Những chiếc áo phông in hình ông Trump giơ nắm đấm tức giận sau khi thoát chết trong gang tấc được bày bán tại nhiều cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Đồ họa: Linh Vũ. |
Một vụ nổ súng đã xảy ra trong cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/7 (theo giờ địa phương). Trong đó, hãng tin AP ghi lại được khoảnh khắc ông Trump giơ nắm đấm với một bên tai chảy máu.
Chưa đầy 3 tiếng sau, lô áo phông đầu tiên in hình ảnh mang tính biểu tượng này xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc, theo SCMP.
Người bán hàng Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh, đăng tải hình ảnh áo phông về vụ ám sát hụt lên sàn thương mại điện tử Taobao sau chưa đầy 3 tiếng kể từ khi sự kiện diễn ra. Ảnh: Taobao. |
Nắm bắt cơ hội kinh doanh
Li Jinwei (25 tuổi), một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử Taobao, nhanh chóng đăng tải hình ảnh về sản phẩm áo phông lên một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.
“Chúng tôi mở bán áo phông trên Taobao ngay sau khi tin tức về vụ xả súng xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội. Đây là quyết định liều lĩnh vì chúng tôi thậm chí chưa in chiếc áo nào. Trong vòng 3 tiếng, đơn vị của tôi ghi nhận hơn 2.000 đơn đặt hàng từ cả Trung Quốc và Mỹ”, người bán hàng này nói.
Nhà máy của Li có trụ sở tại Hà Bắc (Trung Quốc). Để tạo ra một sản phẩm mới, cô chỉ cần tải xuống một hình ảnh và in ấn. Đơn vị này mất trung bình 1 phút để hoàn thiện 1 chiếc áo phông.
“Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng tôi làm nhiều món đồ lưu niệm in hình ảnh Trump. Chúng tôi nghĩ rằng ông ấy có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng đặc biệt yêu thích chính trị gia này”, Li nói.
Những chiếc áo phông, đồ lưu niệm liên quan đến cuộc bầu cử mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều đơn vị may mặc, sản xuất. Ảnh: Reddit. |
Nền công nghiệp áo phông bầu cử
Theo Allen Yao, nhà đồng sáng lập của thương hiệu Xinflying Digital Printing Production có trụ sở tại Quảng Đông (Trung Quốc), nhu cầu về áo phông thiết kế theo chủ đề cuộc bầu cử ở thị trường Mỹ được đánh giá là tương đối lớn.
Đầu năm nay, Yao nắm bắt thời cơ, mở một nhà máy tự động tại California (Mỹ) với sản lượng khoảng 3.000 chiếc áo phông/ngày. Tổng công suất dự kiến sẽ tăng lên mốc 8.000 chiếc vào tháng tới.
“Những chiếc áo phông này được nhập khẩu từ Việt Nam, lưu trữ trong các kho hàng của Mỹ, được in ấn và sản xuất với tốc độ chóng mặt”, Yao chia sẻ.
Một máy in kỹ thuật số có thể in khoảng 8 chiếc áo phông liên quan đến bầu cử trong 1 giờ. Những chiếc áo này lập tức xuất hiện trên kệ của các cửa hàng tại California.
“Nhu cầu ngày càng lớn. Chúng tôi không kịp sản xuất để bán”, Allen Yao chia sẻ.
Công ty này cũng có kế hoạch mở một nhà máy mới ở bờ biển phía đông nước Mỹ vào năm tới, tăng sản lượng lên 30.000 sản phẩm/ngày.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.