Sắc lệnh yêu cầu người dân cười một lần/ngày gây tranh cãi. Ảnh minh hoạ: Pexels. |
Theo SCMP, chính quyền tỉnh Yamagata (Nhật Bản) vừa thông qua lệnh kêu gọi người dân cười ít nhất một lần/ngày để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều luật mới bị nhiều người nhầm lẫn là trò đùa.
Theo quy định mới của tỉnh Yamagata, các nhà nhiều hành doanh nghiệp địa phương cần xây dựng môi trường làm việc tràn ngập tiếng cười. Họ có trách nhiệm thúc đẩy nhân viên cười nhiều hơn mỗi ngày, Yomiuri đưa tin.
Các nhà lãnh đạo tại Yamagata (Nhật Bản) phải đem đến văn phòng tràn ngập tiếng cười. Ảnh minh hoạ: Pexels/Ketut Subiyanto. |
Lệnh khuyến cười
Sắc lệnh mới được thông qua bởi các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do. Người dân sinh sống và làm việc tại Yamagata được khuyến khích cười mỉm, cười khúc khích hoặc cười thành tiếng hàng ngày.
Ngày thứ 8 hàng tháng cũng được chỉ định là ngày “người dân hành động vì sức khỏe thông qua những tiếng cười”.
Sáng kiến này được đưa ra sau khi chính quyền tham khảo kết quả cuộc nghiên cứu về tiếng cười của Khoa Y, Đại học Yamagata. Cuộc khảo sát này chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa tiếng cười và tuổi thọ.
Hành động cười tươi giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó nâng cao tuổi thọ của cư dân.
Trong một bài báo được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học năm 2020, các nhà khoa học tại Đại học Yamagata tiến hành nghiên cứu 17.152 đối tượng trên 40 tuổi. Kết quả họ thu được là tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn đáng kể ở những người ít khi cười.
Nghiên cứu cũng khẳng định sự liên quan giữa tiếng cười với niềm vui sống, tâm lý tốt, năng lượng tích cực, lòng tin, sự cởi mở và sự tận tâm. Như vậy, tiếng cười tại văn phòng góp phần củng cố thái độ làm việc tích cực và tận tình của người lao động.
Sắc lệnh yêu cầu người dân cười nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ: Pexels/Sam Lion. |
Quy định gây tranh cãi
Tuy nhiên, luật mới không được hoan nghênh, ủng hộ rộng rãi. Thành viên Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản đều bỏ phiếu chống lại đề xuất này, cho rằng quy định mới không phù hợp.
“Cười hay không cười là một trong những quyền cơ bản của con người. Quyền này liên quan đến tự do tư tưởng, tín ngưỡng và nội tâm, đồng thời được hiến pháp bảo vệ”, Toru Seki, thành viên của Đảng Cộng sản Nhật Bản, nói.
“Chúng ta không có quyền kết tội những người gặp khó khăn khi nở nụ cười do bệnh lý hoặc các lý do khác”, Satoru Ishiguro, thành viên Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản, cho biết.
Đáp lại ý kiến phản đối của các đảng phái khác, Đảng Dân chủ Tự do khẳng định rằng sắc lệnh không bắt buộc tất cả cư dân phải cười. Quy định này cũng thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với quyền tự quyết của mỗi cá nhân.
Chính quyền địa phương nêu rõ rằng sắc lệnh không bao gồm điều khoản xử phạt đối với những đối tượng không cười ít nhất một lần trong ngày.
Mặc dù luật mới được nhiều người xem là vô lý, Nhật Bản từng đưa ra hàng loạt quy định khiến các quốc gia khác thắc mắc trước đó. Ví dụ, hành động phá hoại tiền tệ là một tội có thể bị phạt tù đến 1 năm.
Các công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ trả tiền cho khách hàng tử vong trong một cuộc đấu tay đôi. Việc đổ rác thải sinh hoạt sai ngày cũng có thể bị phạt tiền.
Nhật Bản cũng nổi tiếng với luật cấm khiêu vũ từ năm 1948. Tuy nhiên, sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài, lệnh cấm này đã được dỡ bỏ vào năm 2014. Những người yêu âm nhạc một lần nữa được tự do khiêu vũ và nhảy múa.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.