Cô gái xinh đẹp đam mê mãnh liệt nghề đầu bếp
Ngô Thanh Thúy, sinh viên khoa Văn hóa học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã đoạt giải nhất cuộc thi “Tôi có thể”, sau khi thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với nghề đầu bếp.
Ngô Thanh Thúy - Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Vì sao đang học ngành văn hóa học nhưng Thúy lại mơ ước trở thành đầu bếp?
- Mình nhớ những lời thầy chủ nhiệm mình đã nói, đó là đại học không phải là nơi chuyên đào tạo nghề mà để giúp rèn luyện khả năng tư duy, tiếp nhận và nghiên cứu cái mới, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho môi trường làm việc sau này và rộng hơn là môi trường sống. Nếu nắm trong tay những điều đó thì bạn có thể làm bất kỳ công việc gì mình muốn.
Mặt khác, văn hóa học là một ngành chuyên nghiên cứu về văn hóa, trong đó có ẩm thực. Món ăn của bạn sẽ không được đánh giá cao nếu thực khách không ăn được hoặc không thích. Vì vậy, việc nấu ăn phải hướng vào đối tượng thưởng thức. Và, để hiểu được họ không gì bằng là hiểu được văn hóa của họ.
- Theo Thúy, làm thế nào để trở thành một đầu bếp giỏi, thành công?
- Một người đầu bếp giỏi đòi hỏi phải có rất nhiều yếu tố, như: niềm đam mê, tính sáng tạo, lòng kiên trì, kiến thức chuyên môn vững chắc, sức khỏe tốt, có khả năng làm việc trong môi trường áp lực cao... Trong đó, khả năng sáng tạo là điều quan trọng nhất, bởi nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là một nghệ sĩ. Sáng tạo sẽ giúp người đầu bếp phát triển, theo đuổi niềm đam mê và khẳng định thương hiệu của bản thân.
Nói cách khác, ẩm thực là yếu tố góp phần làm nên văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền, quốc gia. Đề cập đến văn hóa là nhấn mạnh đến những đặc trưng, khác biệt. Vì vậy, sẽ chẳng có gì là thú vị nếu ẩm thực chỉ dừng lại ở mức độ bắt chước.
- Một số phụ huynh không thích con em mình làm đầu bếp, vì cho rằng nghề đầu bếp không “sang”, không “oách”, bạn nghĩ gì về đều này?
- Mình không quan trọng là “sang” hay “oách”, miễn sao bản thân mình sống có ích, mang lại nhiều giá trị, niềm vui, hạnh phúc cho người khác
Vấn đề “sang”, “oách” là do cách đánh giá khách quan của mọi người và chủ quan của người trong nghề. Tuy nhiên, mình không quan trọng là “sang” hay “oách”, miễn sao bản thân mình sống có ích, mang lại nhiều giá trị, niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
Có lẽ ngày nay, quan niệm về nghề bếp đã thay đổi. Nghề bếp ngày càng phát triển và chiếm vị trí quan trọng trong xã hội, đặc biệt là khi xã hội hiện đại, con người có ít thời gian để tự nấu những bữa cơm gia đình hay những bữa tiệc mời bạn bè, khách khứa.
- Gia đình có ủng hộ Thúy theo nghề này?
- Gia đình rất ủng hộ và tạo điều kiện cho mình thể hiện niềm đam mê này. Bố mẹ luôn cảm thấy tự hào và có chút gì đó an tâm về con cái của mình.
Theo mình, cha mẹ sẽ vô cùng hạnh phúc khi con cái biết phụ giúp mình. Mình nghe những phụ huynh than vãn nhiều về vấn đề con họ không biết nấu cơm. Một mặt, họ bày tỏ mong muốn được con cái phụ giúp. Mặt khác quan trọng hơn, là muốn con học làm, biết tự chăm sóc bản thân để có thể sống tự lập và sau này biết chăm sóc cho gia đình riêng của mình.
- Nhiều thí sinh đang phân vân chọn ngành nghề trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Thúy có nhắn nhủ gì với các bạn ấy?
- Theo quan điểm cá nhân mình, điều quan trọng không phải các bạn sẽ chọn con đường nào để đến đích mà là các bạn sẽ làm gì trên con đường đến đích đó. Cho dù các bạn có chọn được con đường tốt nhất, dễ đi nhất nhưng nếu không phấn đấu, rèn luyện, kiên cường thì cũng có thể sẽ đến đích chậm hơn so với những người còn lại.
Theo Thanh Niên