Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành marketing, Phan Xuân An (38 tuổi) làm cho một tổ chức tài chính vi mô suốt 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, cô vài lần thay đổi vị trí chuyên môn như kế toán, tín dụng và thay đổi môi trường làm việc.
Công việc cũ khiến An luôn cảm thấy bí bách, muốn từ bỏ.
Sau hơn 10 năm làm văn phòng, Xuân An hạnh phúc khi tự "giải thoát" mình và tìm được công việc yêu thích. |
Như bạn bè đồng trang lứa, An được gia đình hướng đến thứ gọi là "công việc ổn định". Dù có được cảm giác an toàn, chắc chắn từ đó, cô luôn trăn trở, loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi có thực sự yêu thích công việc ấy hay không.
“Làm lâu một chỗ khiến tôi dần ngại sự thay đổi, mang nỗi sợ mơ hồ rằng cái mới sẽ không tốt bằng cái hiện tại, sợ nhảy việc thì khả năng thất bại rất cao”, An tâm sự với Zing.
Đến năm 2020, thời điểm cả bản thân và người xung quanh đều nghĩ An tiếp tục bình ổn như vậy, cô lại quyết định bước khỏi vùng an toàn.
Nghỉ việc ở tổ chức tài chính cũ, chuyển sang làm công ty tư nhân rồi cuối cùng trở thành huấn luyện viên yoga online toàn thời gian, cô nói hạnh phúc với bước ngoặt trong cuộc đời.
Ra khỏi vùng an toàn
Phan Xuân An chia sẻ cô biết đến yoga từ lâu nhưng chỉ coi đó là bộ môn rèn luyện sức khỏe. An từng tham gia tập ở vài CLB khác nhau nhưng không lần nào đủ kiên trì theo đuổi quá 3 tháng.
Cho đến khi chuyển sang công ty mới, một đồng nghiệp chung nhóm rủ tập thử, An mới tham gia. Giai đoạn đầu, phải có động lực từ đồng nghiệp, cô mới đến phòng tập mỗi ngày.
“Sau một tháng, lớp thay HLV do hết hợp đồng với người cũ. Như mối duyên với HLV mới, một người còn khá trẻ nhưng đã có thâm niên với môn này, tôi nhận được nhiều năng lượng tích cực, cảm hứng từ bạn ấy. Đó cũng chính là người thầy, người bạn, người đồng hành dẫn dắt tôi đến với nghề HLV yoga”.
Phan Xuân An tìm được đam mê với yoga. |
Dần dần đam mê, An dành nhiều thời gian hơn cho tập luyện, nhận thấy nhiều thay đổi của bản thân cả về tinh thần lẫn thể chất.
“Tôi chợt nghĩ sao mình không học thêm để có thể chia sẻ cái hay đến nhiều người. HLV đã hướng dẫn tôi, cũng là lần đầu tiên bạn ấy hướng dẫn cho người khác trở thành người dạy yoga”, An nói.
Thời gian mới làm HLV, An duy trì công việc văn phòng, chỉ tối về mới dạy thêm 1-2 lớp như một nghề tay trái cho thỏa đam mê. Ngoài đi dạy ở trung tâm, cô còn kêu gọi đồng nghiệp tập lập nhóm yoga để mình dạy.
“Một tuần tôi dành 3 buổi dạy trung tâm và 2 buổi tập với các bạn đồng nghiệp. Như vậy vừa giúp mọi người rèn luyện sức khoẻ, vừa tạo phong trào trong công ty, tạo sự gắn kết giữa các phòng ban, còn bản thân thì rèn luyện thêm kỹ năng đứng lớp”.
Sau một thời gian, Xuân An nhận thấy mình gần như không thuộc về môi trường công sở bởi một ngày gần 12 tiếng ở văn phòng quá áp lực và gò bó. Xuân An quyết định nghỉ, lần này nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn lần trước.
Cô dừng cả việc dạy yoga, chỉ để nghỉ ngơi như một cách "nạp pin" cho bản thân.
