Trang bị đủ kiến thức có thể giảm các nguy cơ mắc ung thư. Ảnh: Fortune. |
Bệnh ung thư khởi phát sớm, được định nghĩa là các trường hợp ung thư được chẩn đoán ở những người dưới 50 tuổi, trên toàn cầu đã tăng lên mức đáng lo ngại là 79%.
Tại Mỹ, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) cho biết tỷ lệ ung thư theo nhân khẩu học đang ngày càng trẻ hóa. Những người trên 50 tuổi mắc ung thư nhìn chung giảm trong giai đoạn 1995-2020, trong khi đà tăng lại đến từ những người dưới 50 tuổi, theo CNN.
Vì sao người trẻ càng dễ mắc ung thư hơn?
Bác sĩ Leana Wen, phó giáo sư tại Đại học George Washington, Mỹ cho biết các loại ung thư khởi phát sớm có tỷ lệ tử vong thuộc nhóm cao nhất hiện nay là ung thư vú; ung thư khí quản, phế quản và phổi; ung thư dạ dày và ung thư đại tràng, theo nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí BMJ Oncology.
Báo cáo của ACS cũng chỉ ra tại Mỹ, ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư cao nhất ở nam giới dưới 50 tuổi, và cao thứ 2 ở nữ giới dưới 50 tuổi.
Theo bà Wen, một số nhà nghiên cứu cho rằng sự gia tăng của tỷ lệ mắc tiểu đường cũng dẫn đến nguy cơ mắc ung thư khởi phát sớm. Những thay đổi trong thói quen ăn uống, đặc biệt là ăn đồ chế biến sẵn và lối sống ít vận động cũng dẫn đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Những ý kiến khác lại hướng đến yếu tố môi trường, chẳng hạn chất gây ung thư xuất hiện trong không khí, nước và nguồn cung thực phẩm.
Tầm quan trọng của sàng lọc ung thư sớm
Bác sĩ Leana Wen cho hay các khuyến nghị về độ tuổi sàng lọc ung thư ngày càng giảm, chẳng hạn khuyến nghị sàng lọc ung thư đại tràng hiện nay là 45 tuổi, so với 50 tuổi như trước đây.
Theo ACS, cứ 3 người đủ điều kiện sàng lọc ung thư đại tràng thì có một người chưa bao giờ trải qua bất kỳ đợt kiểm tra nào. Một số cuộc khảo sát chỉ ra có tới 59% phụ nữ từ bỏ việc chụp quang tuyến vú hàng năm.
Mọi người có thể bỏ qua các kiểm tra này vì một số lý do, chẳng hạn bận rộn công việc hay phải chăm sóc gia đình. Số khác nghĩ rằng họ còn trẻ, khỏe mạnh và vẫn cảm thấy ổn. Tuy nhiên, nhiều bệnh ung thư không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đó là lý do việc sàng lọc là cần thiết, để phát hiện sớm những bệnh ung thư và tăng khả năng chữa khỏi, theo bà Wen.
“Điều quan trọng là mọi người phải biết rủi ro của mình. Cụ thể, họ cần biết về tiền sử gia đình, cũng như liệu họ có mắc các bệnh lý hoặc lối sống làm tăng nguy cơ mắc ung thư khởi phát sớm hay không”, bà nói.
Các cơ quan y tế cân nhắc hạ thấp độ tuổi nên sàng lọc ung thư trước thực trạng người trẻ mắc ung thư tăng cao. Ảnh: New York Post/Getty. |
Hạn chế các tác nhân gây ung thư
Hút thuốc và uống nhiều rượu bia là những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư. Bỏ hút thuốc và giảm uống rượu là những bước quan trọng, theo bà Wen. Ngoài ra. chỉ một hoặc hai phút tập thể dục cường độ cao mỗi ngày cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Những thay đổi trong lối sống này không chỉ làm giảm nguy cơ ung thư mà còn làm giảm khả năng mắc bệnh tim và tử vong sớm.
Các cơ quan y tế cũng khuyến cáo hạn chế thịt chế biến sẵn. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt thịt chế biến sẵn vào danh sách chất gây ung thư. Lindsey Wohlford, chuyên gia dinh dưỡng sức khỏe tại Trung tâm Ung thư Anderson, dẫn các nghiên cứu nói rằng ăn các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói và thịt nguội có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày và đại tràng.
Trong khi đó Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo “tất cả đồ uống có cồn, bao gồm rượu vang đỏ và trắng, bia và rượu mạnh, đều liên quan đến ung thư. Càng uống nhiều, nguy cơ ung thư càng cao”.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.