến mua xăng. Sau đó anh đã bán thị trấn, còn tôi không bao giờ quên trải nghiệm đó. Giờ chúng tôi vẫn là bạn tốt.
- Chị học được gì từ trải nghiệm này?
- Tôi học được rằng tình yêu đến từ nhiều thứ. Nó thật tuyệt. Mọi người nói rằng giờ đây tôi đã biết đến tình yêu, nhưng tôi nói rằng chưa đâu. Trong chúng ta một số người sinh ra để có tri kỷ, một số thì không. Nhưng tôi nhận ra người ở Mỹ tốt bụng thế nào, và đất nước rộng lớn ra sao. Mọi người nói hôn nhân là sự tiến hóa, còn tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời.