Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái livestrem giải đề Vật lý thu hút 1,6 triệu lượt xem

Minh Thu cho hay mình từng là học sinh cá biệt và phải thuyết phục gia đình để được theo ngành sư phạm.

Buổi livestream của Minh Thu tối 22/7 với tiêu đề "Đại cương con lắc lò xo" đạt 1,6 triệu lượt xem.

"Tôi rất bất ngờ. Buổi livestream đầu tiên chỉ có khoảng vài chục người xem. Số lượt xem tăng dần qua các buổi. Tôi biết một số diễn đàn có chia sẻ lại nhưng không nghĩ thu hút được nhiều người đến vậy", Trần Thị Minh Thu (24 tuổi) nói với Zing.

Co giao Vat ly noi tieng tren mang anh 1

Buổi livestream của Minh Thu có 1,6 triệu lượt xem.

Được chú ý trên mạng xã hội

Minh Thu cho biết cô từng học lớp chuyên Vật lý tại trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) trước khi học ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thời còn học cấp 3, Minh Thu đã mở lớp hỗ trợ học sinh THCS trong xã ôn thi vào trường chuyên. Lên đại học, cô gắn bó với công việc gia sư, luyện thi đại học trong 4 năm.

Minh Thu nói mình từng dạy STEM tại hai trường phổ thông liên cấp ở Hà Nội. Nhưng cách đây một tháng, khi dịch Covid-19 khiến việc dạy học tại trường cũng như dạy thêm tại nhà trì trệ, cô quyết định chuyển sang tập trung hoàn toàn ở mảng online.

Ngoại hình là một trong những yếu tố giúp cô gái này thu hút người xem trong các buổi livestream. Trần Thị Minh Thu thừa nhận mọi thứ đến quá nhanh khi cô mới chỉ tập trung cho nội dung của trang từ một tháng trước. Việc "nổi" quá nhanh, có cả ý kiến tích cực lẫn trái chiều, khiến cô có phần lo lắng do chưa chuẩn bị cho tình huống như vậy.

"Ngoại hình giúp tôi thu hút người xem lúc mới bắt đầu song để giữ chân học sinh, tôi cần đảm bảo chất lượng giảng dạy", Minh Thu tâm sự.

Trong những ngày hạn chế ra ngoài vì dịch Covid-19, việc phát sóng trực tiếp mang lại nhiều niềm vui cho cô gái. Cô có thể tương tác với học sinh. Số lượng học sinh gửi tin nhắn nhờ giải bài cũng tăng lên.

Mong muốn học sinh chọn cho mình cách học riêng

Khi phát sóng trực tiếp, Trần Thị Minh Thu thường thích trò chuyện, trao đổi với học sinh. Cô cũng chịu khó trả lời các bình luận để tương tác nhiều hơn.

"Có lẽ, việc từng là học sinh cá biệt giúp tôi hiểu và dễ tương tác với học trò. Nhiều khi các em nghịch ngợm chỉ để giải trí và làm tuổi học trò thú vị hơn. Tôi từng mong nếu gặp học sinh cá biệt, tôi vẫn yêu quý các em. Tôi chỉ cần các em tôn trọng mình", Thu tâm sự.

Cô gái nhớ lại hồi THCS thường đi học muộn, không mặc đồng phục, nói chuyện riêng, ăn quà vặt trong lớp và thỉnh thoảng trốn học. Là học sinh cá biệt nhất trường, không ít lần, cô phải lên gặp hiệu trưởng.

Lên cấp 3, cô vẫn phạm những lỗi như vậy. Tuy nhiên, cô nói rằng mình luôn tôn trọng giáo viên, không hỗn láo. Cô chỉ nghĩ tại sao học sinh không thể chọn cho mình cách học riêng, miễn là đảm bảo kết quả tốt.

Chính suy nghĩ đó thôi thúc cô học trò trường THPT chuyên ĐH Vinh lựa chọn ngành sư phạm. Tuy nhiên, lựa chọn này không được gia đình ủng hộ.

Năm đầu tiên, Minh Thu đấu tranh thất bại và nghe theo định hướng của bố mẹ, thi vào trường công an. Năm đó, cô không trúng tuyển.

Sang năm thứ hai, cô tiếp tục đấu tranh để được thi vào trường sư phạm. Lúc này, bố mẹ đã "xuôi xuôi". Đến nay, chứng kiến cách con gái gắn bó với nghề giáo, họ thừa nhận đây mới thực sự là nghề phù hợp với con.

Việc chuyển sang tập trung vào mảng online cũng giúp cô theo đuổi mục tiêu đặt ra từ trước - trở thành giáo viên tâm lý, được học trò yêu quý, tiếp cận nhiều học sinh.

Trần Thị Minh Thu dự định mở các buổi livestream trên nhóm kín có thu phí hoặc dạy học qua nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, cô chưa có kế hoạch cụ thể cho việc này.

Ngoài ra, trong 1-2 năm tới, Minh Thu sẽ đăng ký học cao học tại trường đại học trong hoặc ngoài nước để nâng cao chuyên môn.

Cho con bận rộn trong mùa dịch để cuộc sống đỡ xáo trộn

Ở nhà vì dịch, thay vì cắm cúi vào TV, điện thoại, con chị Huyền bận rộn với các trò chơi, đọc sách, làm việc nhà. Nhờ đó, chị vẫn có thể dành thời gian rảnh rỗi cho bản thân.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm