Cựu tổng thống Obama đeo đồng hồ Shinola Runwell trị giá 595 USD khi đi xem bóng rổ. Ảnh: Ethan Miller. |
Dù có khả năng sở hữu nhiều mẫu đồng hồ đắt đỏ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa xuất hiện tại trận đấu diễn tập giữa đội tuyển bóng rổ Mỹ và Canada với cỗ máy thời gian Shinola Runwell trị giá 595 USD.
Món phụ kiện cổ tay được lắp ráp tại Detroit (Michigan, Mỹ). Đeo chiếc đồng hồ này trên cổ tay, ông Obama thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với các sản phẩm nội địa Mỹ, đồng thời ngầm cổ vũ tinh thần đội tuyển bóng rổ của quốc gia này trong trận đấu trước thềm Thế vận hội Olympic Paris 2024, theo GQ.
Thương hiệu Shinola nỗ lực đem đến những mẫu đồng hồ cơ sở hữu mức giá phải chăng, được sản xuất tại Mỹ, chinh phục người tiêu dùng trong nước. Ảnh: Shinola. |
Đồng hồ ‘made in USA’
Shinola vốn là thương hiệu si đánh giày nổi tiếng của Mỹ. Năm 2011, doanh nhân Tom Kartsotis, người sáng lập Fossil, nảy ra một ý tưởng độc đáo, quyết định thành lập một công ty chuyên về phong cách sống mượn tên của nhà sản xuất si giày đã ngừng hoạt động này.
Nhà sáng lập tin rằng người dân Mỹ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm được sản xuất trong nước. Thực tế, niềm tin của Tom Kartsotis hoàn toàn có cơ sở. Các mặt hàng của Shinola được người tiêu dùng Mỹ đón nhận.
Vài năm trước, thương hiệu này bị “tố” không thực hiện 100% sản phẩm tại Mỹ như tiếp thị. Cụ thể, doanh nghiệp lắp ráp đồng hồ tại Detroit (bang Michigan), song sử dụng một số bộ phận, chi tiết được sản xuất ở quốc gia khác.
Tuy nhiên, nhãn hàng đã dần vượt qua được cáo buộc này, trình làng chiếc đồng hồ cơ đầu tiên vào năm 2017, tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm. Phần lớn đồng hồ đến từ Shinola có giá cả phải chăng dưới 1.000 USD, phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng Mỹ.
Cựu tổng thống Obama thể hiện sự ủng hộ với hàng thời trang nội địa Mỹ, nỗ lực thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp đồng hồ của quốc gia này. Ảnh: Ethan Miller. |
Đồng hồ của Obama
Chiếc Shinola trên cổ tay cựu Tổng thống Obama nằm trong bộ sưu tập Runwell, sở hữu kích thước 41 mm. Lớp vỏ đồng hồ được làm từ thép không gỉ, lấy cảm hứng từ đồng hồ chiến hào trong Thế chiến thứ I, có vấu dạng dây, núm vặn hình củ hành và vòng bezel nhẵn bóng.
Mặt số cũng được lấy ý tưởng từ đồng hồ bỏ túi và đồng hồ chiến hào cổ điển của Mỹ. Mặc số phụ báo giây được đặt ở vị trí 6 giờ, trở thành điểm nhấn trên nền số. Bộ kim chỉ hình thanh kiếm được phủ một lớp sơn dạ quang, giúp việc đọc giờ trong bóng tối trở nên dễ dàng hơn.
Tên thương hiệu, bộ máy và địa điểm sản xuất Detroit đều được in trên mặt cỗ máy thời gian, thể hiện niềm tự hào của nhà sản xuất đồng hồ Mỹ.
Món phụ kiện cổ tay được trang bị bộ máy thạch anh Argonite 106, chống thấm nước ở độ sâu 50 m. Chiếc Shinola Runwell chỉ dày 10,1 mm, tạo cảm giác nhẹ nhàng khi đeo trên cổ tay, kết hợp với dây đeo da màu nâu lộ đường khâu. Thiết kế thanh lịch, sang trọng và cổ điển này đặc biệt phù hợp với phong cách thời trang tối giản, lịch thiệp, chỉn chu của cựu tổng thống.
Với mức giá 595 USD, món đồ phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng. Obama không chỉ đeo, mà còn coi đồng hồ Shinola là quà tặng những người thân yêu.
Chủ sở hữu thương hiệu Tom Kartsotis có lẽ không nghĩ đến viễn cảnh sản phẩm của mình được cựu Tổng thống Mỹ ưa chuộng, yêu thích. Với sự ủng hộ này, Obama cho thấy nỗ lực trong việc quảng bá, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ Mỹ.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.