Ê-kíp phẫu thuật thăm khám cho nữ bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, K.V.S., 23 tuổi, người Lào, nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Gia đình của nữ bệnh nhân cho hay cách đây hơn một năm, do mâu thuẫn trong cuộc sống cá nhân, S. đã uống hóa chất tẩy rửa bồn cầu để kết thúc cuộc sống, được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Đường tiêu hóa trên của S. bị bỏng nặng, quá trình tổn thương tiến triển nặng dần, từ không nuốt được thức ăn đặc đến 3 tháng trở lại đây ngay cả nước cũng không uống được. Bệnh nhân đã đi nhiều cơ sở y tế ở thủ đô Viên Chăn - Lào, thực hiện nhiều phương pháp điều trị tại Việt Nam từ nong thực quản, đặt stent nhưng đều không hiệu quả.
PGS.TS Trần Mạnh Hùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người bệnh vào viện cách đây 2 tháng trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Từ một cô gái khỏe mạnh, 74 kg, đến lúc nhập viện chỉ còn 34 kg, không còn sức sống.
Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị bỏng toàn bộ đường tiêu hóa trên do chất ăn mòn gây co rút, chít hẹp và thắt chặt toàn bộ thực quản. Đứng trước một bệnh nhân với tình trạng bệnh lý nặng mà tuổi đời còn rất trẻ, bài toán đặt ra cho các bác sĩ là làm thế nào để giúp S. trở về cuộc sống bình thường.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật mở thông dạ dày để nuôi dưỡng tích cực qua đường tiêu hóa, khi tình trạng toàn thân của bệnh nhân cho phép sẽ phẫu thuật cắt thực quản và tạo hình lại đường tiêu hóa trên.
Sau một tháng nỗ lực nuôi dưỡng qua mở thông dạ dày, tình trạng toàn thân của người bệnh được cải thiện dần, cân nặng của bệnh nhân đã tăng 10 kg, chỉ số BMI đảm bảo tiêu chuẩn để tiến hành ca phẫu thuật lớn.
Ê-kíp phẫu thuật cắt thực quản cho người bệnh. Ảnh: BVCC. |
Ngày 23/4 ê-kíp tiến hành phẫu thuật nội soi cắt thực quản, tạo hình lại đường tiêu hóa trên cho bệnh nhân. Sau 8 giờ phẫu thuật ca mổ đã thành công.
"Để có được thành công của ca bệnh này, ê-kíp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản từng bước, lựa chọn những phương án xử lý an toàn và hiệu quả ngay từ ban đầu", PGS Hùng đánh giá.
Sau mổ, bệnh nhân diễn biến thuận lợi, ngày thứ 8 sau mổ đã có thể tự ăn cháo. Hiện người bệnh có thể tự ăn cơm, tinh thần thoải mái, vui vẻ và được xuất viện.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.