Một buổi sáng tháng 1/2015, Chanel Miller được phát hiện nằm bất tỉnh, trần truồng giữa bãi rác bên ngoài bữa tiệc của Đại học Stanford (Mỹ) diễn ra tối hôm trước.
Miller bị một nam sinh cùng trường tấn công tình dục trong tình trạng say xỉn.
Nhiều năm sau đó, cô chỉ được xác định là một nạn nhân với tên giả Emily Doe. Trong chương trình 60 Minutes của CBS, Miller nói ở thời điểm đó cô quyết định giấu tên vì không muốn kết thúc giấc mơ viết sách cho trẻ em.
“Tôi nghĩ không bậc cha mẹ nào muốn con cái họ thần tượng một kẻ say xỉn, bị vứt bỏ với cơ thể trần truồng ở một bãi rác”, Miller nói.
Chanel Miller, nạn nhân vụ tấn công tình dục tại Đại học Stanford năm 2015 lần đầu công khai danh tính. |
Giữa năm 2016, kẻ tấn công Miller, Brock Turner đã bị kết án về tội tấn công với ý định hãm hiếp một người bất tỉnh.
Turner, cựu vận động viên bơi lội của Đại học Stanford, nhận án 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Nhưng chỉ sau 3 tháng, anh ta đã được trả tự do vì “cải tạo tốt”.
Vụ việc đã khiến dư luận, đặc biệt là Miller vô cùng bức xúc. Cô gái 27 tuổi quyết tâm tìm lại công lý cho chính mình khi phát hành cuốn hồi ký Know my name vào tháng 9 vừa qua.
Trong hồi ký, Miller lần đầu tiên công khai danh tính và kể tường tận những gì cô đã trải qua sau vụ án rúng động Stanford 4 năm trước.
Cuốn sách bắt đầu với ký ức của Miller về buổi tối ác mộng khi cùng em gái tham dự bữa tiệc tại trường đại học. Cô mô tả cảm giác kinh hoàng khi thức dậy trong bệnh viện và không nhớ bất kỳ điều gì nhưng không một ai muốn kể chuyện đã xảy ra với cô.
Brock Turner bị kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế về tội tấn công với ý định hãm hiếp một người bất tỉnh. |
Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả. Miller nói rằng những bình luận trực tuyến có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân sau đó đã "giết" cô một lần nữa. Bức ảnh chụp cô không một mảnh vải che thân giữa bãi rác xuất hiện trên khắp các diễn đàn.
“Cha tôi gần như chết đi khi thấy nó. Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ bệnh hoạn rằng tôi đáng bị như vậy vì say xỉn”, 9X nói.
Không chỉ đấu tranh cho bản thân, tiếng nói của Miller đã góp phần thúc đẩy sự thay đổi, đặc biệt trong phong trào #Metoo tại Mỹ, quốc gia có 1/3 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Alaleh Kianerci, công tố viên trong vụ án của Miller, nói tại chương trình 60 Minutes: “Luật pháp đã thay đổi nhờ vào cô ấy (Miller)”.
Sau vụ việc, cựu thống đốc bang California Jerry Brown đã ký hai dự luật, trong đó tạo ra các án tù bắt buộc cũng như mở rộng định nghĩa về tội phạm hiếp dâm.