“Người thầy dạy yoga cũ rủ rê ‘đi dạy full time với em đi'. Lần này là dạy yoga cho các mẹ bầu. Tôi thấy mình và bạn ấy rất có duyên, đó là người dồi dào năng lượng, không bao giờ cho phép bản thân dừng lại, luôn tìm thấy cơ hội trong những khó khăn”.
Xuân An nhanh chóng nhận lời, bởi với một người thích xê dịch và mê du lịch như cô, dạy online hoàn toàn phù hợp.
“Chỉ cần có thảm, không gian vừa đủ, một thiết bị kết nối mạng thì dù HLV và học viên có đang ở đâu, giờ học vẫn có thể diễn ra. Nhiều học viên bận rộn nhưng đam mê luyện tập, họ vẫn có thể tranh thủ lúc 5h sáng hoặc 12h trưa, lúc con ngủ hoặc giờ giải lao ở chỗ làm để học yoga”.
Được và mất
Xuân An nói thấy rất may mắn vì từ trước tới nay, mọi sự lựa chọn của mình đều không gặp bất kỳ phản đối nào từ gia đình, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, dù có lúc không vừa lòng, người thân cũng để cô được tự quyết.
Từ một nhân viên văn phòng, ngày làm 8-10 tiếng, thu nhập tương đối ổn định, chuyển sang công việc mới, cuộc sống của cô có nhiều thay đổi. “Có khi ngày chỉ làm 1-5 tiếng, thu nhập không cố định, lúc người khác làm thì mình nghỉ, còn khi người khác nghỉ thì mình đi làm”.
Công việc mới giúp cô có nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình và bạn bè. |
Hiện tại cô có lịch dạy rải rác cả ngày. Thời gian trống, cô thích đến phòng tập, có khi ở lì trong đó 3-4 tiếng, tập hết lớp này đến lớp khác. Ngoài lúc tập, cô có thời gian làm các công việc của một bà nội trợ như chợ búa, cơm nước, giặt giũ, quét dọn.
Xuân An không còn mua sắm đầm váy, giày cao gót, túi xách, đồ trang điểm, nước hoa như trước mà thay bằng giày và quần áo thể thao, balo gọn nhẹ. “Tôi nhẹ nhõm hơn khi đầu óc không còn bận rộn thường trực với những con số hay những mối quan hệ phòng ban phức tạp”.
Chuyển sang công việc mới, cô nhận ra có những cái “được” và “mất” song mọi thứ không rõ ràng để phân định và tùy thời điểm.
“Ví dụ như thu nhập của tôi sẽ ít hơn là cái ‘mất’ nhưng đổi lại tôi được thong thả đầu óc. Bây giờ thu nhập ít nhưng bù lại tôi không tốn các khoản chi cho những mối quan hệ công việc như trước đây, nên số tiền tiết kiệm được có khi lại nhiều hơn. Giờ có thời gian thư thả, ít tính toán, tôi nghĩ mình phải tìm thêm nhiều cái khác để học, để đọc giúp rèn luyện trí não”, cô giải thích.
“Khoảng vài tuần đến một tháng, tôi thường đi du lịch một lần, có khi với bạn, khi đi với gia đình, hoặc không ai rảnh thì đi một mình. Đó là khoảng thời gian tôi được nạp đầy năng lượng, tăng thêm khả năng sáng tạo và làm mới bản thân”.
Ở thời điểm hiện tại, Xuân An thấy mình có nhiều đam mê với công việc này, đặc biệt khi mỗi ngày đến lớp được chia sẻ nhiều niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. “Tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này lâu và đang ấp ủ vài dự án cộng đồng khác liên quan đến yoga”.
“Nếu đang loay hoay trong lựa chọn của mình, tôi nghĩ đôi khi chúng ta phải dừng lại hỏi xem bản thân mình muốn gì, cần gì, và điều gì ở thời điểm này làm cho mình hạnh phúc. Đã chọn, thì mạnh dạn bước. Bởi mọi thứ khó phân định đúng hay sai”, cô bày tỏ.