Đó là câu chuyện về một nữ bệnh nhân tên A. (19 tuổi) được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ trong hội thảo với chủ đề "Rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực: Triệu chứng và nguy cơ".
Cảm xúc liên tục thay đổi
Mẹ bệnh nhân cho biết cô là con đầu trong gia đình, được mọi người đánh giá ngoan ngoãn, hiền lành, ít bạn bè, học lực khá. Hai năm trước, cô thấy mình vui vẻ quá mức, nhiều năng lượng và làm việc không biết mệt mỏi.
Ngoài ra, A. ngủ ít nhưng vẫn thấy mình rất khỏe, có thể làm mọi việc. Bệnh nhân tăng mua sắm như quần áo, giày dép, vượt quá khả năng chi tiêu. Các triệu chứng trên kéo dài 3 tháng rồi giảm dần.
Sau đó một năm, A. lại rơi vào buồn chán, không muốn làm việc gì, sụt cân nhẹ, mất ngủ, có đêm thức trắng và cảm thấy bi quan, thậm chí nhiều lần nghĩ đến cái chết.
Sau nhiều đợt có biểu hiện bất thường, cô gái được gia đình đưa đi khám. Ảnh minh họa: Askany. |
Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, các triệu chứng trên tự thuyên giảm. Bố mẹ cũng chỉ nghĩ là con thay đổi tình tình tuổi mới lớn.
Ba tuần trước khi vào viện, cô gái lại xuất hiện triệu chứng như cách đây 2 năm là vui vẻ quá mức, thấy nhiều năng lượng. Bệnh nhân dù mất ngủ nhưng vẫn thấy mình khỏe, có thể làm việc được. Đặc biệt, A. tăng nhu cầu tình dục, thậm chí quan hệ bừa bãi với nhiều người.
Cô cũng có nhiều ý tưởng kinh doanh, ấp ủ dự định mở cửa hàng quần áo, công ty xuyên quốc gia. Khi thấy có biểu hiện bất thường, người thân khuyên bảo nhưng A. không nghe. Triệu chứng ngày càng nặng lên, ảnh hưởng đến công việc nên A. được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần thăm khám.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân nói nhiều, có triệu chứng của hội chứng hưng cảm, hoang tưởng tự cao.
Kết quả, bác sĩ chẩn đoán cô gái bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Sau đó, A. được cho điều trị nội trú 15 ngày, kết hợp điều trị dùng thuốc và trị liệu tâm lý.
Nguyên nhân gây bệnh
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ái Vân cho biết người mắc rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực có thể do gene di truyền.
Nghiên cứu sinh đôi cũng thấy rằng tỷ lệ giữa các cặp song sinh cùng trứng khoảng 60-80%, trong khi chỉ khoảng 20% ở song sinh khác trứng. Ngoài ra, bệnh còn có nguyên nhân sinh học hoặc biến đổi hình ảnh học của não bộ.
Theo bác sĩ Vân, ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc rối loạn hưng cảm, cụ thể:
- Căng thẳng trong cuộc sống được cho là yếu tố kích hoạt giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm ở người có nguy cơ cao. Các sự kiện gây căng thẳng như mất người thân, ly hôn hoặc mất việc có thể làm gia tăng khả năng khởi phát triệu chứng bệnh.
- Rối loạn trong nhịp sinh học cũng là yếu tố tâm lý xã hội có liên quan. Các thay đổi trong nhịp sinh học như thiếu ngủ hoặc làm việc theo ca, có thể dẫn đến mất cân bằng hóa học trong não, làm tăng nguy cơ giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm.
- Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể làm tăng nguy cơ tái phát các giai đoạn bệnh.
Căng thẳng trong cuộc sống được cho là yếu tố kích hoạt giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm ở người có nguy cơ cao. Ảnh: Nospensees. |
Vị chuyên gia cũng thông tin để nhận biết người bị rối loạn hưng cảm cần quan sát những dấu hiệu sau:
- Vui vẻ quá mức: Biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh.
- Ca hát liên tục, họ gây ồn ào và phiền toái cho những người xung quanh, đặc biệt vào giờ làm việc hoặc giờ ngủ.
- Giảm nhu cầu ngủ: Biểu hiện thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ nhưng không thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống.
- Nói nhiều, nói nhanh: Bệnh nhân thường có áp lực phải nói, nói to, nói nhanh và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Họ nói về mọi chủ đề, từ chủ đề này sang ngay chủ đề khác.
- Tư duy phi tán: Ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ nhưng vẫn có mối liên kết với nhau. Khi bùng nổ ý nghĩ của bệnh nhân quá nặng nề, ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn và mất phù hợp.
- Phân tán chú ý: Mất khả năng tập trung chú ý. Họ không tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài.
- Tăng hoạt động ưa thích: Họ có thể mua sắm rất nhiều, vượt xa khả năng chỉ trả. Bệnh nhân có thể tham gia kinh doanh, gây ra các tổn thất về tài chính to lớn cho bản thân, gia đình và cơ quan.
- Tự cao: Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường, có thể đạt đến mức độ hoang tưởng.
Những người mắc rối loạn này, nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ như công việc, sức khỏe và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Do vậy, khi phát hiện người thân có dấu hiệu trên, hãy đưa đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn