Trường tiểu học Thăng Long (phường B’Lao, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), nơi xuất phát bài toán nổi tiếng trên, trong năm 2014 có 9 học sinh đoạt giải thưởng giải toán trên mạng cấp tỉnh. Năm 2013, trường có một học sinh đoạt huy chương vàng giải toán qua mạng cấp quốc gia.
Tại một số trường ở TP Bảo Lộc, một số giáo viên và phụ huynh học sinh cũng mua cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt để cho học sinh và con em mình tìm tòi, thực hành các bài toán ôn tập thêm dành cho cả năm khối lớp cấp tiểu học.
Một cán bộ Phòng GD&ĐT TP Bảo Lộc cho rằng, cuốn sách trên phòng không có chủ trương phổ biến ở các trường. Nhưng đây là cuốn giấy vở ô li giúp học sinh rèn chữ rất tốt khi làm bài tập. Ngoài ra, cuốn sách có nội dung bám sát chương trình giáo dục tiểu học, theo chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, một số bài rất hóc búa trong sách, chưa phù hợp trình độ của học sinh.
Cô Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên đưa bài toán cho học sinh. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Liên quan việc học sinh giải toán trên mạng, bà Huỳnh Thị Xuân Dung, mẹ em Võ Hoàng Oanh (học sinh lớp 3A3, trường tiểu học Thăng Long), chia sẻ: “Con tôi học lớp cô Nguyễn Thị Kim Quyên - giáo viên lớp 3A3, khối trưởng khối lớp 3 trường tiểu học Thăng Long - và rất thích cách cô giáo hướng dẫn giải toán trên mạng.
Có rất nhiều bài toán khó ở đây nên khi gặp bài nào quá khó tôi và con đều chép lại để đến hỏi cô Quyên chủ nhiệm lớp chỉ dẫn thêm. Cô Quyên cũng hay tìm tòi những bài toán hay để bồi dưỡng cho những em có học lực vượt trội. Còn đối với những em có học lực trung bình, cô vẫn tận tâm và có phương pháp phù hợp để các em theo kịp bè bạn trong lớp”.
“Bản thân tôi thấy các bài toán cô Quyên cho trong giờ ôn tập nói chung và ngay cả bài toán khó đã nổi tiếng mấy ngày nay trên mạng đều rất hay. Đây là những bài nâng cao, rất có lợi cho học sinh khá giỏi, nhất là để các em ôn luyện tham gia giải toán trên mạng. Ngay khi đưa bài toán này về nhà cho mẹ xem, bé Oanh bảo cô nói không cần làm nhưng hai mẹ con cũng cố gắng giải thử xem nó như thế nào” - bà Dung nói.
Cô Quyên năm nay 43 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Đà Lạt, cô về dạy tại một trường vùng ven của TP Bảo Lộc, sau đó vài năm cô chuyển về Trường tiểu học Thăng Long đến nay. Cách nói chuyện nhẹ nhàng, cô rất e ngại khi nói về mình.
Cô bảo: “Nếu chỉ dạy theo chương trình sách giáo khoa thì giáo viên rất khỏe. Nhưng vì cái tâm của một giáo viên, tôi thấy nếu mình không ôn tập nâng cao thêm thì rất uổng phí cho những em học sinh giỏi của lớp. Bản thân tôi chẳng bao giờ ép học sinh phải làm toán khó, phải học giỏi, phải tham gia dự thi các cuộc thi, chủ yếu là khuyến khích các em có tư duy độc lập. Có chăng tôi chỉ “ép” những học sinh trung bình bằng phương pháp riêng của mình để các em cố gắng học đạt với mức chuẩn”.
Cô Nguyễn Thị Ninh - giáo viên lớp 3A1 trường tiểu học Thăng Long, một đồng nghiệp thân thiết của cô Quyên - chia sẻ: “Hai chị em trong trường rất hay trao đổi và chia sẻ cho nhau về những bài tập hay. Nhiều khi gặp những bài khó do phụ huynh đem tới nhờ giải giúp, hai chị em phải thảo luận rất lâu để đưa ra cách giải sao cho phù hợp nhằm trả lời phụ huynh và để hướng dẫn học sinh”.
“Kết thúc năm học rồi tưởng đã được nghỉ ngơi, ai ngờ lại gặp 'tai nạn nghề nghiệp' với bài toán khó này khiến cả tôi và cô Quyên đều cảm thấy rất mệt mỏi, lo lắng vì đã cho các em ôn tập không theo đúng chuẩn kỹ năng và kiến thức quy định” - cô Ninh tâm sự.
Đợi nhà trường tường trình
Ông Từ Ngọc Thanh - trưởng Phòng GD&ĐT TP Bảo Lộc - cho biết, khi biết được thông tin trường tiểu học Thăng Long là nơi xuất phát bài toán trên, ông Thanh tỏ ra hết sức bất ngờ vì đã kiểm tra và rà soát rất kỹ thông tin trước đó.
Do đang bận công việc riêng tại TP HCM nên ông Thanh hứa sáng thứ hai sẽ yêu cầu hiệu trưởng và một số cô giáo trường tiểu học Thăng Long tường trình để có cơ sở báo cáo cấp trên.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc - giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, tới chiều 24/5, ông vẫn chưa nghe báo cáo vụ việc từ phòng giáo dục tiểu học liên quan bài toán gây xôn xao dư luận trên.
Ông Ngọc cho biết, trong ngày 25/5, sẽ yêu cầu lãnh đạo cấp tiểu học tìm hiểu cặn kẽ sự việc. Trên cơ sở tường trình và có ý kiến của phòng giáo dục tiểu học, sở mới đánh giá vấn đề.
Trước đó, khoảng giữa tháng 5, cô Quyên cho một nhóm học sinh làm bài tập trong giờ ôn tập buổi chiều. Bài toán này cô Quyên trích ra trong cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm.
Ngày 18/5, một số trang báo điện tử đưa thông tin về bài toán dành cho học sinh lớp 3 thuộc một trường học trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến nhiều người quan tâm vì độ khó của bài toán.
Ngay sau đó, bài toán này đã trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của truyền thông trong nước mà cả một vài tờ báo Anh, Mỹ...
Nhiều bạn đọc ủng hộ cô giáo
Bên cạnh một số ý kiến không đồng ý về cách ra bài tập, ngược lại nhiều bạn đọc đã ủng hộ cách làm của cô giáo…
- Cô giáo đã nói đây là bài tập nâng cao cho học sinh khá giỏi tư duy thêm, làm hay không làm cũng không sao.
Thứ hai, tôi ủng hộ giáo viên làm như vậy. Ngày xưa tôi đi học cũng được thầy cho những bài toán lạ về giải. Đó là những bài toán mang tính tự nguyện, làm hay không làm cũng không có thưởng phạt gì, nhưng khi giải được tôi cảm thấy rất vui và học thêm được nhiều cách giải đố thú vị.
Việc cô giáo này làm là kích thích khả năng tư duy của trẻ, dù có làm được hay không trẻ cũng đã tư duy. Việc này có lợi cho sự phát triển của trẻ, thêm nữa với cách này chúng ta có thể phát hiện sớm những trẻ có thiên phú tốt để phát triển theo hướng phù hợp như Đỗ Nhật Nam chẳng hạn.
(Nguyễn Thành Nhân)
- Bữa giờ tôi thắc mắc mãi về điều này nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các cô giáo làm như vậy hoàn toàn vì tình yêu nghề, vì học sinh. Chỉ có các cô mới hiểu học trò mình cần gì, nếu như cô chú ý, làm khéo léo một chút sẽ tốt hơn. Trong chuyện này cô đáng khen hơn đáng trách.
(Hoàng Trung)
- Kích thích sự tìm tòi, sáng tạo và đam mê của học sinh luôn là cái đích của giáo dục, của những thầy cô giáo tâm huyết với nghề và yêu trẻ, muốn trẻ phát triển khả năng nhận thức và tư duy. Cô Quyên yên tâm, việc cô làm luôn được những bậc làm cha làm mẹ đánh giá cao, hãy tiếp tục suy nghĩ tìm tòi những bài toán mới.
(Nguyễn Thành)
- Tôi ủng hộ cô giáo. Hãy khuyến khích trẻ động não, tư duy. Từ đây chúng ta phát hiện những tài năng, những năng khiếu. Để cẩn thận, chỉ cần chú thích một dòng: bài tập nâng cao này không bắt buộc nhưng giải được sẽ có quà.
(Lê Mỹ Thùy Dung)